BỊ ĐƠN KHÔNG CUNG CẤP “MẪU”GIỌNG NÓI, KHÓ XỬ

27/05/2013 – 06:00

Băng ghi âm được xem là nguồn chứng cứ nhưng không hề có quy định nào bắt buộc đương sự phải cung cấp mẫu giọng nói để cơ quan chức năng giám định, so sánh…

TAND một quận ở TP.HCM đang đau đầu về vụ đòi nợ giữa bà NTP và vợ chồng ông HNT bởi vợ chồng ông T. không chịu cung cấp giọng nói để làm mẫu giám định.

Không giám định được

Theo đơn kiện của bà P., năm 2009, bà kinh doanh vải tại chợ Bình Tiên (quận 6) nên quen vợ chồng ông T. ở sạp kế bên. Tháng 3-2011, vợ chồng ông T. kẹt tiền mua đất, có mượn của bà 200 triệu đồng, hứa sẽ trả trong vòng hai tháng. Tin tưởng, bà cho mượn mà không viết giấy nợ gì cả.

“Đến hạn trả, vợ chồng ông T. cứ hẹn lần hẹn lữa nên tình cảm đôi bên sứt mẻ. Nhiều lần tôi yêu cầu họ viết giấy nợ, họ cũng không làm” – bà P. ấm ức kể.

Tháng 8-2011, trong một lần cãi nhau tại chợ, bà đã dùng điện thoại ghi âm lại để làm bằng chứng về việc vợ chồng ông T. có mượn tiền của bà. Hai tháng sau, bà khởi kiện yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông T. trả nợ. Cùng với đơn kiện, bà nộp kèm cho tòa chứng cứ duy nhất là file ghi âm lần cãi nhau nói trên.

Ảnh minh họa: HTD

Bị tòa triệu tập, vợ chồng ông T. phủ nhận chuyện vay tiền của bà P. Khi hai bên đối chất, vợ chồng ông cũng bảo giọng nói trong file ghi âm không phải là giọng nói của họ. Đôi bên tranh cãi quyết liệt, tòa đề nghị giám định file ghi âm. Hai bên đồng ý nhưng vợ chồng ông T. sau đó lại không chịu hợp tác, cung cấp mẫu giọng nói.

Tòa án một quận khác ở TP.HCM cũng gặp tình huống nhức đầu tương tự trong vụ ly hôn của vợ chồng bà M.

Vợ chồng bà M. có một căn nhà chung. Theo người chồng, căn nhà này được hai vợ chồng mua lại của người mẹ vợ với giá 50 lượng vàng từ năm 2005. Khi mua, các bên có viết giấy tay nhưng sau đó bị bà M. xé mất. Còn bà M. thì cho rằng căn nhà là của cha mẹ bà tặng riêng cho bà.

Người chồng cung cấp cho tòa một băng ghi âm mà theo ông có nội dung chứng minh người mẹ vợ đã bán ngôi nhà này cho vợ chồng ông. Sau đó, tòa ra quyết định trưng cầu giám định giọng nói của các đương sự trong băng ghi âm nhưng phía bà M. lại không hợp tác.

Thiếu quy định bắt buộc

Theo vị thẩm phán giải quyết vụ kiện của bà P., muốn giám định băng ghi âm thì bắt buộc các đương sự có tiếng nói trong băng ghi âm phải có mặt tại tổ chức giám định để so sánh, đối chiếu mẫu tiếng nói. Chỉ cần một bên không có mặt, không hợp tác là việc giám định bế tắc. Tòa cũng không biết phải làm sao bởi không có quy định bắt buộc đương sự phải cung cấp mẫu giám định. Không giám định được, tòa không có cơ sở để giải quyết nên án bị kéo dài.

Theo các luật sư Nguyễn Minh Thuận, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Minh Luận (Đoàn Luật sư TP.HCM), đây là một lỗ hổng trong pháp luật tố tụng dân sự, các nhà làm luật cần nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nên chăng cần có quy định là trong trường hợp phải giám định để tòa có cơ sở giải quyết án thì những người liên quan phải có nghĩa vụ hợp tác, cung cấp mẫu giám định. Nếu từ chối, không hợp tác thì xem như họ sẽ gặp bất lợi khi tòa đánh giá chứng cứ…

Quy định liên quan

– Chứng cứ

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho tòa án hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không, cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.

(Theo Điều 81 BLTTDS)

– Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;

(Trích Điều 82 BLTTDS)

– Xác định chứng cứ

2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

(Trích Điều 83 BLTTDS)

______________________________________

Tòa cần linh hoạt

Để khắc phục, trước mắt các tòa cần linh hoạt vận dụng nguyên tắc đương sự có trách nhiệm phải chứng minh để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Vì vậy khi đương sự không hợp tác thì xem như đương sự thừa nhận theo như yêu cầu cần giám định của bên có yêu cầu.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Tìm chứng cứ khác

Nếu đương sự không hợp tác, tòa vẫn có thể tìm ra những chứng cứ khác như nhân chứng cùng các tài liệu khác để xác định sự thật của vụ án, không chỉ phụ thuộc vào kết quả giám định.

Kiểm sát viên Nguyễn Anh Đức, Bố Trạch (Quảng Bình)

HOÀNG YẾN

(Nguồn: Báo pháp luật)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *