KHỐN KHỔ VÌ BỊ GIỮ GIẤY TỜ – BÀI 1: CÓ ÁN CŨNG CHỊU!

Nhà, đất không thể mua bán hay thế chấp, nhà hư hỏng không thể xin giấy phép sửa chữa… là tình cảnh của nhiều người khi bị người khác chiếm giữ giấy đỏ, giấy hồng.

Tòa tuyên thắng kiện, thi hành án cũng bó tay nếu bên giữ giấy không trả.

“Những tưởng khi thắng kiện thì tôi sẽ đòi lại được giấy tờ nhà nhưng từ ngày bản án có hiệu lực, đến nay đã gần bảy năm trôi qua mà bên phải thi hành án (THA) vẫn chiếm giữ giấy tờ của tôi. Cơ quan THA vào cuộc cũng không làm được gì” – bà Lương Mỹ Anh, ngụ phường 7, quận 10 (TP.HCM), bức xúc.

Bị giả mạo chữ ký vay tiền

Dẫn chúng tôi vào nhà, bà Anh than thở: “Căn nhà bị xuống cấp nặng, các bức tường đều mục hết. Mười mấy người sống chung một nhà, tôi muốn sửa chữa lại cho an toàn và khang trang hơn nhưng bao năm qua tôi không thể xin giấy phép sửa chữa chỉ vì không có giấy tờ nhà”.

Bà Anh chỉ cho chúng tôi thấy trần nhà và tường lở lói, loang lổ vết nước thấm. Bà kể, ngày nắng thì không sao nhưng khi trời mưa là nước thấm vào tường, thấm vào luôn các ổ điện nên rất nguy hiểm. “Người lớn còn đỡ, sợ nhất là trẻ em, lúc nào cũng phải nơm nớp canh chừng. Chưa kể tôi buôn bán ngoài chợ, nhiều lúc làm ăn rất cần vốn xoay vòng nhưng không thể thế chấp căn nhà này để vay ngân hàng. Bực bội lắm!” – bà Anh nói.

Rắc rối của bà Anh bắt đầu từ cuối năm 1996 khi bà đưa giấy tờ nhà cho người anh rể để nhờ ông này làm thủ tục vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa – Chi nhánh Trần Hưng Đạo hơn 300 triệu đồng. Đến tháng 10-1999, bà Anh đã thanh toán toàn bộ vốn và lãi cho ngân hàng thông qua người anh rể.

Trần nhà và ổ điện trên tường nhà bà Anh thấm nước mưa loang lổ. Ảnh: T.HIỂU

Một thời gian sau, bà Anh bất ngờ khi được cơ quan điều tra Công an TP.HCM thông báo bà có vay của Ngân hàng Việt Hoa 1,7 tỉ đồng qua việc thế chấp căn nhà của bà. Bà Anh trình bày rằng mình không hề vay số tiền nói trên. Sau đó, cơ quan chức năng xác định người anh rể (đã bỏ trốn) dùng giấy tờ nhà của bà Anh và giả mạo chữ ký của bà để vay Ngân hàng Việt Hoa 1,7 tỉ đồng.

Được xác nhận là không liên quan đến vụ vay tiền trên, bà Anh khởi kiện Ngân hàng Việt Hoa ra TAND quận 5 (TP.HCM) để đòi lại bản chính giấy tờ nhà. Tòa xác minh thì thấy trước đó Ngân hàng Việt Hoa đã đem giấy tờ nhà của bà Anh “tái thế chấp” cho Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM để vay tiền. Tháng 9-2005, TAND quận 5 đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm, tuyên buộc Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng có trách nhiệm trả lại giấy tờ nhà cho bà Anh.

THA cũng bó tay

Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, bà Anh đã làm đơn yêu cầu THA. Tháng 10-2006, cơ quan THA dân sự quận 5 đã ra quyết định THA. Phía Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước không thực hiện việc giao lại giấy tờ nhà cho bà Anh theo quyết định của cơ quan THA. Phía Ngân hàng Việt Hoa thì nói Ngân hàng Nhà nước đang giữ giấy tờ, phía Ngân hàng Nhà nước thì bảo sẽ giải chấp trả giấy tờ nhà khi nào Ngân hàng Việt Hoa trả đủ nợ vay…

Không biết làm sao, cơ quan THA dân sự quận 5 bèn gửi công văn đến UBND quận 10 đề nghị hủy bản cũ giấy tờ nhà để cấp lại bản mới cho bà Anh. Tuy nhiên, UBND quận 10 chưa thể cấp lại giấy tờ nhà vì UBND TP.HCM yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ các vấn đề liên quan đến căn nhà. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM cũng có văn bản đề nghị UBND quận 10 tạm thời chưa cấp giấy tờ mới cho bà Anh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nợ của Ngân hàng Việt Hoa.

Một chấp hành viên Chi cục THA dân sự quận 5 cho biết: Luật THA dân sự cho phép cơ quan THA tiến hành cưỡng chế buộc người phải THA trả giấy tờ nhưng lại thiếu quy định về các chế tài cụ thể. Hướng dẫn cũng không có. Do đó, khi Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước không chịu giao trả giấy tờ nhà cho bà Anh, cơ quan THA không biết phải cưỡng chế bằng cách nào, dùng biện pháp chế tài gì để gây sức ép… Chính vì vậy mà vụ THA của bà Anh cho đến nay vẫn đang bế tắc, chưa có hướng gỡ.

Xử lý hình sự: Chưa khả thi?

Luật THA dân sự quy định cơ quan THA dân sự, chấp hành viên có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của người phải THA về tội không chấp hành án.

Quy định này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhưng thực tế thì chưa khả thi vì đây chỉ là quy định chung, để áp dụng vào thực tế cần có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, hiện cũng chưa có sự thống nhất giữa cơ quan công an, VKS và tòa án về việc có nên xử lý hình sự hay không. Vì vậy, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào chiếm giữ giấy tờ không trả mà bị xử lý về tội không chấp hành án cả.

 LÊ THỊ LỆ DUYÊNChi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 3 (TP.HCM)

Cưỡng chế trả giấy tờ

1. Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người phải THA trả giấy tờ cho người được THA. Trường hợp người phải THA không thực hiện thì chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để THA.

Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải trả thì chấp hành viên yêu cầu người đó giao giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao thì chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao giấy tờ để THA.

2. Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được THA.

Đối với giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu THA và hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

(Điều 116 Luật THA dân sự)

TIẾN HIỂU

(Nguồn: Báo Pháp luật)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *