LỖI PHỔ BIẾN KHI XỬ TRANH CHẤP THỪA KẾ

05/10/2013 – 06:00

Nhiều tòa quên thứ tự ưu tiên thanh toán, không giải quyết công sức duy trì, bảo quản di sản.

Đây là một lỗi rất đáng tiếc bởi luôn dẫn đến việc kháng cáo, kháng nghị kéo dài, nhiều bản án sau đó đã bị cấp giám đốc thẩm hủy để giải quyết lại từ đầu…

Quên công sức giữ nhà 24 năm

Trước đây, ông Phạm Văn Trung (Việt kiều Úc) đã khởi kiện ông Phạm Văn Phụng (ngụ phường Phước Tiến, TP Nha Trang) ra TAND tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu tòa chia di sản thừa kế là căn nhà 85 Huỳnh Thúc Kháng. Căn nhà này do vợ chồng ông Phụng quản lý, sử dụng từ năm 1979.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Trung, xác định căn nhà (TP Nha Trang) là di sản thừa kế của cha các đương sự để lại. Từ đó, tòa phân chia di sản cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau khi ông Phụng kháng cáo, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hai bản án này đã bị kháng nghị giám đốc thẩm vì cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều quên áp dụng Điều 683 BLDS về thứ tự ưu tiên thanh toán khi không xem xét đến công sức của ông Phụng trong việc trông coi, duy trì quản lý di sản thừa kế từ năm 1979 đến năm 2003.

Tháng 3-2011, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử lại.

Sau đó, giải quyết lại vụ kiện, TAND tỉnh Khánh Hòa đã khắc phục những sai sót mà quyết định giám đốc thẩm chỉ ra. Cụ thể: Sau khi người cha mất năm 1979, vợ chồng ông Phụng tiếp tục quản lý nhà đất đang tranh chấp, cúng giỗ cha mẹ, giữ gìn, bảo quản khối di sản. Do đó, trước khi chia di sản thừa kế, tòa đã trích 10% giá trị di sản để bù đắp công sức cho vợ chồng ông Phụng. Bản án này sau đó đã có hiệu lực pháp luật vì không có kháng nghị, kháng cáo.

May nhờ giám đốc thẩm nên không trắng tay

Vụ khác, bà Nguyễn Thị Lưới (Việt kiều Mỹ) khởi kiện bà Lê Thị Xanh ra TAND TP Nha Trang để đòi tài sản thừa kế là căn nhà nằm trên diện tích hơn 7.000 m2 đất tại xã Vĩnh Thạnh. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lưới, buộc bà Xanh phải giao trả toàn bộ nhà đất cho bà Lưới.

Bà Xanh kháng cáo. Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng cũng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau đó, theo yêu cầu của bà Lưới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo quyết định này, vợ chồng bà Lưới định cư ở nước ngoài từ tháng 3-1991. Trong khi đó, bà Xanh là người trực tiếp quản lý, sử dụng toàn bộ nhà đất tranh chấp, có công sức tôn tạo, bảo quản, duy trì, xây sửa lại nhà đất, có công chăm sóc phụng dưỡng người để lại di sản khi còn sống, lo mai táng khi người để lại di sản mất. Ngoài nhà đất đang tranh chấp này, mẹ con bà Xanh không còn chỗ ở nào khác. Thế nhưng hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã không xem xét trích cho mẹ con bà Xanh một phần tương xứng với công sức của họ bỏ ra, đồng thời không xem xét đến nhu cầu về nhà đất của mẹ con bà là không đúng…

Họp phiên giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại từ đầu. Đến tháng 3-2013, vụ kiện kéo dài này cuối cùng cũng đã kết thúc bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự. Theo đó, bà Lưới đã đồng ý trích một phần diện tích đất tương xứng cho bà Xanh như phân tích của quyết định giám đốc thẩm.

Tương tự là vụ tranh chấp di sản gồm nhà đất số 118/19B và 118/24 Trần Quý Cáp (TP Nha Trang) giữa bà Nguyễn Thị Hoa với ông Phan Văn Hường. Tháng 6-2013, xử sơ thẩm, TAND TP Nha Trang đã quên xem xét giải quyết công sức bảo quản di sản của ông Hường. Ông Hường kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm hồi đầu tháng 9 của TAND tỉnh Khánh Hòa, đại diện VKS và luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Hường đã đề nghị tòa hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm, trong đó có việc không xem xét công sức của bị đơn.

Theo tòa phúc thẩm, án sơ thẩm có thiếu sót về việc chưa thanh toán chi phí bảo quản di sản thừa kế trước khi chia di sản… như ý kiến của đại diện VKS và luật sư. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận định không nhất thiết phải hủy án vì thiếu sót này tòa có thể khắc phục. Từ đó, tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, áp dụng Điều 683 BLDS, trích ra 10% giá trị tài sản thừa kế cho ông Hường.

Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

Tiền công lao động;

Chi phí cho việc bảo quản di sản;

Các chi phí khác.

(Theo Điều 683 BLDS)

HỒNG HÀ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *