TRỰC TUYẾN VỀ CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, LÝ LỊCH TƯ PHÁP

01/07/2013 – 08:17

Bạn có gặp vướng mắc gì khi đi làm khai sinh, hộ khẩu, bảo hiểm y tế cho con, em mình? Bạn có gặp khó khăn gì khi đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (như: đăng ký kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con, ghi chú kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân)? Bạn đang có nhu cầu được xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận là người gốc Việt Nam hoặc muốn được cấp phiếu lý lịch tư pháp?

9g hôm nay, ngày 1-7-2013 , Sở Tư pháp TP.HCM giao lưu trực tuyến về các thủ tục hành chính hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp. Mời bạn đọc đặt câu hỏi và theo dõi  tại đây
Đến dự có:

  • Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, GĐ Sở Tư pháp TP. HCM
  • Bà LÊ THỊ BÌNH MINH, Phó GĐ Sở Tư pháp TP. HCM
  • Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM
  • Ông HỒNG VĂN HẢI, Trưởng phòng lý lịch Tư pháp – Sở Tư Pháp TP.HCM

Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nhằm tăng cường giao lưu trực tiếp với người dân giúp người dân hiểu rõ hơn các thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức  giao lưu trực tuyến với bạn đọc thông qua Báo Pháp Luật TP.HCM.

Đây là buổi đầu tiên thực hiện nội dung này, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục giao lưu trực tuyến về các nội dung khác như giới thiệu những văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp với người dân. Ví dụ như Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa có hiệu lực, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính… Rất mong bạn đọc quan tâm theo dõi và góp ý để chương trình sát sườn, thiết thực hơn.

Hà Anh – 20 tuổi haanhquan@yahoo.com

Tôi có nhận một người làm con nuôi từ lúc mới lọt lòng, đến nay con tôi đã được 20 tuổi. Nay, tôi đi nước ngoài sống cùng gia đình theo diện đoàn tụ, không đưa con theo được. Gia đình tôi bàn bạc với nhau và quyết định tôi sẽ giao con của tôi cho người em gái tôi ở trong nước nhận làm con nuôi, con tôi cũng đồng ý. Tôi băn khoăn không biết luật có cho phép giao con nuôi cho người khác nhận làm con nuôi trong trường hợp này không, thủ tục như thế nào?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định về người được nhận làm con nuôi: theo quy định này, trẻ em dưới 16 tuổi được nhận làm con nuôi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được nhận làm con nuôi trong trường hợp được cha dượng, mẹ kế hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Theo thông tin do Ông/Bà cung cấp, hiện con nuôi của Ông/Bà đã được 20 tuổi nên đã ngoài độ tuổi pháp luật cho phép được nhận làm con nuôi. Ngoài ra, hiện tại pháp luật về nuôi con nuôi chưa có quy định về việc nhận con nuôi của người khác làm con nuôi của mình.

Hạ Vy – havy@yahoo.com

Năm 1993, tôi có nhận nuôi một đứa con trai nuôi 13 tuổi. Hiện giờ, nó đã lấy vợ và có con nhưng vẫn sống chung nhà chăm sóc, phụng dưỡng tôi. Thế nhưng tôi và đứa con nuôi này không có bất cứ giấy tờ gì hết để chứng minh mối quan hệ mẹ con này mà chỉ nhận nuôi bằng miệng. Bây giờ tôi cũng lớn tuổi và có chút ít tài sản nên muốn làm giấy tờ nhìn nhận quan hệ mẹ con nuôi cho rõ ràng thì phải liên hệ ở đâu và làm giấy tờ gì?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Khoản 1, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.”

Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện nên trên, thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 (ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực) đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 Ông/Bà có thể liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của Ông/Bà để nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế. Hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế (mẫu Mẫu TP/CN-2011/CN.03); trong Tờ khai cần ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi trên thực tế, có chữ ký của ít nhất hai người làm chứng.

– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của người nhận con nuôi;

– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi;

– Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của người nhận con nuôi, nếu có;

– Giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh về việc nuôi con nuôi, nếu có.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2278/KH-UBND ngày 23/5/2012 đăng ký nuôi con nuôi thực tế. Những gia đình có nuôi con nuôi thực tế mà đủ điều kiện nêu trên thì nên đi đăng ký trước ngày 31/12/2015 để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Bà Trần Thị Tuyết – Xã Phạm Văn Hai , Huyện Bình Chánh TP. HCM

Vợ chồng tôi mới nhận một trẻ bỏ rơi làm con nuôi. Khi đi khai sinh cho cháu, tôi thấy trong sổ đăng ký khai sinh của cán bộ hộ tịch có ghi chú là “trẻ bị bỏ rơi”, phần ghi về cha, mẹ được ghi chú là “cha, mẹ nuôi”. Vợ chồng tôi rất thương cháu bé, xem cháu bé như con mình đẻ ra, không muốn sau này lớn lên cháu tìm hiểu và biết mình bị bỏ rơi. Do vậy, vợ chồng tôi đã nói với cán bộ hộ tịch đừng ghi như vậy nhưng cán bộ giải thích đó là quy định bắt buộc. Xin cho hỏi chúng tôi có được quyền yêu cầu không ghi chú gì trong phần sổ đăng ký khai sinh của cán bộ hộ tịch không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Khoản 3, 4 Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “3. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”. Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

4. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là  ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”.”

Căn cứ theo quy định trên thì việc cán bộ hộ tịch đã giải thích với Ông Bà là đúng quy định của pháp luật.

Phương Thị Tuyền – phuongthituyen_17181@yahoo.com.vn

Tôi năm nay 30 tuổi, gần đây tôi mới biết người cha thực sự của tôi là người hàng xóm với gia đình tôi, tức ông Đinh Trần Q. (đã mất). Tôi rất muốn làm thủ tục nhận cha cho con với ông Q. nhưng chưa biết phải làm những bước nào. Xin nhờ cán bộ hướng dẫn giúp?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định con có quyền nhận cha của mình kể cả trong trường hợp cha mẹ đã chết. Khoản 8 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ quy định người con đã thành niên cũng được làm thủ tục nhận cha mẹ trong trường hợp cha mẹ đã chết nếu việc nhận cha mẹ là tự nguyện, không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ. Về thủ tục xin nhận cha con, Ông/Bà có thể căn cứ vào trường hợp cụ thể của mình để tham khảo trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn.

Nguyễn Văn Bình – Ninh Bình

Trong một lần sơ ý, con trai bảy tuổi của tôi làm đổ mực lên tờ giấy khai sinh (bản gốc) của cháu. Tôi muốn xin lại bản chính giấy khai sinh cho con thì phải làm sao?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng …mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được, thì được cấp lại bản chính Giấy khai sinh”. Theotrình bày thì trường hợp bản chính Giấy Khai sinh con của Ông/Bà có thể được cấp lại, Ông/Bà liên hệ với Phòng Tư pháp của Ủy ban nhân dân quận – huyện nơi lưu trữ sổ đăng ký khai sinh của con Ông/Bà để thực hiện thủ tục cấp lại bản chính Giấy khai sinh. Trong trường hợp không còn sổ bộ khai sinh, Ông/Bà có thể thực hiện thủ tục đăng ký lại việc sinh.

Về thủ tục cấp lại bản chính Giấy khai sinh, Ông/Bà cầnnộp Tờ khai (theo mẫu quy định), bản chính Giấy khai sinh cũ và xuất trình các giấy tờ  tùy thân của Ông/Bà.

 

Ông Hồng Văn Hải (giữa) đang trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Huyền Vi

Nguyễn Văn Phú Tâm –  Bình Thuận

Tôi có hộ khẩu ở tỉnh Ninh Bình nhưng đã vào Bình Dương làm công nhân tám năm. Nay tôi lấy vợ ở đây thì cán bộ buộc tôi phải về UBND xã nơi tôi có hộ khẩu thường trú để xác nhận tình trạng hôn nhân. UBND xã này chỉ xác nhận cho tôi trong khoảng thời gian tôi còn ở quê là chưa kết hôn với ai còn khoảng thời gian tám năm tôi đi làm công nhân thì bỏ trống. Với xác nhận này thì UBND xã quê vợ tôi không cho đăng ký kết hôn. Tôi phải làm sao đây?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Khoản 1 Điều 66 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó”. Theo nội dung Ông trình bày thì Ông có Hộ khẩu ở tỉnh Ninh Bình, do đó UBND cấp xã nơi Ông có Hộ khẩu thường trú có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân kể cả đối với thời gian Ông tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quy định của Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp thì đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của họ và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Quỳnh như Huyền – Quynhnhuhuyen_10877@yahoo.com.vn

Tôi được UBND xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn với ông H. (Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau đó, chúng tôi lục đục nên hoãn chuyện cưới xin. Tám tháng sau chúng tôi làm hòa và đi đăng ký kết hôn thì giấy xác nhận này đã hết hiệu lực. Khi tôi về UBND xã Phạm Văn Hai xin xác nhận tình trạng hôn nhân lại thì cán bộ buộc tôi nộp lại giấy xác nhận cũ. Yêu cầu này có đúng hay không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại điểm g mục 2 phần II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Khi đương sự yêu cầu xác nhận lại tình trạng hôn nhân trong Tờ khai đăng ký kết hôn do xác nhận trước đó đã hết thời hạn sử dụng, thì phải nộp lại Tờ khai đăng ký kết hôn cũ…”. Do đó, yêu cầu của cán bộ hộ tịch xã Phạm Văn Hai trong trường hợp nêu trên là đúng quy định pháp luật.

Trần Văn Tiến, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.Năm 1992, tôi bị xử án tù hai năm và tôi đã ở tù xong tới nay không có phạm tội gì khác. Nay tôi đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp thì trong phiếu này có ghi tội danh và thời gian ở tù của tôi hay không?  Ông HỒNG VĂN HẢI- Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:Câu hỏi của ông thiếu cụ thể nên tôi xin đưa 2 hướng trả lời như sau:- Năm 1992, ông bị Tòa án nhân dân xử án hai năm tù nhưng không nói rõ tù giam hay treo (Trong câu hỏi có đặt vấn đề ở tù xong thì có thể hiểu là tù giam), bị kết án về tội gì, ngày tháng năm Tòa tuyên án, trách nhiệm dân sự (nếu có), án phí ….

Theo cách tính của Điều 67 của bộ luật hình sự, thời điểm chấp hành xong bản án cộng thêm ba năm không phạm tội mới thì đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích (theo Điều 64 Bộ luật Hình sự) nếu không mắc các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, ông được quyền yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân đã xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích (theo Điều 270 của Bộ luật tố tụng hình sự).

-Khi được cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì phiếu lý lịch tư pháp số 1 của ông mục tình trạng án tích ghi “không có án tích”. Nếu ông yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì mục tình trạng án tích ghi “không có án tích” nhưng có thể hiện thông tin về bản án mà ông đã thi hành xong và ghi chú thông tin về việc đã được xóa án tích.

Tunguyen_12686@yahoo.com

Con gái tôi lấy chồng Hàn Quốc (có đăng ký kết hôn ở Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu). Nay nó trốn chồng về nước và ở lại Việt Nam được trên bốn năm. Giờ con gái tôi đã làm đám cưới với chồng mới và sắp có con nhưng cán bộ xã nói là không làm giấy tờ kết hôn được vì con gái tôi chưa ly hôn chồng Hàn Quốc. Hiện giờ, con gái tôi cũng không biết địa chỉ chồng nó ở đâu và chồng cũ nó cũng bặc tâm luôn. Vậy con gái tôi làm sao mới đăng ký kết hôn được với chồng mới để làm giấy khai sinh cho con?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì một trong những trường hợp bị cấm kết hôn là “người đang có vợ hoặc có chồng”. Trường hợp nêu trên con gái của Ông/Bà tuy không còn chung sống với chồng người Hàn Quốc nhưng vẫn còn tồn tại quan hệ vợ chồng theo quy định pháp luật. Do đó, con gái Ông/Bà cần liên hệ Tòa án nhân dân cấp tỉnh để được hướng dẫn thủ tục ly hôn. Sau khi ly hôn thì con gái Ông/Bà mới có thể đăng ký kết hôn với người khác.

Oanhhoang_11976@yahoo.com.vn

Chúng tôi đã nộp đủ hồ sơ đăng ký kết hôn cho UBND xã. Nếu đến ngày hẹn ký giấy đăng ký kết hôn mà anh ấy vẫn chưa về kịp (do đi công tác đột xuất) thì tôi xin hoãn ngày này lại được không hay phải làm thủ tục lại từ đầu?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Hiện nay, pháp luật chưa quy định thời hạn hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn trong nước phải có mặt để ký và nhận Giấy Chứng nhận kết hôn tại UBND cấp xã. Do đó, bà và người dự định kết hôn cần sắp xếp thời gian sớm nhất kể từ ngày hẹn để đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã nộp hồ sơ để ký và nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc nên chủ động đến UBND xã nơi đã nộp hồ sơ để trình bày và xin lịch hẹn khác.

Tranthiphuonganh_1972@yahoo.com

Do phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho công ty nước ngoài nên tôi có thể xin cấp phiếu này bằng tiếng Anh và Hoa được không?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Biểu mẫu phiếu lý lịch tư pháp ban hành kèm theo Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (chữ tiếng Việt Nam) không có tiếng nước ngoài.

Do vậy, phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý lý lịch tư pháp cấp cho công dân điều ghi tiếng Việt, và công dân có nhu cầu sử dụng phiếu bằng tiếng của nước nào thì dịch sang tiếng của nước mà mình giao dịch.

Nếu không có điều kiện đi lại nhiều lần thì ông, bà có thể đăng ký dịch vụ: dịch thuật và chuyển phát kết quả tận nhà (ngay khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở) mà không cần phải đến Sở Tư pháp nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp rồi đi dịch thuật.

minhtan@gmail.com

Năm 2001, anh trai tôi đã định cư ở nước ngoài nhưng anh ấy muốn được cấp phiếu lý lịch tư pháp cho khoảng thời gian anh ấy sống ở Việt Nam để bổ sung hồ sơ thì liên hệ ở đâu để được giải quyết (trước đây anh tôi sống ở Bà Rịa-Vũng Tàu)?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 45 của Luật lý lịch tư pháp, công dân Việt Nam hiện đang cư trú ở nước ngoài yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

Thủ tục gồm có:

Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu) và kèm theo các giấy tờ sau:

  • Bản chụp chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu
  • Bản chụp Sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú. Như vậy, thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nguyễn Thị Thúy Kiều – Khu phố 4, P. Bình An Quận 2

Cha, mẹ tôi lấy nhau từ năm 1980 và có bốn đứa con. Thực tế là cha, mẹ tôi chưa có giấy đăng ký kết hôn. Họ chỉ được ghi nhận là vợ chồng trong sổ hộ khẩu gia đình và trong giấy khai sinh của bốn anh chị em tôi. Nay nếu cha, mẹ xin cấp giấy đăng ký kết hôn được không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo quy định tại điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì“Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn…”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 3 của Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Việc đăng ký kết hôn đối với những trường hợp này không bị hạn chế về thời gian” và “Quan hệ hôn nhân của những người đăng ký kết hôn…được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế…”. Do đó, cha mẹ của ông/bà có thể liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang cư trú để đăng ký kết hôn.

Phạm Thị Thúy – Phường 13 Q. 6

Trước đây con trai tôi có quốc tịch Hoa Kỳ (chồng tôi là Việt kiều). Nay tôi đã ly hôn chồng và hai mẹ con tôi trở về Việt Nam sinh sống được hơn sáu tháng. Tôi muốn con tôi được mang quốc tịch Việt Nam theo mẹ thì có được không? nếu được thì tôi phải làm thủ tục gì, liên hệ ở đâu?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo trình bày của Bà thì con trai Bà đã có quốc tịch Hoa Kỳ. Nay Bà muốn con Bà được mang quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam.Để nhập quốc tịch Việt Nam thì con của Bà phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam vì điểm a, khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam là “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…” và Điều 18 của Bộ luật có quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên…”.

phamvanphuong17261@gmail.com

Tôi là người Việt Nam vượt biên năm 1976 và đã có quốc tịch Hoa Kỳ. Hiện giờ tôi đang sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi muốn về Việt Nam ở luôn nên tôi có thể xin trở lại quốc tịch Việt Nam được không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”. Do đó, nếu Ông/Bà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì có thể liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ trước ngày 01/7/2014 để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Hết thời hạn này nếu Ông/Bà không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp Ông/Bà đã thôi quốc tịch Việt Nam hoặc có nhưng không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định mà muốn có lại quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật. Ông/Bà có thể liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ để tìm hiểu về thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và xem trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ http://www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn để tìm hiểu về thủ tục xin trở lại quốc tịch Viện Nam.

Nguyễn Văn Tám – Cư xá Thanh Đa, Phường 27 Q. Bình Thạnh

Người quen của tôi đã định cư và có quốc tịch nước ngoài nhưng họ không đăng ký từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Nếu vậy họ có phải đăng ký giữ lại quốc tịch hay đương nhiên là họ vẫn còn quốc tịch Việt Nam?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”. Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 01/7/2014. Hết thời hạn này, nếu người quen của Ông//Bà chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam.

phamvu1978_22@yahoo.com

Em gái tôi là học sinh và em ấy có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì có được miễn lệ phí này không?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Điều 2 Thông tư số 174/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 quy định: “Đối tượng được miễn lệ phí” bao gồm:

– Người thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

– Người cư trú tại xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Điều 3 Thông tư số 174/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 quy định: Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ. Mức thu: 100.000 đồng/lần/người.

Như vậy, em gái của ông/bà là học sinh không thuộc đối tượng được miễn lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, chỉ được giảm mà thôi.

Nếu nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngoài thủ tục, như: Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, bản chụp chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bản chụp sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú, thì em gái của ông/bà phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục, đào tạo để được áp dụng mức thu 100.000 đồng/lần/người.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp đang trả lời thư bạn đọc. Ảnh Huyền Vi

Ngô Huyền – Email: anhngoc_kb@yahoo.com

Tôi là người Việt Nam, có nhà ở tại Việt Nam (Q.Tân Phú, TP.HCM), đã kết hôn với chồng người Trung Quốc. Hiện tại cả 2 vợ chồng đều ở Việt Nam. Vợ chồng tôi có 1 con năm nay 7 tuổi, được sinh ra tại Việt Nam nhưng mang quốc tịch Trung Quốc. Do từ lúc sinh ra đến giờ, cháu vẫn ở Việt Nam và đi học tại Việt Nam. Hiện tại, vợ chồng chúng tôi muốn cho cháu nhập quốc tịch Việt Nam để thuận tiện cho cháu đi học. Tôi có tìm hiểu luật Quốc tịch, trường hợp này được nhập Quốc tịch. Tuy nhiên, Sở Tư pháp từ chối nhận hồ sơ mà không nêu lý do rõ ràng chỉ nói rằng “nếu muốn nhập cho con thì cha cũng phải nhập và con là diện đi kèm; không phải đợi con 18 tuổi”. Tôi không biết phải làm sao bởi cả 2 trường hợp nêu trên không phù hợp vào lúc này với chúng tôi. Rất mong nhận được câu trả lời.

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM:

Theo bà trình bày, con của bà năm nay 07 tuổi, đã có quốc tịch Trung Quốc, nay Bà muốn nhập quốc tịch Việt Nam cho con thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam là “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2005 “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…” và Điều 18 của Bộ luật có quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên…” nêncon của Bà phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.

Để nhập quốc tịch Việt Nam thì con của Bà phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam vì điểm a, khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam là “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…” và Điều 18 của Bộ luật có quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên…”.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nêu thêm một phương án khác để bà tham khảo đó là phương án con chưa thành niên nhập quốc tịch theo cha mẹ. Cụ thể là nếu chồng bà nhập quốc tịch Việt Nam thì con của bà có thể nhập theo cha mà không cần phải lập hồ sơ riêng và không cần phải đáp ứng điều kiện về tuổi như nêu trên.

Bà Nguyễn Thị Lý, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

Con trai tôi muốn cấp phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ du học ở Pháp thì tôi có thể thay cháu đi làm thủ tục cấp phiếu này được không? Hồ sơ gồm những giấy tờ gì? Lệ phí là bao nhiêu tiền?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 45 của Luật Lý lịch tư pháp quy định:

“Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật, trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền”.

Trường hợp con của ông/bà có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để bổ túc hồ sơ du học thì ông/bà được làm thủ tục thay cho con mà không cần văn bản ủy quyền.

Thủ tục gồm:

– Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

– Bản chụp chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

– Bản chụp Sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú (của người được cấp lý lịch tư pháp).

Lệ phí:

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 174/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 quy định: Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ là 100.000 đồng/lần/người.

Để xác định người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc đối tượng là học sinh, sinh viên để áp dụng mức thu lệ phí 100.000 đồng/lần/người. Ông/bà phải xuất trình thẻ học sinh, thẻ sinh viên hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục, đào tạo (nơi con của ông/bà đang học tập).

Haphuongquynh18@yahoo.com

Xin cho hỏi về xác nhận độc thân như sau: Trước năm 2011 tôi ở quận 3, từ năm 2011 đến nay tôi ở quận 4. Nay tôi muốn xác nhận độc thân để bổ túc hồ sơ nhà, tôi ra phường ở quận 4 chứng thì phường yêu cầu tôi về phường ở quận 3, nhưng tôi đến phường ở quận 3 thì không chứng và nói tôi về phường ở quận 4 làm cam đoan là được. Kính ming quý cơ quan hướng dẫn.

Ông NGUYỄN VĂN VŨ- Trưởng phòng Hộ tịch- Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM :

Theo quy định, UBND cấp xã nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó.

Theo thư hỏi của Bà thì hiện tại Bà cư trú tại quận 4 nên UBND phường tại quận 4 có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho Bà.

Thông tư 01 ngày 02.6.2008 của Bộ Tư pháp qui định: Đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của đương sự ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự phải viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Truonghung@yahoo.com

Tôi có bản sao khai sinh được cấp năm 1969 tại tỉnh Định Tường – Bến Tre. Vậy tôi có thể đăng ký lại việc sinh hay không. Thẩm quyền đăng ký lại? Thủ tục ra sao? Cán bộ hộ tịch phường yêu cầu tôi phải về nơi cấp trước đây trích lục nếu không có thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Vậy có quy định pháp luật hay không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ- Trưởng phòng Hộ tịch- Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM :

Trong trường hợp sổ Bộ đăng ký khai sinh của ông tại tỉnh Bến Tre còn lưu giữ thì ông liên hệ tại đây để được trích lục khai sinh hay ông có thể đề nghị UBND huyện cấp lại bản chính giấy khai sinh. Trong trường hợp sổ bộ khai sinh không còn lưu giữ mà ông còn bản sao khai sinh hợp lệ thì ông có thể liên hệ UBND xã, phường hiện đang cư trú hoặc UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây để đăng ký lại việc sinh.

Vấn đề này Khoản 13, Điều 1 Nghị Định 60/2012/NĐ-CP ngày 02.2.2012 của Chính Phủ qui định như sau:

-Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh, phải nộp tờ khai (theo mẫu qui định) và xuất trình bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây (nếu có) trong trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu được và chịu trách nhiệm về việc đương sự cam đoan.

– Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, thì cán bộ hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch theo từng loại việc và bản chính giống khai sinh…chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho đương sự ký một bản chính giấy tờ hộ tịch theo từng loại việc. Các giấy tờ hộ tịch cũ liên quan đến sự kiện hộ tịch đã ký lại (Nếu có) được thu hồi và lưu hồ sơ

– Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài không quá 3 ngày.

Theo tình bày, ông đã có bản sao giấy khai sinh nên có thể liên hệ UBND phường, xã nơi ông cư trú hoặc nơi đã đăng ký việc sinh trước đây để đăng ký lại việc sinh.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11g10 cùng ngày. Với những câu hỏi còn được bạn đọc tiếp tục gửi đến, Sở Tư pháp TP.HCM sẽ trả lời trên online hoặc báo in.

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *