TRUY CỨU ĐẾN CÙNG

06/06/2013 – 06:25

 Xử lý tội lạm dụng không được, cơ quan tố tụng bèn chuyển sang truy cứu tội lừa đảo, trong khi đây chỉ là quan hệ dân sự chậm trả tiền.

Chiều 3-6, Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) vừa kết thúc điều tra, đề nghị truy tố anh Đỗ Minh Tâm (xã An Cơ, huyện Châu Thành, Tây Ninh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói là trước đây cơ quan điều tra từng đề nghị khởi tố Tâm về tội này nhưng đã bị VKS từ chối phê chuẩn. Tiếp đó, Tâm bị khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng rồi sau đó được đình chỉ.

Chậm trả tiền, bị tố cáo

Từ tháng 12-2005, anh Tâm làm tài xế xe tải cho ông Phạm Văn Hạnh. Công việc của anh là đi tìm mối bán củi cao su, trực tiếp thỏa thuận bán hàng và lái xe giao hàng rồi thu tiền về cho ông Hạnh. Anh liên hệ và bán 21 xe củi cho một công ty ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Khách hàng đã trả tiền 10 xe củi, hẹn sẽ trả  tiền 11 xe còn lại (hơn 13 triệu đồng) vào ngày 1-4-2006. Nhưng rồi sau đó ông Hạnh cho anh nghỉ việc do anh lái xe vi phạm bị công an phạt tiền. Đến ngày 1-4-2006, anh Tâm đến công ty bán củi nhận số tiền củi còn lại theo hẹn. Tuy nhiên, thay vì giao trả số tiền này cho ông Hạnh, anh Tâm lại đem tiền đi trả nợ riêng.

Biết chuyện, ông Hạnh đã tố cáo Tâm. Công an xã Định An (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, nơi Tâm đang cư trú) mời đến làm việc. Tâm đến công an hứa sẽ trả tiền cho ông Hạnh và để xe máy lại để đảm bảo việc trả nợ. Sau đó, ông Hạnh đồng ý cho Tâm khất nợ để đi làm phụ hồ kiếm tiền trả.

Năm 2008, Tâm và gia đình chuyển về huyện Châu Thành, Tây Ninh. Tháng 4-2010, anh đến nhà ông Hạnh trả 5 triệu đồng và xin khất một thời gian nữa sẽ trả hết số tiền còn lại. Ông Hạnh đồng ý.

Anh Đỗ Minh Tâm, người từng bị bắt giam, bị truy tố, xét xử rồi đình chỉ nhưng sau lại bị khởi tố tiếp tội khác với cùng một hành vi. Ảnh: PL

Bất ngờ, ngày 14-1-2011, Tâm bị Công an huyện Củ Chi khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngày 2-4 cùng năm, Tâm bị bắt giam theo lệnh truy nã, gần ba tháng sau thì được cho tại ngoại điều tra.

Ngày 7-4-2011, gia đình Tâm trả tiếp số tiền còn nợ cho ông Hạnh.

Chưa đủ cơ sở kết tội

Tháng 6-2011, TAND huyện Củ Chi đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, công tố viên hỏi: “Sau khi thỏa thuận trả nợ tại xã, bị cáo sống ở đâu?”. Tâm trả lời: “Gia đình chuyển về Tây Ninh, còn bị cáo vẫn ở Bình Dương làm hồ kiếm tiền trả nợ. Bị cáo thuê nhà trọ ở ngay gần nhà ông Hạnh. Ông Hạnh có số điện thoại của bị cáo và vẫn gọi đòi tiền”.

Ông Hạnh công nhận lời khai của Tâm là đúng. “Tháng 4-2010, Tâm đến trả tôi 5 triệu đồng, số còn lại xin trả dần, tôi đồng ý vì nó khổ quá rồi. Tôi nhớ trước khi nó bị bắt mấy ngày, tôi có gọi kêu nó trả tiền” – ông Hạnh trả lời tòa. Phía công ty mua củi không có mặt tại tòa nhưng có lời khai thừa nhận chỉ biết Tâm và giao dịch mua bán với Tâm.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, tòa quyết định trả hồ sơ do chưa đủ cơ sở kết tội. Ngay sau đó, Tâm bị khởi tố tội lừa đảo nhưng VKS đã không phê chuẩn. Sau đó, theo yêu cầu của VKS, công an huyện đã điều tra bổ sung và ngày 4-11-2011 có kết luận nêu rõ: Sau khi nhận tiền 11 xe củi (hơn 13 triệu đồng), Tâm không mang giao cho ông Hạnh mà tiêu xài hết và đến Tây Ninh làm thuê kiếm tiền trả nợ. Đến tháng 4-2010, Tâm trả trước ông 5 triệu đồng. Ông Hạnh đồng ý cho Tâm trả dần số tiền còn lại. Hiện gia đình Tâm đã trả đủ nợ cho ông Hạnh.

Cùng ngày, vụ án được đình chỉ điều tra với lý do “hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng do chuyển biến của tình hình không còn nguy hiểm”.

Đòi bồi thường oan, bị khởi tố tiếp

Sau khi được đình chỉ, Tâm gửi đơn khiếu nại khắp nơi, rằng mình bị oan chứ không phải “do chuyển biến tình hình”. Khiếu nại của anh Tâm chưa được giải quyết thì bất ngờ, hơn 16 tháng sau ngày đình chỉ điều tra, tháng 3-2013, Công an huyện Củ Chi lại khởi tố Tâm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do hành vi của Tâm không phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm (trích nguyên văn). Trái với lần trước, lần này VKS huyện lại phê chuẩn quyết định khởi tố tội danh mới này.

Mới đây, ngày 27-5, VKSND TP.HCM có văn bản trả lời đơn khiếu nại của anh Tâm. Theo đó, viện này cho biết đã hủy một số quyết định không đúng, trong đó có quyết định của VKS huyện giải quyết việc Tâm khiếu nại lý do đình chỉ do chuyển biến của tình hình, hành vi phạm tội không còn nguy hiểm. Ngoài ra, viện cho rằng vụ án chưa được điều tra toàn diện, vi phạm tố tụng và vẫn đang tiếp tục điều tra. Đến ngày 3-6 thì Công an huyện Củ Chi có kết luận điều tra như đã nói.

Lẽ ra vụ án đã khép lại…

Đỗ Minh Tâm đưa mắt nhìn ra phía thằng bé con đang chạy lăng xăng chơi ngoài sân. Ngày anh vướng vòng lao lý, vợ anh vừa sinh thằng nhóc này. Mẹ anh (62 tuổi) vừa phải chăm con dâu, vừa phải vay mượn tiền bà con lối xóm để thăm nuôi anh.

Ngồi kế bên, mẹ anh Tâm không kìm được nước mắt. Bà kể thằng Tâm của bà hồi nào giờ nghèo thì nghèo chớ chưa bao giờ lừa ai. “Nhiều bữa thấy người ta lỡ đường vơ vất trước nhà, nó còn kêu vào cho ăn cơm và cho ngủ lại nhà” – bà nói. Rồi bà kể mình phải mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 20 triệu đồng, lặn lội 80 cây số đi thăm nuôi khi Tâm bị giam. Khi vụ án được đình chỉ, tưởng yên, nào ngờ 16 tháng sau người ta lại khởi tố con bà tội lừa đảo. “Mỗi lần thằng Tâm nhận giấy triệu tập, cả nhà không ai làm được việc gì vì sợ nó lại bị bắt bỏ tù. Nó bỏ cả công việc cạo mủ thuê – nguồn sống duy nhất của cả nhà, đi xe buýt 80 cây số để đến công an lấy lời khai…”.

Từ ngày Tâm bị khởi tố, tình hình chẳng có gì thay đổi, các tình tiết vụ án cũng không thay đổi. Chỉ thời gian là trôi đi. Lẽ ra qua thời gian, sai phạm phải được quên dần để người ta xây dựng cuộc đời, yên tâm làm ăn. Vậy mà chỉ với hơn chục triệu đồng tiền củi chậm trả cho chủ, Tâm lại bị truy cứu đến cùng, bị làm cho nghiêm trọng hơn những gì nó vốn có.

Phải chăng để né bồi thường oan?!

Theo Điều 139 BLHS, yếu tố cấu thành tội lừa đảo là phải có ý định chiếm đoạt tài sản trước và bằng thủ đoạn gian dối để người khác tin và giao tài sản. Diễn biến vụ án bên cạnh cho thấy giữa anh Tâm và ông Hạnh có một giao kết thực hiện công việc. Theo đó, Tâm tìm mối mua củi, chở củi đi giao với giá mà ông Hạnh đưa ra. Ông Hạnh hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối trong việc giao củi cho anh Tâm. Hơn nữa, công việc này đã diễn ra liên tục trong vòng ba tháng.

Về quan hệ giữa anh và công ty mua củi, đó là thỏa thuận dân sự mua bán hàng hóa. Công ty nhận củi từ anh và trả tiền cho anh. Khi anh đặt bút ký tên nhận hơn 13 triệu đồng tiền củi, rõ ràng anh đã chịu trách nhiệm về số tiền mình tiếp nhận, không hề gian dối trong cuộc giao dịch với phía công ty. Như vậy không thể nói Tâm bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền mà công ty bán củi có nghĩa vụ trả.

Đáng lý nhận tiền rồi, anh phải mang giao lại ông Hạnh. Đằng nàygặp lúc khó khăn, anh dành trả nợ riêng. Hành vi này không cấu thành tội phạm hình sự bởi chỉ là một quan hệ dân sự chậm thanh toán tiền hàng (chiếm dụng vốn, chiếm dụng tiền hàng). Trong các quan hệ dân sự, yếu tố chiếm dụng này cũng rất nhiều…

Một yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội lừa đảo là phải có người bị hại, có thiệt hại xảy ra. Trong vụ án này, tất cả đều làm theo những thỏa thuận dân sự mà pháp luật không cấm, không có ai là người bị hại. Một khi không thỏa mãn yếu tố bắt buộc này thì sẽ không có vụ án lừa đảo.

Có thể nói lý do đình chỉ điều tra anh Tâm trước đây đã không ổn, lý do khởi tố bây giờ càng khó hiểu hơn. Rõ ràng trước đây tình hình không hề thay đổi, tình hình bây giờ cũng không có gì đổi thay. Chỉ còn có một loại “tình hình” khác, đó là nếu thừa nhận khởi tố oan thì sẽ phải bồi thường cho anh Tâm. Phải chăng vì vậy mà người ta mới phải truy cứu đến cùng?!

ThS PHAN ANH TUẤNTrưởng bộ môn Luật hình sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *