BỊ GIỮ GIẤY HỒNG, AI GIẢI QUYẾT?

08/10/2013 – 06:00

Thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp bị giữ giấy tờ nhà, đất trái phép nhưng không cơ quan nào giải quyết. Để tháo gỡ, nhiều chuyên gia cho rằng ngành tòa án nên vào cuộc…

Vợ chồng bà Võ Thị Bích Tuyền kết hôn từ năm 1998, có hai con chung và tạo lập được một căn nhà ở phường 5, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Năm 2010, vợ chồng bà ly hôn, sau đó bà dẫn hai con đi thuê nhà ở. Một năm sau, chồng cũ của bà bị bệnh nặng, bà dẫn con quay về chăm sóc.

Chạy lòng vòng mãi mới xong

Bệnh quá nặng, chồng bà Tuyền không qua khỏi. Trước khi mất, ông lập di chúc để lại một nửa căn nhà (thuộc phần sở hữu của ông) cho hai con và giao bà Tuyền toàn quyền quản lý, cho thuê để có thu nhập nuôi con… Từ đó, bà Tuyền và hai con ở tầng trên, còn tầng trệt thì cho thuê.

Bà Tuyền kể: “Trưa 13-11-2011, mẹ chồng cũ và người nhà đến kêu tôi cho mượn giấy hồng, di chúc, quyết định công nhận thuận tình ly hôn, giấy chứng tử để xem. Bất ngờ sau khi cầm, bà ấy đem ngay về. Tôi đã nhiều lần đòi lại nhưng bà ấy không chịu trả”.

Bà Tuyền gửi đơn nhờ UBND phường 5 can thiệp. Cán bộ phường nói bà khởi kiện ra TAND TP Mỹ Tho. Tháng 11-2011, TAND TP Mỹ Tho trả lại đơn khởi kiện cho bà Tuyền. Theo tòa, yêu cầu đòi lại giấy tờ đang bị người khác giữ không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 168 BLTTDS và hướng dẫn trong Công văn 141 ngày 21-9-2011 của TAND Tối cao.

Bà Võ Thị Bích Tuyền đang trình bày sự việc. Ảnh: KP

Bà Tuyền lại gửi đơn đến UBND phường 5. Tại phường, mẹ chồng cũ của bà cương quyết không chịu trả giấy tờ. UBND phường thuyết phục, mẹ chồng của bà Tuyền vẫn khăng khăng bảo “giữ cho đến khi hai cháu nội đủ 18 tuổi thì giao lại cho chúng”.

Bà Tuyền đến Phòng TN&MT TP Mỹ Tho xin cấp lại giấy hồng thì bị từ chối vì không thuộc trường hợp được cấp lại. Không biết làm sao, bà đành gửi đơn tố cáo đến Công an TP Mỹ Tho. Tháng 2-2012, Công an TP Mỹ Tho trả lời là không có căn cứ xử lý hình sự.

Bà Tuyền mệt mỏi: “Không có giấy hồng để đi công chứng gia hạn hợp đồng, bên thuê nhà không thuê nữa. Tôi mất nguồn thu nhập nuôi con. Thiệt khổ!”. Bấy giờ, có người “mách nước”, bà lặn lội đến cầu cứu UBND xã Thanh Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang (nơi gia đình chồng cũ của bà thường trú). UBND xã Thanh Bình đứng ra vận động mẹ chồng cũ của bà trả giấy tờ nhưng không được.

Tháng 10-2012, bà Tuyền gửi đơn kiện gia đình chồng cũ ra TAND huyện Chợ Gạo. Tòa này cũng trả lại đơn kiện với lý do giống như TAND TP Mỹ Tho. Tháng 4-2013, một lần nữa bà Tuyền lại gửi đơn đến Công an TP Mỹ Tho nhưng cơ quan này tiếp tục trả lời là không xử lý hình sự.

Mới đây, mẹ chồng cũ của bà Tuyền mất. Bà tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp lại giấy hồng. Ngày 23-7, UBND phường 5 đã xác nhận hồ sơ và chuyển Phòng TN&MT TP Mỹ Tho xem xét.

Ông Lê Văn Hùng (Phó phòng TN&MT TP Mỹ Tho) cho biết: “Trước kia chúng tôi không thể cấp lại giấy hồng cho bà Tuyền vì Nghị định 88/2009 của Chính phủ quy định chỉ cấp lại khi giấy hồng cũ bị mất. Thực tế giấy hồng đâu có bị mất mà bị người khác giữ. Cấp thêm giấy là căn nhà sẽ tồn tại tới hai giấy hồng. Phải chi có bản án của tòa thì có thể xem xét nhưng tòa không giải quyết nên chúng tôi không giúp được. Tuy nhiên, hiện mẹ chồng cũ của bà Tuyền đã mất, giấy hồng này không biết ở đâu, xem như đã bị mất nên chúng tôi sẽ cấp lại giấy mới cho bà Tuyền”.

Tòa nên thụ lý?

Cuối cùng vụ việc của bà Tuyền cũng có hướng gỡ. Nhưng điều đáng nói là trong những năm qua đã xảy ra rất nhiều trường hợp bị giữ giấy tờ nhà, đất tương tự và không phải ai cũng may mắn được cấp lại giấy tờ như bà Tuyền. Một vấn đề được đặt ra: Tòa án có nên thụ lý, giải quyết các tranh chấp này để các cơ quan khác có căn cứ cấp mới hoặc giúp đương sự lấy lại giấy tờ? Chúng tôi đã trao đổi và nhận được hai luồng quan điểm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) nói việc ngành tòa án áp dụng Công văn 141 để từ chối thụ lý là đúng. Ông phân tích: Công văn 141 hướng dẫn giấy tờ nhà đất không phải là “giấy tờ có giá” theo Điều 163 BLDS là hoàn toàn đúng quy định hiện hành. Cụ thể, Điều 4 Luật Đất đai quy định giấy hồng, giấy đỏ chỉ là giấy tờ chứng nhận công dân, tổ chức có quyền sử dụng đất tại một thửa đất nhất định hay quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Điều 3 Nghị định 163/2006 của Chính phủ quy định: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.

Do đó, khi giấy tờ nhà đất không phải là “giấy tờ có giá” (tài sản) thì việc ngành tòa án từ chối thụ lý là đúng quy định tại Mục 1 Chương III BLTTDS (những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa).

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại cho rằng giấy tờ nhà đất là một dạng “tài sản đặc biệt”. Ông lập luận: Điều 181 BLDS quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Trong khi đó, muốn chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cũng như giao dịch tài sản nhà, đất thì người dân phải xuất trình giấy chứng nhận và kèm theo giấy này mới hợp pháp. Nghịch lý ở chỗ bị xem là “không có giá” nhưng giấy tờ nhà, đất được đem thế chấp và ngân hàng cũng chỉ giữ giấy tờ để làm tin. Ngoài ra, theo Điều 106 Luật Đất đai, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê… khi có giấy chứng nhận. Để thực hiện quyền này thì trước hết người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận, đồng nghĩa với việc giấy chứng nhận cần phải được xem là tài sản và khi người dân kiện đòi thì tòa phải thụ lý.

Kiến nghị sửa luật

Có thể hiểu là giấy hồng, giấy đỏ luôn đi kèm và là yếu tố không thể thiếu đối với nhà, đất. Nếu thiếu một trong hai yếu tố thì không có đầy đủ quyền về tài sản đối với phần nhà, đất đó nữa.

Công văn 141 cho rằng tòa án phải hướng dẫn người khởi kiện yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết nhưng lại không chỉ ra đó là cơ quan nào. Đã vậy, công văn này còn chỉ dẫn trường hợp bị mất giấy tờ thì chủ sở hữu có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại giấy tờ bị mất trong khi trường hợp này có bị mất đâu mà cấp giấy mới.

Khi bị chiếm giữ giấy tờ nhà, đất, người dân không còn cách nào khác là phải nhờ đến các cơ quan chức năng nhưng lại bị từ chối. Ủy ban chỉ tòa, tòa chỉ ủy ban, công an không can thiệp. Một khi cơ quan chức năng bó tay thì rất nguy hiểm bởi dễ dàng đẩy người dân đến chuyện dùng “luật rừng” để giải quyết tranh chấp.

Tôi nghĩ nếu TAND Tối cao cho rằng giấy hồng, giấy đỏ không phải là tài sản thì phải kiến nghị Quốc hội điều chỉnh luật cho phù hợp chứ không thể cứ mãi “cấm cửa” người khởi kiện.

Luật sư LÊ VĂN HOANĐoàn Luật sư TP.HCM

KIM PHỤNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *