TRIỂN KHAI LUẬT CON NUÔI CÒN LÚNG TÚNG

Cùng với việc thông qua Luật Nuôi con nuôi tại Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XII; tháng 7.2011 Chủ tịch Nước đã ký Quyết định phê chuẩn Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Như vậy đã hoàn thiện căn bản về thể chế đối với lĩnh vực này, tuy nhiên việc thực hiện vẫn lúng túng.

Cùng với việc thông qua Luật Nuôi con nuôi tại Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XII; tháng 7.2011 Chủ tịch Nước đã ký Quyết định phê chuẩn Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Như vậy đã hoàn thiện căn bản về thể chế đối với lĩnh vực này, tuy nhiên việc thực hiện vẫn lúng túng.

Khoảng 50% tỉnh, thành có kế hoạch triển khai Luật

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tư pháp đã giải quyết 16 hồ sơ nhận 19 trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài; trong đó chủ yếu là trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo (7 trường hợp); trẻ trên 5 tuổi và trường hợp nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.

Điều đáng ghi nhận là Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con đã quy định tương đối cơ bản, đầy đủ bảo đảm thuận lợi cho việc áp dụng và thực hiện được ngay không cần ban hành nhiều văn bản hướng dẫn khác. Đối với lĩnh vực lệ phí, chi phí thì lần đầu tiên các quy định hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý công khai, minh bạch cho việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản lệ phí đăng ký nuôi con nuôi; chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài cũng như lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, về các chế độ sử dụng các khoản lệ phí, chi phí nêu trên, NĐ 19 cũng đã quy định rất rõ các hoạt động đặc thù không phải chờ Thông tư hướng dẫn. Cụ thể, NĐ 19 đã quy định rõ mục đích sử dụng các khoản phí, chi phí cho từng công việc và tương ứng với đó là cơ quan nào được sử dụng các khoản lệ phí, chi phí. Ví dụ, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp được sử dụng 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, 5% mức chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài; Sở Tư pháp được sử dụng 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài…; Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được sự dụng 85% mức chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài…

Thể chế pháp lý tương đối hoàn thiện, nhưng tính đến 15.8. 2011, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp mới chỉ nhận được Kế hoạch triển khai thực hiện Luật của 37 Sở Tư pháp, còn 26 tỉnh thành khác chưa có kế hoạch này. Mặc dù, theo kế hoạch, sau các lớp tập huấn về việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi và NĐ19, Sở Tư pháp sẽ tiến hành tập huấn thực hiện Luật cho cán bộ tư pháp và các cơ quan liên quan ở cấp huyện, UBND cấp xã và cán bộ tư pháp hộ tịch địa phương.

Chờ hướng dẫn… mở tài khoản

Đối với những địa phương đã triển khai kế hoạch thì gặp một khó khăn khác đó là việc lập dự toán để sử dụng khoản chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài. Theo quy định của Điều 12, Khoản 2 Luật Nuôi con nuôi và Điều 49 NĐ19 thì cơ quan thu chuyển 95% mức chi phí cho ngân sách cấp tỉnh để phân bổ sử dụng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, trong đó: 70% mức chi phí được sử dụng vào việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và cải thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu, lợi ích của trẻ em; 15% mức chi phí được bổ sung quỹ lương và nâng cao năng lực cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng…

Tuy nhiên, nhiều địa phương không thống nhất trong việc điều chuyển ngân sách, nên chưa cung cấp cho Cục Con nuôi tên chủ tài khoản tiếp nhận khoản chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Thực chất của vấn đề này chính là các địa phương chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xác định ai là chủ tài khoản, mặc dù đối tượng hưởng lợi từ các khoản chi trên là trẻ em tại các cơ sở nuôi dưỡng. Thực tế, rất nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đang gặp khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Thậm chí có cơ sở nuôi dưỡng còn cho biết, mặc dù họ được nhận khoản chi phí này, nhưng lại bị trừ vào phần ngân sách do tỉnh cấp hàng năm. Tình trạng trên dẫn đến hậu quả, nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em không chủ động lập hồ sơ và cũng không thông báo cho Sở Tư pháp danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế trong nước theo quy định của pháp luật, thậm chí đã có một số trẻ em bị chết do cơ sở nuôi dưỡng không đủ kinh phí để chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Hiện tại mới chỉ có Quảng Bình và Lạng Sơn gửi báo cáo cho Cục Con nuôi về phương án giải quyết vấn đề này. Nhiều tỉnh đang chờ hướng dẫn của bộ, nhất là về việc mở tài khoản tại sở/ban/ngành nào của tỉnh để nhận khoản chi phí do Cục Con nuôi chuyển về, cũng như cách thức sử dụng khoản chi phí đó, kể các chế độ thanh, quyết toán.

Bên cạnh đó, hiện nhiều Sở Tư pháp còn lúng túng trong việc lập dự toán chi, nhất là việc xác định mức chi cụ thể từ lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài cho các hoạt động chuyên môn đặc thù theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 của NĐ 19. Bởi từ trước tới nay chưa có tiền lệ về các khoản chi này, chẳng hạn như: mức chi cho việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ của cha mẹ nuôi; lấy ý kiến chuyên gia tâm lý, gia đình, y tế, xã hội để đánh giá toàn diện về hồ sơ cha mẹ; mức chi cho việc tập hợp, theo dõi, tổng hợp và đánh giá báo cáo về tình trạng phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài (theo quy định của Công ước La hay)… Ngay cả Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp cũng gặp lúng túng trong việc lập dự toán để sử dụng khoản tiền được trích lại từ chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Thực tế, đây là khoản tiền do cha, mẹ nuôi nước ngoài đóng góp. Do đó chỉ có một yêu cầu được đặt ra sử dụng đúng mục đích và hiệu quả khoản chi phí này. Cục Con nuôi có trách nhiệm báo cáo công khai, minh bạch cho Ban thường trực Hội nghị Lahay – cơ quan theo dõi thi hành Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi – và các Cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế của các nước, cũng như công khai và minh bạch với các tổ chức con nuôi nước ngoài và cha mẹ nuôi nước ngoài về khoản thu này khi có yêu cầu. Vậy thì có phức tạp đến mức không tìm được một tổ chức đứng tên tài khoản, hay do lúng túng trong mức chi? Mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều, nếu đứng ở góc độ quyền lợi của các trẻ ở các cơ sở nuôi dưỡng.

Phùng Hương

Nguồn: nguoidaibieu.com.vn

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *