TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG – BÀI 2: KIÊN CƯỜNG ĐẢO CHÌM

Bốn bề sóng biển, bốn bề gió rít, những vườn rau di động… là tất cả những gì chúng tôi hình dung về đảo chìm ở Trường Sa qua sách vở và phim ảnh. “Đảo nhỏ quá nói một câu là hết…” – trong lần đầu tiên đặt chân đến đảo chìm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thảng thốt kêu lên. Tuy nhiên, câu chuyện về những người đang canh giữ vùng đất xa xôi của Tổ quốc trong điều kiện khắc nghiệt của sóng, gió biển Đông là vô tận.

Bốn bề sóng biển, bốn bề gió rít, những vườn rau di động… là tất cả những gì chúng tôi hình dung về đảo chìm ở Trường Sa qua sách vở và phim ảnh. “Đảo nhỏ quá nói một câu là hết…” – trong lần đầu tiên đặt chân đến đảo chìm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thảng thốt kêu lên. Tuy nhiên, câu chuyện về những người đang canh giữ vùng đất xa xôi của Tổ quốc trong điều kiện khắc nghiệt của sóng, gió biển Đông là vô tận.

Một góc Trường Sa Lớn.

1. “Chỉ lính đảo xa mới hát với đàn ghita một dây” – trong tác phẩm nổi tiếng “Đảo chìm’ của Trần Đăng Khoa, ông chưa miêu tả hình ảnh này. Sau 2 giờ xoay mòng với xuồng HQ 1196, từ tàu TS22 chúng tôi đã có mặt ở đảo Thuyền Chài. Khác biệt với đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết…, tại hầu hết các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa đời sống, sinh hoạt khá vất vả.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Lữ đoàn phó 146, cho biết trên những đảo nổi dù được quân dân cả nước vun đắp, sẻ chia nhưng hành trình bám đảo của người lính nơi đó cũng còn gặp nhiều khó khăn như khí hậu khắc nghiệt, thiếu rau xanh, thiếu phương tiện giải trí. Thế nhưng những đồng đội đang làm nhiệm vụ tại các đảo chìm lại càng vất vả không kể xiết, thậm chí cây đàn ghita chỉ còn một dây nhưng lính đảo vẫn đàn hát trong giờ giải lao để khuây khỏa nỗi nhớ đất liền.

Lính đảo chìm hàng năm trời bám đảo không về đất liền, không gặp người thân. Hàng tháng trời “đói” rau, thèm thịt tươi, “khát” tiếng nói từ đất liền. Ở các đảo chìm Len Đao, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, Đá Lớn, Thuyền Chài… cái gì cũng thiếu. Khi nước triều lên, thềm san hô ở các đảo chìm chìm trong biển nước mênh mông, “mái nhà” của những người lính đảo cũng vì thế mà bị sóng nước trùng dương bao vây tứ bề. Ở lô cốt giữa ngàn khơi với không gian nhỏ hẹp như thế, lính đảo chìm khó có thể trồng được cây xanh để chắn gió, che bóng mát hay nuôi trồng như đồng đội ở đảo nổi.

Tại các đảo chìm khác như Núi Le B, Đá Tây C, Tốc Tan C, Đá Nam… bên cạnh nỗi lo “đói nước ngọt”, người lính ở đây còn phải đối mặt với nỗi niềm ngán cá, thèm thịt tươi, thèm rau xanh, thèm nghe tiếng gà gáy và cả nhịp điệu của cuộc sống nơi đất liền. Còn nhớ bữa cơm chiều đãi khách trên đảo Đá Lát, khi ngồi cạnh thiếu tá Tạ Quang Hải, Chính trị viên đảo, tôi đã gắp cho anh miếng cá biển tươi ngon, anh mỉm cười nhỏ nhẹ: “Gắp cho mình miếng thịt heo đi, 6 tháng rồi chưa nhìn thấy thịt tươi đấy”.

Thiếu tá Đinh Văn Núi, Đảo trưởng đảo Đá Lát, tâm tình: “Trước đây, khi chưa có hệ thống năng lượng gió và mặt trời, đặc biệt là trạm phát sóng điện thoại Viettel thì cuộc sống sinh hoạt của anh em lính đảo khổ về mọi mặt. Sách báo, thư từ có khi 4-5 tháng mới đến tay lính đảo. Dạo đó, cứ khoảng 6 giờ chiều là anh em sinh hoạt, làm nhiệm vụ trong ánh đèn tù mù, đêm dài trôi qua không ti vi chừng như càng dài thêm…”.

Theo binh nghiệp, đã là người lính Trường Sa thì dù là chỉ huy hay cấp dưới, ai nấy đều có những khoảng thời gian dài bám sóng gió ở các đảo nổi, đảo chìm để thay phiên, chia sẻ những gian truân, khó nhọc với nhau. Trò chuyện với những người lính đảo chìm, chúng tôi được nghe, được biết nhiều chuyện cảm động đầy chất lính. Làm sao có thể nêu hết, kể hết những gian khó mà người lính ở các đảo chìm phải đối mặt trong quá trình bám biển.

Điều khiến chúng tôi khâm phục ở những người lính đảo chìm là khi đề cập đến những gian khó ấy, các anh cười tươi, không thở than mà chỉ sẻ chia, tâm tình, chấp nhận và đối mặt. Thế mới biết không có sức mạnh sóng gió, gian truân nào có thể quật ngã các anh, những người lính Trường Sa ở các đảo nổi, đảo chìm, những người lính đầu đội nắng, ngực chắn sóng, chân đạp trên cát bỏng… luôn bỏng cháy tình yêu đất nước và khát vọng cống hiến cho biển đảo quê hương.

2. Nước ngọt là vàng – đó là câu khẩu hiệu trên vách tường mà ngay từ khi đặt chân lên đảo, khách đất liền đã nhìn thấy. Màn chào hỏi nhau giữa lính đảo chìm và khách bằng… nước ngọt mới thấy xúc động làm sao. Trên đảo, những chậu nước mưa trong vắt và khăn mặt đã được chuẩn bị sẵn. Sau một hồi “hứng” trọn hàng trăm con sóng hắt nước mặn lên người, chúng tôi cảm thấy khoan khoái khi được vốc từng vốc nước ngọt khoát lên đầu, lên mặt. Nước ngọt khan hiếm như vậy nên muốn trồng rau phải dời vườn rau đến chỗ tránh sóng và gió biển, đồng thời phải che chắn cẩn thận.

Khổ nhất là biển động hay áp thấp nhiệt đới, sóng biển tung bọt nước mặn lên tận nóc nhà đảo chìm là rau cứ rũ ra, lính đảo phải thức khuya canh sóng và ôm vườn rau của mình chạy vòng vòng quanh đảo. “Trong tháng vừa qua, cả đảo chăm sóc một vườn rau mọc được một tuần thì bị sóng to hất nước mặn lên, nhìn những cây rau xanh cứ rụi dần dần mà anh em trên đảo rớt nước mắt! Xót xa lắm anh ạ!”, thiếu úy Nguyễn Hữu Có (đảo Đá Lát) chia sẻ.

Đối với nước ngọt, bộ đội sẽ tận dụng các phương tiện sẵn có để trữ nước mưa và dè sẻn khi sinh hoạt. Lúc khó khăn, bộ đội tắm và giặt bằng nước biển, sau đó xả lại bằng nước ngọt; nước ngọt này dùng để tưới rau tăng gia sản xuất. Để cải thiện đời sống, bộ đội trên đảo còn nuôi thêm chó, vịt và tăng cường đánh bắt cá biển, ốc biển cho bữa ăn thêm đa dạng. Cá biển ở các đảo chìm rất nhiều loại: cá mú, cá tráp, cá bò… được bộ đội xẻ phơi khô, kho mặn hoặc bỏ tủ lạnh để ăn dần.

Có lẽ nhờ vậy mà bộ đội trên các đảo chìm đều rắn chắc, khỏe mạnh, hầu như quanh năm không có bệnh tật. Vào mùa này, cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm có sáng kiến là ủ giá sống và rau mầm từ hạt cải củ để thay thế rau xanh.

Bộ đội Trường Sa trồng rau trên đảo. Ảnh: T.M.T.

Ngoài nhiệm vụ, bộ đội ở các đảo chìm còn giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển quê hương. Chính vì vậy, các đảo chìm trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân giữa biển khơi. Thuyền bè của bà con ngư dân ta ra đánh cá, khai thác hải sản đều được lính đảo chìm tạo điều kiện và hỗ trợ thuận lợi nhất.

“Có khi chỉ là ít nước ngọt, gạo, dầu chạy máy hoặc sơ cấp cứu tai nạn lao động trên biển nhưng đảo chìm luôn là nơi tìm đến của bà con ngư dân mỗi khi gặp khó khăn”, thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết.

Những đảo chìm như Đá Tây, Tiên Nữ… nhờ cấu tạo địa chất có “hồ lớn”, ít sóng gió hơn thường được bà con ngư dân tìm về neo đậu mỗi khi biển động. Đảo Đá Tây là địa chỉ tin cậy có tiếng với khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Bà con ngư dân khi đến đây được cung cấp nước ngọt miễn phí cũng như các dịch vụ cung ứng nhiên liệu theo đúng giá nhà nước quy định tại đất liền, sửa chữa tàu thuyền miễn phí; cung ứng lương thực, thực phẩm bằng giá mua tại đất liền; trao đổi, mua bán và nhận vận chuyển sản phẩm về đất liền theo giá thỏa thuận…

3. “Sóng, trăm ngàn con sóng mới vỗ được vào bờ”, mới nghe câu hát này, chúng tôi không sao hình dung ra được. Mãi đến khi leo lên tháp hải đăng ở An Bang, nhìn trăm ngàn con sóng bạc đầu xoay tròn quanh đảo nhỏ, mới hiểu như thế nào là sóng gió đảo xa. An Bang là đảo ở cực Nam quần đảo Trường Sa, cũng là cực Nam của Tổ quốc, vì so với mũi Cà Mau, An Bang còn thấp hơn gần 1 độ. Từ xa nhìn trông đảo giống như một quả nấm nhấp nhô giữa trùng khơi. Do đó, dù là đảo nổi nhưng sinh hoạt và cuộc sống trên An Bang không khác gì đảo chìm.

An Bang có thềm san hô hẹp, sóng gió “dữ dội” hơn những đảo khác nên việc vào, ra vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Thế nên cánh lính trẻ còn gọi tên khác nghe ngồ ngộ: “đảo Lò Vôi”. An Bang còn có một tên gọi khác nữa là đảo Đồng Hồ, vì dưới chân đảo thường nổi lên bãi cát nhỏ di chuyển theo mùa chạy vòng quanh đảo. Theo chu kỳ (mùa gió) bãi cát này sẽ xoay vòng. Xoay hết đảo là tròn năm.

Khi tàu TS 22 thả neo, thượng tá Nguyễn Hồng Quân căn dặn: “Quanh đảo An Bang sóng cuồn cuộn có thể cuốn phăng mọi thứ. Các đồng chí lưu ý mang áo phao, gói ghém đồ đạc cẩn thận. Chốc nữa sẽ có “đội cảm tử” dẫn đoàn lên đảo!” “Đội cảm tử” đảo An Bang gồm những chiến sĩ “thiện chiến” về bơi lội, chịu trách nhiệm đón đưa khách và vận chuyển hàng hóa. Việc bơi ra bắt dây, kéo xuồng lên bờ hoặc đẩy xuồng xuống biển về lại tàu lớn, đòi hỏi các thành viên “đội cảm tử” biết chớp thời cơ qua từng con sóng để thực thi nhiệm vụ nhằm tránh gặp rủi ro.

Lúc thủy thủ tàu TS 22 chuẩn bị hạ xuồng bỗng nhiên từng con sóng lớn hung hãn ập tới. Sóng thét gào, xô đẩy nhau từ phía trước, phía sau, bên phải, bên trái tại các điểm tiếp đảo. Chính trị viên tàu, thượng úy Trần Văn Huy trấn an: “Bão tố ở đảo An Bang là chuyện “như cơm bữa”. Mọi người bình tĩnh, sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu!”. “Phải hơn nửa giờ sau sóng mới tạm yên. Chúng tôi được “đội cảm tử” vất vả “áp tải” lên đảo trong tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Trung tá Vũ Minh Thân, Chỉ huy trưởng đảo An Bang ra tận mép nước đón từng người lên đảo. Câu chuyện giữa chủ và khách ngày càng thắm thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác rèn luyện sức khỏe và tạo ra những phút giây thư giãn bổ ích, ngày nghỉ, giờ nghỉ bộ đội và nhân viên trạm hải đăng tổ chức thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…

Trên đảo còn có “tiền lệ” chiến sĩ “kéo co” với những chú cẩu hay “chạy thi” với các chú heo. Các “trận đấu” thú vị ấy giữa người và vật nuôi không những tạo nên tiếng cười sảng khoái mà còn tạo cảm giác gần gũi với đất liền…

Trần Minh Trường

(theo Sai Gon Giai Phong)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *