TẢN MẠN CUỐI TUẦN: KỶ CƯƠNG

(TT&VH) – Cách đây chưa lâu, hẳn chúng ta nhiều người biết chuyện một cậu bé người Mỹ 14 tuổi đã xịt sơn lên kính một chiếc xe hơi ở Singapore. Chiếu theo luật, chính quyền Singapore đã quyết định phạt cậu bé người Mỹ kia 6 roi. Bất chấp sự can thiệp của phía Mỹ, bất chấp nguy cơ chuyện bé xé ra to, ở khía cạnh chính trị hay ngoại giao, cậu bé hư kia vẫn bị 6 roi vào mông. Đấy là kỷ cương của quốc gia Singapore.

(TT&VH) – Cách đây chưa lâu, hẳn chúng ta nhiều người biết chuyện một cậu bé người Mỹ 14 tuổi đã xịt sơn lên kính một chiếc xe hơi ở Singapore. Chiếu theo luật, chính quyền Singapore đã quyết định phạt cậu bé người Mỹ kia 6 roi. Bất chấp sự can thiệp của phía Mỹ, bất chấp nguy cơ chuyện bé xé ra to, ở khía cạnh chính trị hay ngoại giao, cậu bé hư kia vẫn bị 6 roi vào mông. Đấy là kỷ cương của quốc gia Singapore. Tuân thủ và thực thi hiến pháp và pháp luật mức độ nào, là thước đo kỷ cương của một quốc gia. Chính quyền Singapore bỏ qua 6 roi cho cậu bé người Mỹ mắc lỗi chẳng quá khó, nhưng họ không làm thế bởi nếu tha thì chẳng khác gì đánh một roi vào kỷ cương nước nhà. Nguy hại hơn, nguy cơ những cậu bé Singapore mắc lỗi có thể sẽ cao đột biến, vì các em nghĩ rằng cũng sẽ được tha bổng như chú bé người Mỹ kia.

Nếu VFF xử ngôi sao Công Vinh sau vụ tế sống trọng tài một cách nghiêm khắc, đúng luật, thì họ sẽ được rất nhiều, nhất là thể hiện được kỷ cương. Thế nhưng, họ đã làm ngược lại với những chiêu thức nhằm để cứu Công Vinh không thể chấp nhận được: sai luật, thiếu tôn trọng ngay cả chính “người trong nhà” của họ. Vậy thì, làm sao VFF có thể khiến những người tham gia cuộc chơi phải tôn trọng luật, quy chế, điều lệ, quy định kỷ luật.

Có thể dễ dàng nhận ra rằng, bóng đá ta đang “loạn”: loạn ở các văn bản pháp quy. Rõ nhất quy định kỷ luật cứ “vỡ” liên tục, không bắt kịp thực tiễn khiến cho những bản án kỷ luật đưa ra thiếu tính thuyết phục. Bản thân bộ phận hành pháp luôn bị đẩy vào thế lúng túng, xử nặng cũng sợ mà nhẹ cũng không yên. Khổ hơn, họ luôn bị các đội tìm chỗ hở để bẻ lại luật.

Nhiều khán đài loạn theo cấp số nhân. Vậy mà, hình thức xử lý quá nhẹ, như sân Lạch Tray mới đây cũng chỉ bị phạt tiền (vì không tính các năm trước vi phạm). Trên sân cũng loạn khi cảnh bạo lực leo thang, các cầu thủ hành xử với đồng nghiệp như kiểu kẻ thù của nhau. Rồi nhà báo bị BTC sân đối xử như “tội phạm”. Cay đắng hơn, những phản ứng của VFF chẳng khác gì tiếp tay cho BTC sân Thiên Trường. Rồi cách người ta đối xử tàn nhẫn với HLV trưởng, thị trường chuyển nhượng bát nháo, cầu thủ chưa tài đã tật, đã không là chuyện lạ…

Bóng đá chuyên nghiệp phát triển theo quy luật thị trường, có nghĩa không thể đi chệch định hướng chung. Thế mà, những dấu hiệu loạn, thiếu kỷ cương đang diễn biến ngày càng phức tạp. Nên nhớ, mùa giải 2010 mới chỉ diễn ra 8 vòng, phía trước chắc chắn còn nhiều sự kiện nóng và thách thức năng lực của VFF.

Đến đây, cần đặt ra câu hỏi: khi không đủ năng lực kiểm soát được mọi thứ, có cần thiết phải tạm dừng giải, có cần phải tổ chức “chỉnh huấn” tất cả những thành viên tham gia bóng đá, kể cả VFF?

Hay là phải tiếp tục phát triển bóng đá chuyên nghiệp trong tình trạng như người mù vừa đi vừa quờ quạng tìm đường, tính kỷ cương bị xem thường ở mọi cấp. Hay là phải chờ đến những “cái chết” thật, kiểu như bạo loạn sân Vinh năm 2008, mới tỉnh ngộ và người của VFF (Trưởng giải) mới bị “đánh roi”!

Tuần nào cũng thon thót xem bóng đá, đấy không phải là sự phát triển lành mạnh của bóng đá chuyên nghiệp!

NGỌC HÒA
Theo Thể thao & Văn Hóa

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *