MÁNH KHÓE ĐỘC CHIÊU QUA CÔNG CHỨNG: ỦY QUYỀN BÁN NHÀ ĐỂ NÉ THUẾ

Nếu người bán nhà trở kèo thì người mua mất nhà như chơi. Trong các chiêu lừa qua công chứng, ngoài các chiêu giả làm hợp đồng mua bán hay đặt cọc mua nhà thay cho hợp đồng vay tiền còn có dạng hợp đồng ủy quyền. Đây là chiêu thường được các bên sử dụng để trốn thuế (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…).

 

Nếu người bán nhà trở kèo thì người mua mất nhà như chơi. Trong các chiêu lừa qua công chứng, ngoài các chiêu giả làm hợp đồng mua bán hay đặt cọc mua nhà thay cho hợp đồng vay tiền còn có dạng hợp đồng ủy quyền. Đây là chiêu thường được các bên sử dụng để trốn thuế (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…).

Khi sử dụng mánh hợp đồng ủy quyền, người bán chỉ làm hợp đồng ủy quyền cho người mua thay vì làm hợp đồng mua bán nhà đất. Người mua được người bán ủy quyền “thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến lô đất với chủ đầu tư”, được “nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”… Như vậy việc né thuế sẽ kéo dài tới người thứ ba, thứ tư và nhiều nữa. Chừng nào người mua bán nhà đất cho người khác thì chỉ cần người được ủy quyền ra công chứng làm hợp đồng mua bán thay chủ cũ sẽ trốn được một lần thuế.

Lách luật suýt mất đất

Bà C. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thấy bạn bè mua đất bán lại kiếm lời quá dễ dàng nên cũng nhào vô kinh doanh đất đai. Bà mua được một lô đất tại quận 2. Mấy người bạn mách bà nếu ra công chứng làm hợp đồng mua đất thì phải nộp thuế trước bạ, lệ phí công chứng (tính theo giá trị lô đất), vài ngày sau bán lô đất đi thì bà phải chịu thêm thuế chuyển nhượng đất, như vậy là giảm lời. Nếu làm hợp đồng chủ đất ủy quyền định đoạt đất cho bà C., khi có người mua lại bà C. sẽ ra công chứng làm hợp đồng mua bán đất thay cho chủ cũ thì chỉ chịu một lần thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Nghe thấy bùi tai, bà C. yêu cầu bên bán đất ra công chứng làm hợp đồng ủy quyền cho người bạn trai con gái bà đứng tên giùm. Đến khi bà tìm được người mua đất thì con gái bà đã cắt quan hệ với người bạn trai. Bà gọi điện thoại di động cho người này thì máy thường hay bận, khi đến tận nhà mới biết anh ta ở nhà trọ. Sợ bạn trai cũ của con gái bán mất đất của mình, bà C. phải quay lại nhờ người bán đất hủy hợp đồng ủy quyền. Bà phải tốn kém thêm thù lao cho chủ đất cũ thì người chủ đất cũ mới chịu ra công chứng làm hợp đồng hủy hợp đồng ủy quyền cũ.

Mất hợp đồng ủy quyền: Bó tay!

Anh T. (nhà ở phường 8, quận 4, TP.HCM) mua một miếng đất tại quận 7. Anh và chủ đất cũng xài chiêu ủy quyền, anh được giữ giấy tờ đất và giấy ủy quyền bán đất. Sau đó, do phải dọn nhà nhiều lần nên anh làm mất hợp đồng ủy quyền. Anh T. đến Phòng Công chứng số 1 nhờ lục lại hợp đồng, trên bản sao hợp đồng đóng dấu của phòng. Vài tháng sau, miếng đất có người mua, anh T. đến phòng công chứng làm hợp đồng mua bán nhưng công chứng viên từ chối giải quyết vì không xuất trình được đủ bản chính các giấy tờ liên quan.

Theo Luật Công chứng, việc làm hợp đồng ủy quyền ở phòng công chứng này nhưng lại làm hợp đồng hủy hợp đồng ủy quyền ở phòng công chứng khác rất dễ dàng. Mà hợp đồng ủy quyền chỉ cần bên ủy quyền đơn phương đến phòng công chứng làm thủ tục hủy thì hợp đồng ủy quyền cũ sẽ hết giá trị. Anh T. nghĩ bản chính hay bản sao đều là một nội dung, chắc công chứng viên này làm khó. Nhưng khi anh đến phòng công chứng khác thì đều nghe trả lời y vậy. Cuối cùng, anh phải nhờ vả người bán đất và phải chịu tốn thêm 50 triệu đồng để ông ta ra công chứng chính thức ký hợp đồng mua bán đất.

Theo pháp luật Tp.HCM

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *