TỪ 25-6-2010 : TĂNG MỨC PHẠT VI PHẠM PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG

Nghị định số 47/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 113/2004/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-6-2010. Báo SGGP xin lược trích một số điểm mới trong nghị định này.

Nghị định số 47/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 113/2004/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-6-2010. Báo SGGP xin lược trích một số điểm mới trong nghị định này.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm sẽ tăng từ 20 triệu đồng (quy định cũ) lên 30 triệu đồng. Cụ thể, đối với các hành vi cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công hay hành vi trù dập, trả thù đối với người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng (trước đây là 20 triệu đồng).

Đối với các vi phạm quy định về việc làm, nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không công bố danh sách người lao động bị thôi việc hay không trao đổi với BCH Công đoàn cơ sở hoặc BCH Công đoàn lâm thời khi cho người lao động thôi việc… Hành vi không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở về nhu cầu tuyển dụng lao động ít nhất 7 ngày trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động cũng sẽ bị xử phạt theo mức trên.

Quy định theo hướng tăng mức phạt đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có 1 trong những hành vi: Không trả hoặc trả không đầy đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động; thu phí giới thiệu việc làm cao hơn mức quy định… sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng (tùy theo số người lao động bị vi phạm). Vi phạm quy định về tiền lương, tiền thưởng nghị định quy định rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thực hiện các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo quy định của pháp luật hoặc khấu trừ tiền lương của người lao động mà không thảo luận với BCH Công đoàn cơ sở, BCH Công đoàn lâm thời (nếu có).

Theo quy định cũ thì các vi phạm này chỉ bị phạt tới 500.000 đồng. Mức phạt cũng sẽ tăng từ 1-5 triệu đồng lên 2-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi: Không trả lương đầy đủ, đúng thời hạn cho người lao động; trả chậm lương nhưng không đền bù; không trả lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc để điều trị vì tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh; không công bố công khai thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, trường hợp người sử dụng lao động khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng không cho người lao động biết lý do hoặc khấu trừ quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động; không trả đủ tiền lương cho người lao động trong những trường hợp phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động… sẽ bị phạt mức tối đa đến 30 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với quy định cũ (chỉ phạt tới 10 triệu đồng).

Đối với người lao động có hành vi tham gia đình công sau khi có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Thủ tướng Chính phủ hoặc có hành vi làm tổn hại máy móc, thiết bị, tài sản doanh nghiệp… sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng (mức phạt cũ là 200.000 – 500.000 đồng).

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *