MỘT MẢNH ĐẤT BÁN CHO NHIỀU NGƯỜI – BÀI 1: NGƯỜI MUA CHỊU THIỆT!

Bà Hoa, bà Hà còn bàng hoàng hơn khi biết mảnh đất trên đã được vợ chồng ông K. âm thầm giải chấp ngân hàng rồi chuyển nhượng cho người khác.

Hiện tượng này đã xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua. Người mua mất tiền tỉ nhưng đất không có, công an không xử lý hình sự, kiện tụng thì nhiêu khê vất vả, có thắng kiện cũng không biết khi nào mới lấy lại được tiền…

Những ngày này, vợ chồng ông TTK (huyện Phú Giáo, Bình Dương) đang bị nhiều người tố cáo vì hành vi lừa bán một mảnh đất cho nhiều người. Những người đã lỡ bỏ tiền tỉ mua đất “ảo” yêu cầu khởi tố vợ chồng ông K. vì cho rằng hành vi lừa đảo đã rõ ràng nhưng công an huyện lúc thì bảo là dân sự, khi thì lại chần chừ chưa có kết luận.

Đất thế chấp vẫn bán cho nhiều người

Bà Phạm Lệ Hà, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa (Phú Giáo) còn nhớ như in thời điểm tháng 6-2010, khi vợ chồng ông K. đến nhà bà “gả” bán cho bà một mảnh đất cao su rộng hơn 32.000 m2 ở xã Tam Lập với giá 3 tỉ đồng. Bà Hà kể: “Thấy mảnh đất trồng cao su hai năm tuổi có giá cả quá hợp lý, vợ chồng ông K. lại cam kết đất không có tranh chấp, sẽ sớm làm thủ tục chuyển nhượng nên tôi đồng ý mua và đặt cọc ngay 450 triệu đồng”.

Bà Phạm Lệ Hà trình bày việc mình bị lừa mua đất. Ảnh: THANH TÙNG

Sau nhiều lần bà Hà thanh toán với tổng số tiền lên tới 2,1 tỉ đồng, tháng 5-2012, hai bên đã ra UBND xã Tam Lập chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Lúc làm hợp đồng thì ông K. (người đứng tên trên giấy đỏ) không có mặt nhưng cán bộ xã vẫn cho bà Hà ký vào hợp đồng và nói sẽ bổ sung chữ ký của ông K. sau.

Sau đó, bà Hà phát hiện ra giấy đỏ mảnh đất trên đang được ông K. thế chấp ngân hàng từ đầu năm 2007 nên không thể hoàn tất hồ sơ đăng bộ tại UBND huyện. Sau đó, phía ông K. làm cam kết sẽ sớm lấy giấy đỏ ra để hoàn tất thủ tục nhưng không thực hiện.

Tìm hiểu, bà Hà phát hiện ra là một tháng trước khi bán đất cho mình, vợ chồng ông K. đã mang mảnh đất ấy thế chấp cho bà Tôn Thị Hoa (cùng ngụ xã Vĩnh Hòa) để vay 1,5 tỉ đồng.

Theo tố cáo của bà Hoa, khi đến hẹn nhưng không có tiền trả nợ, vợ chồng ông K. đã làm hợp đồng tay với nội dung bán đứt mảnh đất này cho bà với giá 2 tỉ đồng. Thấy rẻ nên tháng 4-2011, bà đã đưa thêm cho vợ chồng ông K. 500 triệu đồng nữa và chờ ngày giao đất.

Thậm chí trong thời gian chờ giao đất, bà Hoa còn tin tưởng cho vợ chồng ông K. mượn thêm 1 tỉ đồng. Tổng cộng, bà đã bỏ ra cho vợ chồng ông K. 3 tỉ đồng. Chờ mãi không thấy ông K. giao đất, bà Hoa tìm hiểu thì mới té ngửa khi biết không chỉ có một mình bà bị mất tiền tỉ cho vợ chồng ông K.

Bà Hoa với bà Hà còn bàng hoàng hơn khi biết mảnh đất trên đã được vợ chồng ông K. âm thầm giải chấp ngân hàng rồi chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Tháng 7-2013, bà Thảo mang giấy đỏ đến UBND xã Tam Lập yêu cầu xác nhận tình trạng đất thì ủy ban đã từ chối với lý do đất đang có tranh chấp.

Xử lý lúng túng

Không còn cách nào khác, cả bà Hà lẫn bà Hoa đã làm đơn tố cáo vợ chồng ông K. ra UBND xã Tam Lập và Công an huyện Phú Giáo. Trong các phiên hòa giải do UBND xã Tam Lập tổ chức, ông K. đều vắng mặt, chỉ có vợ ông đến dự. Bà này thừa nhận các nội dung tố cáo của bà hà và bà Hoa là đúng nhưng nói do không có tiền nên trước mắt không thể trả cho ai.

Sau khi nhận được tố cáo, ngày 31-5, Công an huyện Phú Giáo có văn bản trả lời cho bà Hà và bà Hoa cùng với nội dung sau: “Qua nghiên cứu công an nhận thấy đây là vụ việc dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Đề nghị bà liên hệ với TAND huyện để được giải quyết theo pháp luật”.

Tuy nhiên, sau khi bà Hà và bà Hoa khiếu nại quyết liệt vì cho rằng dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông K. đối với họ đã rất rõ, mới đây công an huyện đã mời hai bà lên yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ để làm cơ sở xác minh.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Trú (Phó Trưởng Công an huyện Phú Giáo) cho biết công an vẫn đang tiến hành xác minh các bên liên quan nên chưa thể đưa ra kết luận chính xác. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu và tách biệt các mối quan hệ ra để làm rõ sự việc” – ông Trú nói.

Dấu hiệu lừa đảo rất rõ

Vợ chồng ông K. đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hà khi chuyển nhượng mảnh đất đã đem thế chấp tại ngân hàng mà không có sự đồng ý của ngân hàng. Tương tự, việc vợ chồng ông K. tự ý thế chấp mảnh đất cho bà Hoa và chuyển nhượng giấy tay để cấn trừ nợ mà không được sự đồng ý của ngân hàng cũng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hoa. Bằng thủ đoạn gian dối, vợ chồng ông K. đã dùng một mảnh đất đang thế chấp ngân hàng bán hai lần mà không được sự đồng ý của ngân hàng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai người.

TS PHAN ANH TUẤNTrưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Nhận nợ nhưng “không biết khi nào trả”

Một người khác cũng tố cáo vợ chồng ông K. là ông Phạm Trọng Tiên (cán bộ xã Tam Lập). Ông Tiên kể: “Tháng 8-2012, vợ chồng ông K. hỏi mượn giấy đỏ đất tôi để thế chấp ngân hàng vay tiền làm ăn. Chỗ quen biết, tôi đồng ý đứng tên vay giúp ông K. 1,5 tỉ đồng. Tôi tin tưởng vì hai bên đã ra xã làm hợp đồng vay tiền. Nào ngờ sau đó vợ chồng ông K. tuyên bố hết tiền khiến tôi phải ôm cục nợ”.

Tại phiên hòa giải ở xã Tam Lập, vợ ông K. thừa nhận có nhờ ông Tiên vay tiền nhưng cũng nói: “Không biết khi nào trả được”.

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *