VĂN HÓA PHÁP LÝ VÀ NGHỆ THUẬT ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG ĐỜI SỐNG

Văn hoá được hiểu là tất cả những gì, kể cả bản thân con người, do con người từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau thông qua lao động sáng tạo ra và xây dựng nên nhằm đáp ứng các nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của mình. Mọi quốc gia, dân tộc đều có nền văn hoá riêng được xây dựng và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Văn hoá được hiểu là tất cả những gì, kể cả bản thân con người, do con người từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau thông qua lao động sáng tạo ra và xây dựng nên nhằm đáp ứng các nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của mình. Mọi quốc gia, dân tộc đều có nền văn hoá riêng được xây dựng và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trong quá trình toàn cầu hoá, văn hoá chính là nền tảng để dân tộc Việt Nam hội nhập nhưng không hoà tan. Văn hoá pháp lý là một bộ phận hợp thành của nền văn hoá dân tộc và hàm chứa trong nó ba yếu tố: ý thức pháp luật; hệ thống pháp luật và trình độ, kỹ năng, nghệ thuật áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội.

 

1.Ý thức pháp luật

Ý thức pháp luật thuộc lĩnh vực đời sống của con người. Cấu trúc của ý thức pháp luật bao gồm các yếu tố và mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng, như: trí tuệ pháp luật; tình cảm pháp luật và thói quen pháp luật.

1.1. Trí tuệ pháp luật

Trí tuệ pháp luật được thể hiện ở ba nội dung: nhận thức pháp luật; tri thức pháp luật; học thuyết pháp lý.

Nhận thức pháp luật của con người thể hiện ở trình độ hiểu biết nhiều hay ít, nông hay sâu về nội dung của các quy phạm pháp luật và quá trình điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Nhận thức pháp luật có thể phân biệt thành ba mức độ khác nhau: chưa nhận thức được; nhận thức chưa đầy đủ và nhận thức tương đối toàn diện. Trí tuệ của con người là không có giới hạn. Từ nhận thức chưa đầy đủ đến nhận thức ngày một rõ ràng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về pháp luật là con đường tất yếu con người phải trải qua. Nhận thức đúng về pháp luật là bảo đảm quan trọng cho mỗi người hành động đúng theo yêu cầu của pháp luật. Không nhận thức được pháp luật hoặc nhận thức sai lệch về pháp luật sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy, Nhà nước ta dành phần ngân sách đáng kể, sử dụng phương tiện vật chất, kỹ thuật và luôn kiên trì, bền bỉ để tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho dân chúng.

Tri thức pháp luật thể hiện ở trình độ hiểu biết pháp luật một cách đầy đủ, sâu sắc, là kết quả của tính năng động, tìm tòi, khám phá trong hoạt động tư duy của con người. Tri thức pháp luật cần cho mọi người, mọi ngành. Để đảm bảo thành công cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, Nhà nước cần đề ra hệ thống chỉ tiêu trình độ tri thức pháp luật cho công dân và cán bộ công chức, viên chức. Hệ thống chỉ tiêu đó có thể là: trình độ tri thức pháp luật phổ thông (có hiểu biết về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân); trình độ tri thức pháp luật trung cấp (đối với công chức bình thường phải nắm được pháp luật về hành chính, bộ máy nhà nước…); trình độ tri thức pháp luật đại học (đối với công chức, viên chức ngành tư pháp phải có bằng cử nhân luật…); trình độ tri thức pháp luật trên đại học (đối với các giảng viên đại học chuyên về các môn khoa học pháp lý, các cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo chuyên luật, các cơ sở nghiên cứu về luật…).

Trình độ tri thức pháp luật của công chức, viên chức ở cương vị nào phải tương xứng với cương vị đó, hoạt động ở lĩnh vực nào phải nắm vững pháp luật về lĩnh vực ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rất rõ yêu cầu này nên khi đề ra đường lối đổi mới, Văn kiện Đại hội VI (tháng 12/1986) đã khẳng định: “Cán bộ quản lý hành chính nhà nước từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch các cấp, Cục, Vụ trưởng đều phải là những người hiểu biết nguyên tắc, chế độ quản lý hành chính, hiểu biết pháp luật, hiểu biết chuyên môn… Các cán bộ lãmh đạo và quản lý ở các cương vị chủ chốt từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, từ Tổng giám đốc đến cán bộ quản lý cơ sở đều phải qua các lớp bồi dưỡng định kỳ có sát hạch theo chương trình thiết thực, có hệ thống về đường lối, chính sách, cơ chế quản lý và kiến thức quản lý mới về chuyên môn, nghiệp vụ và về pháp luật…”1. Hiện nay, trong điều kiện mới thì những yêu cầu trên của Đảng cần phải được nhấn mạnh hơn, kiên quyến hơn trong thực thi nhằm phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tri thức pháp luật không tương xứng với cương vị công tác, với quyền hạn và trách nhiệm được giao là nguyên nhân tiềm ẩn của sự vi phạm pháp luật, lạm quyền, cửa quyền.

Học thuyết pháp lý. Cũng như mọi ngành khoa học khác, khoa học pháp lý trong quá trình phát triển về mặt lý luận đã phát sinh ra nhiều học thuyết khác nhau như học thuyết pháp trị, đức trị, kỹ trị, tam quyền phân lập… Các nhà khoa học pháp lý chân chính của Việt Nam cần quan tâm  xây dựng ý thức hệ pháp luật quốc gia của mình trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Nội dung cốt lõi của học thuyết pháp luật Việt Nam phải bao hàm những vấn đề cơ bản sau: pháp luật là ý chí của nhân dân lao động Việt Nam; Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp… Việc áp dụng một cách máy móc các học thuyết pháp lý của nước ngoài vào hoàn cảnh Việt Nam là điều cần tránh.

1.2. Tình cảm pháp luật

Tình cảm con người là những rung động đặc thù về tâm hồn được biểu hiện thông qua các cung bậc của cảm xúc như vui mừng, sợ hãi, oán ghét, thán phục, niềm tin và hi vọng, sự chán chường, sự mất lòng tin… Tình cảm con người được thể hiện bằng những thái độ như ủng hộ hay phản đối, gần gũi hay xa lánh, quan tâm hay thờ ơ… Từ đó có thể hiểu tình cảm pháp luật là những rung động về tâm hồn của con người đối với pháp luật nói chung và đối với những hành vi cụ thể được pháp luật điều chỉnh. Tình cảm pháp luật là niềm tin hay mất niềm tin, là sự tôn trọng hay không tôn trọng đối với pháp luật và những việc liên quan đến pháp luật. Tình cảm pháp luật của mỗi người là khác nhau: có người rất tôn trọng pháp luật, sống có kỷ cương, nền nếp nhưng có người lại coi thường pháp luật, nói đến pháp luật là họ cảm thấy mất tự do.

Trong đời sống xã hội, tình cảm pháp luật của công dân chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Người có tình cảm pháp luật theo hướng tích cực sẽ tự nguyện tuân thủ pháp luật góp phần hoàn thành nghĩa vụ, nâng cao trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và Tổ quốc. Vì vậy, Nhà nước cần có các biện pháp phù hợp thường xuyên vun đắp, bồi dưỡng tình cảm pháp luật cho dân chúng.

1.3. Ý chí, thói quen pháp luật

Tình cảm pháp luật lành mạnh luôn xuất hiện ở những người có ý chí pháp luật vững vàng. Người có ý chí pháp luật vững vàng luôn giữ vững được tình cảm pháp luật tích cực và luôn có hành vi xử sự phù hợp với pháp luật. Ngay cả trong trường hợp bị mua chuộc, bị khống chế, bị đe doạ đến tính mạng thì người có ý chí pháp luật vững vàng cũng không thực hiện hành vi trái luật. Hơn thế nữa, người có ý chí pháp luật vững vàng không dung thứ, làm ngơ trước những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ ai. Họ luôn đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm pháp nhằm bảo vệ pháp luật.

Quá trình tuân thủ pháp luật trong đời sống xã hội luôn hình thành các thói quen pháp luật và khó có thể cưỡng lại thói quen khi nó đã trở thành nếp sống của con người, trong đó có thói quen tích cực và thói quen tiêu cực. Người có thói quen tốt về pháp luật trước khi làm bất cứ việc gì đều tìm hiểu, tra cứu kỹ càng pháp luật; tham khảo đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, lắng nghe đầy đủ các lập luận phản biện. Họ là lực lượng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Nhà nước cần tuyên truyền, phổ biến, có biện pháp nhân rộng thói quen tích cực trong dân chúng. Ngoài ra, Nhà nước cũng đồng thời phải có kế hoạch khắc phục thói quen tiêu cực. Biểu hiện của thói quen tiêu cực về pháp luật trong quản lý là quản lý không theo pháp luật: lối quản lý tuỳ tiện, nghĩ sao làm vậy, không chịu tìm hiểu pháp luật trước khi ra quyết định, không muốn để người khác phản biện, chỉ muốn người khác tung hô, phụ hoạ ý kiến của mình. Người có thói quen pháp luật xấu trong quản lý thường chỉ chú ý đến lợi ích ngành mình, địa phương mình, xem nhẹ lợi ích đại cục, lợi ích chung của đất nước; khi không hoàn thành nhiệm vụ thường đổ lỗi cho sự bất cập của cơ chế, pháp luật.

Trí tuệ pháp luật, tình cảm pháp luật và ý chí, thói quen pháp luật là ba yếu tố hợp thành ý thức pháp luật. Khi nói đến việc nâng cao ý thức pháp luật thì phải có biện pháp đồng bộ nâng cao tất cả các yếu tố hợp thành.

2. Hệ thống pháp luật

Lịch sử xã hội loài người cho thấy, khi nào pháp luật hợp lòng người, rõ ràng và được tuân thủ nghiêm minh thì lòng dân quy tụ vào một mối, hiệu lực quản lý nhà nước được nâng cao và đạt hiệu quả, xã hội phát triển ổn định. Ngược lại, nếu pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, lạc hậu, việc tuân thủ pháp luật bị buông lỏng thì công lý suy giảm, lòng dân không yên, xã hội lâm vào tình trạng mất ổn định. Như vậy, rối loạn trước hết là rối loạn kỷ cương, phép nước và lập lại trật tự, ổn định cũng bắt đầu từ việc sửa đổi chính sách, pháp luật. Muốn thúc đẩy xã hội phát triển phải xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Hệ thống pháp luật của một quốc gia được coi là hoàn thiện nếu đạt được các tiêu chí sau:

Một là, phù hợp với trình độ phát triển và quy luật khách quan của xã hội. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở pháp lý thống nhất cho sự phát triển mọi mặt của xã hội. Pháp luật sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội khi nó được xây dựng  phù hợp với quy luật kinh tế – xã hội, trình độ phát triển, thực tiễn của đời sống xã hội. Khi một quy phạm pháp luật nào đó không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội thì cần phải sửa đổi, bổ sung.

Hai là, mang tính đồng bộ, thống nhất. Pháp luật bao gồm một hệ thống các văn bản luật và văn bản dưới luật. Pháp luật chỉ được phát huy tác dụng khi hệ thống các văn bản đó đồng bộ với nhau, các điều luật không mâu thuẫn, chồng chéo mà phải thống nhất với nhau. Văn bản dưới luật phải phù hợp với văn bản luật. Các đạo luật phải phù hợp với Hiến pháp.

Ba là, mang tính ổn định cao. Sự ổn định của pháp luật thể hiện sự ổn định của xã hội. Nhà làm luật phải nhận thức được xu thế phát triển, dự kiến được các tình huống có thể xảy ra trong tương lai để định ra các đạo luật phù hợp với thực tiễn. Pháp luật ổn định đem lại lòng tin cho dân chúng, đặc biệt là các nhà đầu tư, các doanh nhân. Để pháp luật hay thay đổi là điều nên tránh.

Bốn là, được ban hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Làm luật không phải là sáng kiến bất chợt mà là một quá trình nghiền ngẫm, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, đúc kết, thí nghiệm, thực nghiệm công phu. Trước hết, nhà làm luật phải đề ra chương trình, kế hoạch, phân công cơ quan chủ trì và phối hợp soạn thảo, đưa ra các cơ quan và đoàn thể thảo luận, đưa ra toàn dân thảo luận, giai đoạn chỉnh sửa…, trước khi thông qua phải được phản biện nghiêm túc và đầy đủ của các cơ quan nghiên cứu có kinh nghiệm, các nhà khoa học pháp lý uy tín. Chừng nào còn thấy dự thảo luật chưa bảo đảm chất lượng thì chưa nên gượng ép ban hành. Không thể làm luật theo kiểu giao khoán hoặc chạy theo tiến độ.

Năm là, phải dễ hiểu và minh bạch. Ngôn ngữ pháp luật phải rõ ràng, chính xác, minh bạch, cụ thể, ngắn gọn để mọi người đều hiểu và làm đúng như nhau. Pháp luật được ban hành để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống nên nội dung của pháp luật phải dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thi hành đối với đông đảo nhân dân lao động. Dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thi hành, đảm bảo tính khoa học và tính đại chúng trong làm luật và đòi hỏi tính sáng tạo cao của nhà làm luật.

Tíêu chí minh bạch của pháp luật còn thể hiện ở tính công khai rộng rãi của nó. Việc ban hành văn bản pháp luật, sửa đổi, bổ sung hoặc tuyên bố hết hiệu lực thi hành đều phải được thông báo rộng rãi đến tận người dân.

Sáu là, phải thường xuyên được hệ thống hoá, pháp điển hoá. Xã hội ngày càng phát triển và nội dung, lĩnh vực quản lý nhà nước cũng không ngừng được mở rộng nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nhiều. Trong đời sống xã hội, người bị quản lý cũng như người quản lý muốn có quyết định đúng luật phải tra cứu, tham khảo nhiều quy phạm pháp luật nằm rải rác trong các văn bản pháp luật. Muốn đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ lưỡng hàng loạt văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, các luật thuế, Bộ luật Lao động,… Để giúp công dân và tổ chức tra cứu thuận tiện thì Nhà nước cần tổ chức tốt công tác hệ thống hoá pháp luật theo các lĩnh vực quản lý.

Đời sống xã hội diễn ra vô cùng phong phú, sống động và nhà làm luật không thể lường trước được mọi góc độ, khía cạnh của các vấn đề, không thể dự báo được chính xác mọi tình huống sẽ xảy ra. Nhà làm luật trên cơ sở của thực tiễn sáng tạo ra đạo luật và đến khi đạo luật thâm nhập vào đời sống lại gặp muôn vàn tình huống mới. Điều này đòi hỏi pháp luật phải sửa đổi, bổ sung và nếu cần thiết phải hướng dẫn thi hành để áp dụng thống nhất. Việc sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành pháp luật cần được thực hiện thường xuyên. Đây chính là công tác pháp điển hoá pháp luật. Nhà nước cần có kế hoạch nâng cao dần trình độ pháp điển hoá pháp luật cho cán bộ, công chức nhằm loại bỏ các mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo, lỗi thời của pháp luật hiện hành, bổ sung những điều luật mới rồi hệ thống hoá chúng lại thành các bộ luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… để sau một thời gian nữa có thể xây dựng được Bộ Tổng luật cho quốc gia.

3. Trình độ, kỹ năng, nghệ thuật áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội

Nhà nước ban hành pháp luật để quản lý xã hội. Để quản lý xã hội có hiệu quả, Nhà nước phải đồng thời làm tốt hai hoạt động gắn chặt với nhau là xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Muốn phát huy tính hiệu quả của một công cụ nào đó đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ, kỹ năng, nghệ thuật. Nghệ thuật sử dụng càng điêu luyện thì chức năng của công cụ càng được phát huy.

Thực hiện pháp luật được thể hiện qua các hình thức: tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Nếu mọi chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện ba hình thức đầu thì áp dụng pháp luật là hình thức luôn luôn có sự tham gia của Nhà nước: Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể thực hiện các quy định của pháp luật.

Áp dụng pháp luật là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, các công chức nhà nước và các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao quyền. Áp dụng pháp luật là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo cao. Người thực hiện áp dụng pháp luật đòi hỏi phải có kỹ năng đạt đến trình độ nghệ thuật của nó. Cũng là một phiên toà xét xử về cùng một loại án, một tội danh, đối tượng phạm tội, hoàn cảnh phạm tội gần giống nhau nhưng kết quả xử không phải lúc nào cũng giống nhau, mà thậm chí còn trái ngược nhau. Dưới sự chủ toạ của Thẩm phán A, phiên toà diễn ra hết sức trang nghiêm, trật tự. Nội dung thẩm vấn công khai trước Toà đã làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án và bản án được thông qua trước sự tâm phục, khẩu phục của bị cáo và những người chứng kiến cũng như dư luận. Tác dụng của bản án mang tính giáo dục sâu sắc. Nhưng với Thẩm phán B thì phiên toà diễn ra lộn xộn, các tình tiết vụ án không được soi xét kỹ lưỡng gây mất lòng tin của những người chứng kiến và bản án được thông qua tại phiên toà chưa thật đạt lý, thấu tình, dẫn đến kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, vấn đề ở đây không phải do lỗi của bản thân pháp luật mà do kỹ năng áp dụng pháp luật giữa hai thẩm phán khác nhau, người đạt trình độ nghệ thuật, còn người khác tỏ ra yếu kém.

Áp dụng pháp luật trong tất cả các lĩnh vực: quản lý hành chính, quản trị kinh doanh, sản xuất, dịch vụ… đều đòi hỏi phải đạt trình độ nghệ thuật. Cũng là giải phóng mặt bằng để xây dựng các dự án quốc gia nhưng trường hợp này thì được nhân dân ủng hộ, trường hợp khác lại bị dân chúng phản đối. Rõ ràng hai Hội đồng giải phóng mặt bằng có trình độ áp dụng pháp luật khác nhau. Gần đây, tại Thủ đô Hà Nội xảy ra một số trường hợp lái xe chống lại một cách quyết liệt việc yêu cầu dừng xe của cảnh sát giao thông. Lẽ dĩ nhiên lái xe vi phạm luật giao thông thì phải xử lý nhưng cách xử lý của một số cảnh sát giao thông tỏ ra vụng về, không thuyết phục và thậm chí chưa đúng luật.

Áp dụng pháp luật đạt đến trình độ nghệ thuật khi đáp ứng được các tiêu chí:

Phân tích kỹ lưỡng các tình tiết của vụ việc, tuyên truyền, giải thích pháp luật, biến tính bắt buộc của pháp luật thành tính tự nguyện, tự giác tuân thủ pháp luật của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cơ quan, nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng pháp luật cần xem xét một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả những tình tiết của vụ việc, làm sáng tỏ những sự kiện có liên quan; xác định đặc trưng pháp lý của vụ việc và tuân thủ các thủ tục hành chính, tư pháp trong suốt quá trình xem xét vụ việc. Tiếp đó, nhà chức trách có nghĩa vụ lựa chọn các quy phạm pháp luật cụ thể phù hợp để giải quyết vụ việc. Người áp dụng pháp luật phải làm sáng tỏ nội dung và tư tưởng của quy phạm pháp luật được lựa chọn để bảo đảm áp dụng đúng pháp luật. Đây là quá trình đòi hỏi tư duy sáng tạo. Đối phó với pháp luật là phản ứng tự nhiên của nhiều người về mặt tâm lý khi pháp luật động chạm đến lợi ích riêng tư. Ví dụ như, trong việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế của đất nước, có địa phương nhân dân ủng hộ và tích cực thực hiện việc bàn giao diện tích, di dời chỗ ở, nhưng cũng có nơi, dân phản đối, buộc chính quyền phải ban hành lệnh cưỡng chế và khi đương sự chống đối quyết liệt, điểm nóng phát sinh. Nếu người áp dụng pháp luật có trình độ đạt đến nghệ thuật, họ sẽ giải thích pháp luật rõ ràng và đầy đủ cho đương sự, làm cho đương sự hiểu được đâu là quyền và lợi ích hợp pháp, đến giới hạn nào là vi phạm thì hạn chế được các điểm nóng. Pháp luật là chung nhưng trình độ áp dụng pháp luật khác nhau, văn hoá pháp lý khác nhau nên kết quả trái ngược nhau.

Trong việc tuân thủ pháp luật đòi hỏi cơ quan nhà nước, các nhà chức trách phải làm gương mới có thể đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc áp dụng pháp luật phải đúng đối tượng, đúng vụ việc, đúng pháp luật, công khai, minh bạch, khách quan, chí công vô tư. Người áp dụng pháp luật phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ thì họ sẽ hợp tác với chính quyền và tự nguyện chấp hành pháp luật. Nhân dân không chấp hành pháp luật trước hết lỗi thuộc về các nhà chức trách, chúng ta cần đứng từ góc nhìn đó để đánh giá trình độ, khả năng áp dụng pháp luật, thực thi công vụ của các nhà chức trách và yêu cầu họ tu dưỡng đạo đức, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng áp dụng pháp luật

Phải đảm bảo sự hài hoà giữa các quy phạm tập quán, đạo đức với pháp luật trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trong đời sống xã hội tồn tại năm loại quy phạm xã hội tiêu biểu: tập quán, đạo đức, tôn giáo, quy phạm của tổ chức chính trị – xã hội và pháp luật, trong đó mọi công dân thường phải tuân theo đầy đủ ba loại quy phạm là tập quán, đạo đức và pháp luật. Trên thực tế có nhiều trường hợp xảy ra xung đột giữa các loại quy phạm ấy. Đối với người dân, một nhà chức trách mẫu mực, biết xử sự là người vừa biết tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương, vừa biết giữ gìn đạo đức tư cách của mình và gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Khi tiến hành công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp, việc đảm bảo tính hài hoà giữa các quy tắc phong tục, tập quán, đạo đức và pháp luật cần được đặc biệt chú ý mới giữ vững được ổn định xã hội. Trong công tác lập pháp phải bảo đảm cho các quy phạm pháp luật là chỗ dựa vững chắc vừa để bảo vệ, phát triển thuần phong, mỹ tục, đạo đức cao đẹp, vừa để phòng chống, ngăn chặn, xoá bỏ các hủ tục.

Phải bảo đảm tính kịp thời trong hoạt động lập pháp, lập quy.

Pháp luật đòi hỏi tính ổn định cao nhưng như thế không có nghĩa là nó bất biến, mà phải được kịp thời huỷ bỏ, sửa đổi các quy định đã lỗi thời, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội đang biến đổi rất nhanh trong nền kinh tế thị trường. Lịch sử lập pháp của Việt Nam cho thấy, không hiếm trường hợp nhờ kịp thời ban hành pháp luật mới nên Nhà nước Việt Nam củng cố được vị thế vững chắc của mình về đối nội và đối ngoại, bảo đảm đất nước ổn định và phát triển bền vững. Trong công cuộc đổi mới, nhờ kịp thời sửa đổi, bổ sung nên hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng tương thích với các hệ thống pháp luật trên thế giới và điều đó bảo đảm nước ta hội nhập thành công vào khu vực và thế giới.

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47 (1986), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 456-457.

TS. Lê Quốc Hùng – Gv trường ĐH Đông Đô

Theo: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *