bc4c6771b68b0ed330f1918b8b62d9c4_L

XÔN XAO VỤ LỪA BÁN IPHONE 6 GIÁ “BÈO” CHIẾM ĐOẠT GẦN 30 TỶ ĐỒNG

Xôn xao vụ lừa bán iPhone 6 giá "Bèo" chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng

Cảnh báo phương thức lừa đảo mới của
những “canh bạc đầu tư” mạo hiểm trên mạng
ĐỨC MINH – GIA NHÂN

Thông tin về vụ lừa đảo bán hàng Iphone 6 giá “bèo” qua mạng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, khiến không ít người giật mình. Được đánh giá là vụ lừa đảo qua mạng lớn nhất từ trước đến nay, vụ việc là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người, khi tham gia mua bán trên mạng. Cho tới thời điểm này, được biết không ít nạn nhân đã vay nóng, cầm cố cả sổ đỏ nhà đất, để có tiền đặt cọc cho đối tượng lừa đảo. Riêng đối tượng này đã “cao chạy xa bay”.

Nhà của đối tượng L. bị các chủ nợ bôi vẽ

Những cú lừa chết người

Ngày 6/11, Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH-Công an quận Tân Bình cho biết, đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ những đơn thư của nhiều nạn nhân tố cáo N.D.L (ngụ quận Tân Bình) lừa chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng bằng hình thức nhận đặt hàng mua – bán ĐTDĐ hiệu IPhone 6 với giá rẻ. Theo tường trình của các nạn nhân, do đọc được thông tin L. đăng trên những trang mạng như:  nhattao.vn, 5giay.vn… rao bán ĐTDĐ Iphone 6 và Iphone 6 Plus, với giá rẻ hơn thị trường.  Thông tin L. đưa ra, những chiếc Iphone trên đều là hàng chính hãng, giá sẽ ưu đãi cho những đơn đặt hàng từ hai chiếc ĐTDĐ trở lên. Những người có nhu cầu sẽ đặt cọc trước 50% trị giá chiếc điện thoại, và 25 ngày sau sẽ được nhận hàng. L. còn cam kết, nếu không giao hàng đúng hạn, sẽ trả lại tiền và đền bù 10% số tiền khách hàng đặt cọc.

Tuy nhiên, khi đến hẹn lấy hàng, các nạn nhân mới “ngã ngửa” vì không còn liên lạc được với L. Tìm đến nhà L. theo địa chỉ L. cung cấp trên mạng, thì cửa đóng then cài. Theo tìm hiểu, đa phần người bị lừa là các đầu nậu, chủ các cửa tiệm điện thoại mua đi bán lại. Số tiền mà mỗi người đặt cọc cho L. đều trên dưới cả tỷ đồng. Người nhiều nhất là 12 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nạn nhân là sinh viên, vì ham rẻ, với ý định mua đi bán lại kiếm chút lời, đã không ngần ngại đi vay nóng, cầm cố sổ đỏ của gia đình, đặt cọc tiền cho L.  Ông D., một trong những nạn nhân cho biết, trước khi kinh doanh iPhone, L. kinh doanh nước hoa và tạo được ít nhiều uy tín với một số người. L. còn tạo lập một nhóm trên mạng có tên “nghiện nước hoa” có nhiều người tham gia.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên, các đối tượng lợi dụng mạng internet để mua bán, rồi lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đầu năm 2014, cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đoàn Mạnh Quang (25 tuổi, quê Lâm Đồng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra ban đầu, Quang dùng chứng minh nhân dân giả, để lập tài khoản ngân hàng và lên mạng để rao bán các sản phẩm chính hãng như IPhone 5, máy tính… với giá rẻ. Người nào có nhu cầu mua thì Quang yêu cầu chuyển vào tài khoản trước 30% giá trị sản phẩm, rồi giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Quang im luôn và không giao hàng cho khách.

Đối tượng Đoàn Mạnh Quang – một nhà văn trẻ” lừa đảo trên mạng bị phát hiện

Cuối năm 2013, trên diễn đàn Lamchame.com xôn xao về việc gần cả trăm người bị lừa với tổng số tiền ước tính ban đầu hơn 300 triệu đồng. Cụ thể, một nick name là Me_vu, nhận đặt hàng Tây Ban Nha, nhưng không giao hàng cho nhiều người, dù đã nhận tiền.  Liên lạc qua điện thoại và diễn đàn, Me_vu đều đưa ra nhiều lý do như “hàng chưa về kịp”, hay “con ốm chưa giao hàng được”, “hàng bị giao nhầm cho người khác”… Theo nhiều người đặt hàng, trước khi việc bị vỡ lở, nick name này thường xuyên trao đổi, mua lại hàng hóa của một số người trên diễn đàn Lamchame.com nên tạo được niềm tin. Khi mở dịch vụ nhận đặt hàng Tây Ban Nha, thời gian đầu Me_vu cũng trả hàng đúng hẹn. Điều này khiến nhiều người bị mất tiền khi đã chuyển khoản trước gần hết trị giá món hàng muốn mua…

Một phương thức lừa đảo mới

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có trên 1.100 doanh nghiệp (DN) đăng ký website bán hàng qua mạng tại Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ TMĐT (thông qua các sàn giao dịch). Trên thực tế, số lượng website bán hàng qua mạng chưa đăng ký với Cục còn lớn hơn gấp nhiều lần, nhất là những website bán hàng của cá nhân lập ra và thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter…Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc  Dũng, Trưởng văn phòng đại diện phía nam Hiệp hội TMĐT thừa nhận, Khi có tranh chấp khiếu kiện xảy ra và cơ quan quản lý nhà nước có yêu cầu thì các DN quản lý sàn TMĐT phải cung cấp toàn bộ thông tin của các cá nhân tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT vẫn chưa cao.

Hoạt động kinh doanh trên mạng nở rộ tại Việt Nam trong 1 – 2 năm trở lại đây. Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hội đã nhận rất nhiều đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, và cả những trường hợp lừa đảo khi giao dịch mua bán qua mạng. Một cán bộ công an tại TP.HCM nhận định, nhiều khả năng, đây sẽ trở thành một phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới, của nhiều đối tượng qua hình thức mua bán hàng trên mạng. Cũng như nhiều hình thức lừa đảo khác, dù được cảnh báo, thông tin các vụ việc lừa đảo đăng tải nhan nhản trên truyền thông, nhưng vẫn có một bộ phận trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chính vì vậy, vụ việc lừa đảo bán Iphone 6 giá rẻ này, rất có thể chỉ là “màn dạo đầu”, cho những canh bạc mạo hiểm trên mạng.

Vị cán bộ công an này phân tích, những diễn đàn hoặc các mạng xã hội, việc giao dịch mua bán của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào, nên việc trà trộn hàng nhái, hàng giả cũng khá phổ biến. Rủi ro càng cao hơn khi giao dịch TMĐT mà người mua phải trả tiền trước và nhận hàng sau. Đây thường là những mặt hàng đang hot, hàng có giá trị, được các đối tượng quảng cáo là hàng nhập, xách tay từ nước ngoài về. Với những mặt hàng này, buộc người mua phải đặt cọc trước một số tiền, khi nhận hàng sẽ thanh toán đầy đủ. Rủi ro từ hình thức giao dịch, mua bán này là cao nhất.

Đồng quan điểm trên, thạc sỹ tâm lý Phan Thị Thanh Huyền, công ty tư vấn Tâm lý Việt (TP.HCM) nhận định, đánh vào tâm lý muốn mua hàng ngoại, giả rẻ của khách hàng, nhiều đối tượng sẽ coi đây là “miếng mồi béo bở” để lừa đảo. Mua hàng trên mạng không còn xa lạ với người Việt, vì nó khá tiện lợi, giá cả lại luôn rẻ hơn so với thị trường. Để thực hiện kế hoạch này, những đối tượng lừa đảo đã tính toán kỹ lưỡng, tạo niềm tin với khách hàng, bằng nhiều giao dịch chính xác, uy tín trước đó. Khi trở thành mối quan hệ làm ăn thân thiết, người mua sẽ ít để ý đến những rủi ro có thể xảy ra. Thêm vào đó, các đối tượng nhắm đến lượng khách hàng là những đại lý, đầu nậu, mua đi bán lại kiếm lời. Khi thấy mối lời quá lớn, họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, với những hợp đồng mua bán trên mạng giá trị lớn, khách hàng cần gặp trực tiếp người bán, tìm hiểu thông tin cá nhân, giao dịch bằng hợp đồng rõ ràng. Có như vậy, mới giảm thiểu được thiệt hại, khi xảy ra rủi ro.

Nguồn: Báo đời sống và Pháp luật

 

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *