KIỆN ĐÒI THU NHẬP TỪ CHẠY XE ÔM

Tòa bác yêu cầu vì cho rằng nguyên đơn không chứng minh được thu nhập bình quân của nghề chạy xe ôm.

Mới đây, TAND TP.HCM đã hủy án của TAND quận 8 trong vụ đòi bồi thường thiệt hại và đòi tài sản giữa ông Uông Văn Đức và bà Lê Thị Ngân Hà. Tòa nhận định TAND quận 8 đã bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không đưa vợ ông Đức vào tham gia tố tụng. Thiếu sót này vừa vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đồng thời có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của vợ ông Đức.

Nợ tiền nhà, bị giữ lại xe

Theo đơn kiện và trình bày của ông Đức tại tòa, tháng 9-2007, ông thuê phòng trọ của bà Hà (đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM) với giá 450.000 đồng/tháng để ở. Đến ngày 16-6-2009, ông Đức trả phòng. Trong thời gian ông sắp xếp đồ đạc để dọn đi, bà Hà đã chiếm giữ của ông một xe máy Wave hiệu Honor trị giá 9,8 triệu đồng (trên xe có bao linh kiện điện tử cũ, một nón bảo hiểm và túi đồ nghề sửa xe) cùng nhiều vật dụng khác ông để trong phòng trọ (như kệ treo tường, tranh nghệ thuật, bàn gỗ học tập, cặp bửng xe…).

“Tôi chạy xe ôm kiếm miếng ăn qua ngày. Chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh duy nhất nhưng đã bị bà Hà chiếm giữ từ tháng 6-2009. Nay tôi yêu cầu bà Hà trả xe và bồi thường thiệt hại các vật dụng và tiền mất thu nhập cho tôi trong hơn 1.000 ngày bà giữ xe (120.000 đồng/ngày). Tổng cộng các khoản là 124 triệu đồng, thanh toán một lần ngay sau khi án có hiệu lực” – ông Đức yêu cầu.

Phía bà Hà có đơn phản tố yêu cầu ông Đức trả bà 589.000 đồng ông Đức còn nợ. Bà trình bày: “Đây chỉ là tiền điện, nước thôi vì tiền phòng tôi đã bớt cho ông Đức hết rồi. Tôi chấp nhận chịu thiệt nhưng ổng vẫn không chịu trả. Lúc đầu tôi chỉ định giữ CMND hoặc giấy tờ xe để làm tin nhưng ông Đức nói đã cầm giấy tờ ở tiệm cầm đồ nên buộc lòng tôi phải giữ xe. Sau đó, tôi đến phường trình báo sự việc và hẹn với ổng ngày lên phường trả tiền nhưng ổng không đến. Ổng cố tình kéo dài tới giờ này để đếm từng ngày, buộc tôi bồi thường cho nhiều. Giờ chỉ cần ông Đức trả đủ tiền thì tôi trả xe lại thôi”.

Trong khi đó, ông Đức cho rằng: “Tôi có đến phường theo lịch hẹn, chính bà Hà là người không đến. Sau công an cho biết đã chuyển hồ sơ sang tòa”.

Bên trả nợ, bên trả xe

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2013, TAND quận 8 xét thấy do tài sản thực tế không có những vật dụng mà ông Đức cho rằng bị mất nên không thẩm định được. Hơn nữa, ông Đức cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh có số tài sản trên. Ông Đức cũng không chứng minh được việc chạy xe Honda ôm chở khách có thu nhập bình quân 120.000 đồng/ngày nên cũng không có căn cứ pháp luật để đòi khoản tiền mất thu nhập. Từ đó, tòa nhận định yêu cầu của ông Đức đối với bà Hà là không có căn cứ. Về chiếc xe, tòa tuyên buộc bà Hà phải trả lại cho ông Đức.

Đối với yêu cầu phản tố của bà Hà, tòa xét mặc dù hai bên không có hợp đồng thuê nhà nhưng do ông Đức thừa nhận nợ nên phải trả 589.000 đồng cho bà.

Ngoài ra, tòa buộc ông Đức phải chịu án phí dân sự sơ thẩm hơn 3 triệu đồng (đã được giảm 50% do ông Đức thuộc diện khó khăn).

Ông Đức đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định: Chiếc xe Wave là tài sản chung của vợ chồng ông Đức nhưng TAND quận 8 đã không triệu tập người vợ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Từ đó, tòa quyết định hủy án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

LỆ TRINH

Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM

Ông Đức phải chứng minh thiệt hại

Để có cơ sở buộc bà Hà bồi thường, phải làm rõ ông Đức sống bằng nghề xe ôm, ngoài ra không có nghề nào khác.

Chiếc xe máy là phương tiện kiếm sống hằng ngày, việc giữ xe làm ảnh hưởng thu nhập của ông Đức và gia đình ông. Hai bên không có hợp đồng thuê nhà, không có thỏa thuận thế chấp xe để trả nợ tiền thuê, cũng không có văn bản thể hiện ông Đức đồng ý cho bà Hà giữ xe để làm tin, chờ ông trả tiền phòng thì lấy lại xe. Từ đó cho thấy hành vi giữ xe của bà Hà có dấu hiệu chiếm giữ tài sản trái pháp luật. Nhưng ở đây ông Đức không tố cáo thì không có cơ sở xử lý.

Thu nhập từ nghề chạy xe ôm tuy không cố định nhưng có thể tính mức bình quân được. Mức thu nhập 120.000 đồng/ngày có thể được xem là trung bình một ngày của nghề này. Nếu lập luận như tòa quận 8 thì có thể đặt vấn đề ngược lại là cơ sở đâu để nói là ông Đức không có thu nhập ở mức này. Nếu bà Hà không đồng ý mức thu nhập này thì phải chứng minh. Theo tôi, nhận định của tòa sơ thẩm “ông Đức không chứng minh được thu nhập của nghề xe ôm là 120.000 đồng/ngày” để bác yêu cầu của ông là nhận định chủ quan, không có cơ sở.

Về nguyên tắc, người đưa ra yêu cầu phải tự chứng minh. Trong trường hợp này, nếu ông Đức không thể tự thu thập được chứng cứ thì có thể nhờ tòa. Tòa có thể yêu cầu cơ quan tài chính vật giá cung cấp chứng cứ về nguồn thu nhập, mức thu nhập bình quân một ngày, một tháng của lao động phổ thông ở địa phương để làm cơ sở để tính mức bồi thường thiệt hại cho ông Đức.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN,
giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Chạy xe ôm bét nhất ngày cũng được trăm ngàn

Tôi hành nghề chạy xe ôm trên 10 năm nay. Bình quân tôi kiếm được 150.000 đồng/ngày (tính theo giá cả hiện nay). Ngày nào mệt mỏi hoặc làm biếng, tôi chỉ đậu xe ở trước nhà, ai kêu thì chạy nhưng bét nhất cũng kiếm được 100.000 đồng (đã trừ tiền xăng). Tất nhiên do tôi có nhiều mối quen. Còn nếu siêng, mỗi ngày tôi kiếm có hơn 200.000 đồng, hôm nào vô mánh còn kiếm khá hơn nữa.

Anh NGUYỄN VĂN TƯhành nghề xe ôm ở phường 14,
quận Tân Bình, TP.HCM

 

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *