KHÔNG HÒA GIẢI, CHỦ TỊCH PHƯỜNG BỊ KIỆN

26/08/2013 – 06:00

Đây là vụ kiện hành chính hiếm hoi đối với hành vi không hành động trong hoạt động công vụ của người được giao chức trách, nhiệm vụ theo pháp luật.

Ngày 22-8, TAND thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã nhận đơn khởi kiện của bà Phạm Thị Quỳnh Hoa kiện hành vi không tiến hành việc hòa giải của chủ tịch UBND phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An) trong một vụ tranh chấp đất đai. Trước đó, tòa này không nhận đơn khởi kiện khiến bà Hoa phải làm đơn khiếu nại gửi chánh án TAND thị xã và TAND tỉnh. Sau đó, TAND thị xã đã mời bà Hoa lên làm việc và thông báo nhận hồ sơ khởi kiện.

Phường từ chối hòa giải

Theo trình bày của bà Hoa, sau khi cha mẹ bà mất có để lại cho chị em bà hơn 5.000 mđất tại phường Đông Hòa (giáp ranh khu ĐH Quốc gia TP.HCM). Đất này được cấp giấy đỏ từ năm 1997, sau khi cha mẹ mất chị em bà vẫn đóng thuế đầy đủ.

Bà Phạm Thị Quỳnh Hoa, người khởi kiện hành chính chủ tịch phường ra tòa. Ảnh: T.TÙNG

Ngày 20-6-2013, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi đất thuộc địa bàn hai phường Bình An và Đông Hòa để giao cho ĐH Quốc gia bồi thường giải phóng mặt bằng và sử dụng theo quy hoạch. Tuy nhiên, trong số các hộ gia đình bị thu hồi lại không thấy có tên, thửa đất tại tờ bản đồ của gia đình bà theo giấy chứng nhận đã cấp. Trong khi thực tế phần đất trên đã được ĐH Quốc gia xây tường rào bao quanh.

Cho rằng việc sót lọt đất của gia đình ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình (không được nhận tiền đền bù), bà Hoa đã khởi kiện giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM về việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, TAND thị xã đã trả lại đơn kiện (vụ án dân sự) này vì lý do trong hồ sơ chưa có biên bản hòa giải của UBND phường Đông Hòa theo luật định. (Theo luật, tòa chỉ thụ lý vụ kiện về đất đai khi xã, phường đã hòa giải không thành.)

Nhận lại hồ sơ, bà Hoa đến UBND phường Đông Hòa yêu cầu được hòa giải thì bị UBND phường từ chối. Bà Hoa kể: “Ngày 28-6-2013, tôi mang hồ sơ đến gặp cán bộ tư pháp phường yêu cầu hòa giải thì người này bảo tôi liên hệ với UBND thị xã để giải quyết vì phường không có chức năng giải quyết…”. Chiều cùng ngày, bà Hoa đã khiếu nại về hành vi của cán bộ tư pháp đến chủ tịch phường này nhưng bà không nhận được văn bản giải quyết khiếu nại. Một tháng sau, bà Hoa lên phường hỏi thì được trả lời bằng miệng rằng: “Phường sẽ không hòa giải”.

Yêu cầu khởi kiện có căn cứ

Ngày 19-8, bà Hoa đã làm đơn khởi kiện hành chính hành vi không hòa giải của chủ tịch UBND phường Đông Hòa. Bà Hoa yêu cầu tòa tuyên buộc chủ tịch phường phải mời bà và đại diện ĐH Quốc Gia TP.HCM đến hòa giải và lập biên bản hòa giải về vụ tranh chấp đất, theo quy định pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu khởi kiện của bà Hoa là hoàn toàn có căn cứ, tòa phải thụ lý giải quyết, còn việc có chấp nhận tuyên buộc phường phải hòa giải hay không là chuyện khác.

Theo luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), chỉ cần khi người dân có đơn khiếu nại và khởi kiện thì UBND xã, phường phải tổ chức hòa giải. Đằng này tòa đã hướng dẫn bà Hoa về phường hòa giải mà cơ quan này vẫn từ chối thì bà khởi kiện là đúng theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính. Bởi biên bản hòa giải tại phường là sự kiện pháp lý ghi nhận lại yêu cầu khiếu nại, kiến nghị hoặc tố cáo của các bên đương sự. Tính chất của hòa giải là giảm thiểu các vụ việc cho tòa án, nên khâu này rất quan trọng. Nếu các bên thương lượng được với nhau thì phường lập biên bản hòa giải thành, không phải nhờ tòa án, đỡ mất thời gian, công sức. Cho nên khi chủ tịch phường có hành vi từ chối nhiệm vụ mà luật quy định thì người dân có quyền khởi kiện.

Đồng tình, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) phân tích khi việc hòa giải trở thành bắt buộc thì người đứng đầu phường, xã phải làm, không nên viện cớ này nọ để từ chối. Việc có cơ sở thụ lý vụ án hay không, thẩm quyền giải quyết thế nào thì do tòa án quyết định, ủy ban không thể tự ý cho rằng “việc này không thuộc thẩm quyền của mình”. Theo luật sư Triết, trường hợp này tòa nên chấp nhận yêu cầu của bà Hoa, buộc chủ tịch phường phải tổ chức hòa giải để bà Hoa đủ điều kiện khởi kiện (dân sự) ra tòa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có tình tiết mới.

Luật buộc làm mà anh không làm thì bị kiện

Theo Điều 135 và khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, trước khi khởi kiện ra tòa về tranh chấp đất thì phải có hòa giải ở UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND xã, phường, thị trấn nhận được đơn.

khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính định nghĩa: Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Theo luật, nếu thấy hành vi hành chính của người có thẩm quyền ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì đương sự có quyền khởi kiện.

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật TpHCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *