DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ – BỔ SUNG, ĐIỀU CHỈNH ĐIỀU KIỆN NHẬP CƯ

Thứ bảy, 08/06/2013, 17:27 (GMT+7)

* Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Báo chí sẽ được chứng kiến ngay từ lúc tiến hành bỏ phiếu

Tổng kết phiên thảo luận tại hội trường sáng 8-6 về dự án Luật Cư trú, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 16 vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến tại hội trường. Các vị ĐBQH đều tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về cư trú phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, an ninh trật tự của nước ta.

Điều kiện nhập cư chặt chẽ hơn

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành việc bổ sung một số hành vi cấm giả mạo các điều kiện, đồng thời giao cho HĐND cấp tỉnh quy định diện tích ở tối thiểu để được nhập cư vào nội đô các đô thị lớn. ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nói: “Tôi rất đồng ý với quy định này, bởi đã từng có trường hợp chủ nhà ở có diện tích 20m2 bảo lãnh cho… 25 người nhập hộ khẩu”.

ĐB Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) đồng ý hạn chế nhập cư vào thành phố lớn bằng những điều kiện chặt chẽ hơn, nhưng chỉ ở khu vực nội thành. “Trách nhiệm xác nhận diện tích nhà ở của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ để làm thủ tục cho đăng ký thường trú là của ai? Kinh phí ở đâu? Dự luật cần làm rõ điều này”, bà Thắm nêu vấn đề.

Lưu ý đến tình trạng gia tăng số vụ bóc lột lao động, xâm hại trẻ em trong thời gian gần đây, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung điều khoản yêu cầu có văn bản chấp thuận của người giám hộ hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình khi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho trẻ em dưới 16 tuổi. Có cùng nỗi lo lắng này, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) khuyến nghị: “Phải cân nhắc để hạ thấp độ tuổi phải thông báo lưu trú xuống, đừng quy định cứng là 14 tuổi”.

Trong khi đó, dẫn chứng những vướng mắc đang xảy ra trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự mà nguyên nhân là công tác quản lý dân cư không chặt chẽ, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) nói, ông hoàn toàn ủng hộ việc đảm bảo quyền của công dân là được tự do cư trú, nhưng công dân đi đâu, đến đâu thì cũng phải đăng ký. Ngược lại, cơ quan tiếp quản tạm trú đó có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý trước đây và việc này phải ghi vào trong luật để thống nhất thực hiện.

Về thời hạn thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú, đa số ý kiến ĐBQH tán thành quy định tại dự thảo là 12 tháng (rút ngắn còn một nửa thời gian so với hiện hành), song cũng có một vài vị đại biểu QH đề nghị nên làm kịp thời hơn, chỉ còn 6 tháng…

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và dự án Luật Việc làm.

Thông qua các ngày hội việc làm, nhiều thanh niên đã kiếm được việc làm ổn định. Ảnh: THÁI BẰNG

Hỗ trợ người lao động thiết thực, cụ thể

Về dự án Luật Việc làm, luật này mới trình để Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên, vì thế các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần phải có thời gian hoàn thiện thêm. Nhiều ĐB cũng cho rằng, dự thảo Luật Việc làm cần quy định rõ Nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ), quy trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), hiện nay có tình trạng NLĐ phải làm việc rất vất vả đến nỗi như bị bóc lột sức lao động nhưng bị người sử dụng lao động nợ lương trong thời gian dài, không trả lương hoặc nếu có trả lương thì cũng không đúng với công sức của NLĐ. “Dự thảo Luật Việc làm cần quy định rõ trách nhiệm sử dụng và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Việc trả tiền lương phải xứng đáng với công việc của NLĐ”, ĐB Hùng bày tỏ quan điểm.

Đồng ý với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật Việc làm cần quy định rõ tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của NLĐ nếu trong thời gian làm việc, lao động đó gặp tai nạn hoặc gặp sự cố trong công việc dẫn đến ảnh hưởng lớn về sức khỏe.

Ngoài ra, để bảo vệ NLĐ, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nêu ý kiến, trong dự thảo Luật Việc làm cần kiểm soát hoạt động của các trung tâm giới thiệu, tư vấn việc làm cho NLĐ. Bởi có nhiều trung tâm mở ra với hình thức yêu cầu người tìm việc đóng tiền giới thiệu ban đầu nhưng sau đó lại không giới thiệu hoặc tìm việc cho NLĐ. Như vậy, người tìm việc rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, đây là luật mới nên quan điểm làm luật là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, dù chúng ta xây dựng CNH-HĐH nhưng trình độ lao động thấp, tay nghề thấp, sức cạnh tranh khi xuất khẩu lao động là rất kém vì chủ yếu là lao động phổ thông. Mặt khác, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, nhiều lao động thanh niên mất đất sản xuất, họ làm gì, hỗ trợ đào tạo nghề họ như thế nào? Luật cần phải chỉ rõ những giải pháp để hỗ trợ chứ không chỉ nói hỗ trợ chung chung.

ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) băn khoăn, lao động nông thôn thường gắn với công việc thời vụ, vậy thời gian nông nhàn thì có gọi là thời gian thất nghiệp hay không? Ngoài ra, cần hỗ trợ để lao động ở nông thôn gắn với việc làm ở nông thôn, để họ đỡ phải ra thành thị tìm việc làm. Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Mạnh Cường cũng nói, cần nói rõ về bảo hiểm thất nghiệp cho người dân gồm những nội dung gì và bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng cho lao động đang làm việc nhưng bị tai nạn như thế nào. Việc sử dụng quỹ nên tập trung vào trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm việc làm.

Nên tăng khen thưởng dân

Về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) rất tán thành quan điểm khen thưởng mọi tổ chức, cá nhân, không phân biệt nhà nước – tư nhân. Tuy nhiên, ĐB Sang cũng cho rằng phải khắc phục tình trạng thi đua, khen thưởng kiểu “đến hẹn lại lên”; hình thức. “Cần thiết khen thưởng kịp thời các cá nhân, người dân có thành tích nổi bật trong cuộc sống, như thế mới động viên kịp thời sự đóng góp của mọi cá nhân trong xã hội, ví dụ như một anh xe ôm dũng cảm bắt cướp chẳng hạn”, ĐB Sang nhấn mạnh.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM)

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cũng tán thành ý kiến của ĐB Lê Trọng Sang khi phát biểu, thi đua, khen thưởng không nên đến hẹn lại lên, xếp hàng để lấy danh hiệu. Cần khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi bật, ví dụ như tấm gương em Nguyễn Văn Nam (Nghệ An) vừa qua đã hy sinh bản thân để cứu sống 4 em nhỏ.

Còn ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) thì băn khoăn, thi đua là phong trào của quần chúng nhưng hiện nay khen thưởng chủ yếu là cán bộ. “Vì thế, sự cống hiến của những người trực tiếp làm ra sản phẩm phục vụ xã hội sẽ không được thúc đẩy. Đó là mâu thuẫn phải sửa được khi sửa luật lần này. Cần tập trung khen thưởng cho người lao động trực tiếp, giảm khen thưởng ở cấp nhà nước”, ĐB Bình đề xuất. ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) thì cho rằng các quy định, thủ tục, quy trình để khen thưởng không nên máy móc, hình thức.

ANH THƯ – LÂM NGUYÊN

****

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Báo chí sẽ được chứng kiến ngay từ lúc tiến hành bỏ phiếu

Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 8-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trả lời phỏng vấn báo chí về công tác chuẩn bị cho việc tiến hành lấy phiếu tin nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thông tin về nội dung các phiên chất vấn thành viên Chính phủ cũng đã được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cung cấp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm cơ bản đã hoàn tất, báo cáo công tác của các chức danh trong diện được lấy phiếu đã gửi đến các vị ĐBQH, việc thiết kế mẫu phiếu, danh sách ban kiểm phiếu, các báo cáo liên quan đã được chuẩn bị. “Đây là lần đầu tiên sau 69 năm Quốc hội mới tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, chắc chắn sẽ phải rút kinh nghiệm dần dần, lần sau chắc sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Dù ý kiến cử tri (được tập hợp qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo nguyên tắc phải gửi đến 20 ngày trước khi bỏ phiếu) được coi là một kênh thông tin sẽ được các vị ĐBQH xem xét, cân nhắc khi bỏ phiếu, nhưng cho đến thời điểm sáng 8-6, không có ý kiến nào của cử tri liên quan đến vấn đề này.

* PV: Dư luận có e ngại về tình trạng “vận động tín nhiệm”. Liệu điều đó có thể xảy ra không, nếu có thì biện pháp xử lý thế nào, thưa ông?

ÔNG NGUYỄN HẠNH PHÚC: Tôi cũng chưa nhận được bất kỳ một ý kiến nào góp ý hay phản ánh gì với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này. Là người sẽ được đánh giá tín nhiệm và cũng sẽ tiến hành đánh giá tín nhiệm các chức danh khác, tôi cho rằng ai làm thế sẽ tự đánh mất uy tín của chính mình. Người đánh giá tín nhiệm là các ĐBQH, đại diện của nhân dân, cầm lá phiếu họ sẽ phải suy nghĩ, thể hiện trách nhiệm cao nhất của mình.

* Liệu tác động của việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm có khiến cho không khí tranh luận tại nghị trường trở nên e dè hơn?

* Tôi không nghĩ vậy. Cá nhân tôi cho rằng mỗi vị ĐBQH nói chung và các chức danh được lấy phiếu đều có quyền hỏi và trả lời. Hỏi đúng thì người ta trả lời theo thẩm quyền, theo nhận định của họ. Không có chuyện vì việc này việc kia.

* Nhiều vị ĐBQH cho rằng việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi trả lời chất vấn là quy trình “ngược”, ông nghĩ sao?

*Việc đó đã được bàn rồi. Tiến hành lấy phiếu trước là để đảm bảo sự công bằng. Vì kỳ này chỉ 4 bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời, còn các bộ trưởng đã trả lời các kỳ trước hay chưa lần nào trả lời chất vấn thì sao?

* Quy trình tiến hành và việc công bố kết quả sẽ diễn ra thế nào?

*Quy trình thì đương nhiên là công khai, báo chí sẽ được chứng kiến ngay từ lúc tiến hành bỏ phiếu cho đến khi công bố kết quả. Kết quả sẽ được công bố theo ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, cụ thể từng phiếu, từng loại, có thế nào thì ghi như thế. Ví dụ ông A được bao nhiêu phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp thì cứ công bố con số tuyệt đối. Còn nếu kết quả thấp dưới 50% qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, việc này đã được quy định rõ trong Nghị quyết của QH.

*Ông có thể chia sẻ với tư cách cá nhân về công việc chuẩn bị đánh giá tín nhiệm? Tiêu chí gì theo ông là quan trọng nhất khi đánh giá mức độ tín nhiệm?

* Qua tiếp xúc cử tri, tôi đã ghi nhận nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân; nghiên cứu rất kỹ báo cáo của các thành viên Chính phủ, các chức danh được lấy phiếu. Tôi cũng đã theo dõi tình hình kinh tế xã hội và các phiên thảo luận vừa qua của QH và suy nghĩ xem lĩnh vực nào, ngành gì mà tư lệnh ngành đó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo tôi, tiêu chí đầu tiên để đánh giá tư lệnh một ngành là hoàn thành nhiệm vụ; mặc dù phẩm chất đạo đức cũng phải song song.

* Ông có lo ngại do nể nang mà kết quả việc lấy phiếu sẽ là “hòa cả làng” hay không?

*Tôi không lo ngại như thế. Cái chính là đánh giá kết quả chính xác chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt, là khách quan.

* Cảm ơn ông.

ANH THƯ ghi

(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *