ÔNG BỤT CỦA BỆNH NHÂN NGHÈO

Thầy tên Đỗ Quang Hạnh – một thầy giáo THCS đã nghỉ hưu ở xứ dừa Bến Tre. Cuộc sống khó khăn của một ông giáo già chẳng phải là trở ngại trên con đường hành thiện. Thầy bảo: “Mình nghèo thì có uy tín và tình thương giúp chữa lành phần nào nỗi đau trên da thịt và tâm hồn con người”.

TT – Cứ mươi phút, điện thoại di động trên tay thầy lại rung lên bởi cuộc gọi từ các số máy lạ. Người nhờ thầy chỉ dẫn thủ tục xin miễn giảm viện phí, người thông báo rằng mình sắp được phẫu thuật…
Thầy Hạnh thăm hỏi một người bệnh – Ảnh: MỄ THUẬNThầy tên Đỗ Quang Hạnh – một thầy giáo THCS đã nghỉ hưu ở xứ dừa Bến Tre. Cuộc sống khó khăn của một ông giáo già chẳng phải là trở ngại trên con đường hành thiện. Thầy bảo: “Mình nghèo thì có uy tín và tình thương giúp chữa lành phần nào nỗi đau trên da thịt và tâm hồn con người”.

Quan niệm này đã giúp thầy sau 18 năm hành thiện có thể cứu giúp cho hơn 600 bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim, môi, mắt… miễn phí hoặc được giảm 50% chi phí.

“Thầy Hạnh ơi, nhà tôi nghèo thật”

Đó là nội dung mấu chốt của không biết bao nhiêu cuộc gọi từ các số lạ gọi vào điện thoại di động của thầy Hạnh từ nhiều năm qua. Người gọi thường là thân nhân của những bệnh nhân đang lâm vào thế hiểm nghèo: nhà quá khó lại phải đối mặt với những căn bệnh cần chữa trị bằng những ca phẫu thuật tốn kém vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng.

Sau khi người gọi đã bình tĩnh là lúc thầy sẻ chia thông tin, chỉ dẫn sơ bộ các thủ tục giấy tờ cần thiết để được xin miễn giảm chi phí chữa trị tại các bệnh viện. Cuối cùng xin địa chỉ bệnh nhân để rồi đích thân thầy đến tận nơi cư ngụ của họ làm công việc xác minh tình trạng khốn khó thực tế của người bệnh.

Kết quả xác minh được thầy gửi đến các bệnh viện, từ đó thông qua uy tín của cá nhân thầy, các bệnh viện chấp nhận đơn xin miễn giảm viện phí ở những mức độ hợp lý nhất cho từng hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân. Thậm chí có nhiều trường hợp bệnh nhân đã được chính quyền địa phương xác nhận trên giấy là diện hộ nghèo khó thì vẫn có bệnh viện muốn nhờ thầy xác nhận lại cho chắc.

Không dừng lại, thầy Hạnh còn muốn mọi người quanh mình cùng làm từ thiện khi chủ trương mở nhà ăn tình thương An Lạc tại TP Bến Tre để giúp bữa ăn trưa mỗi ngày cho gần 500 đối tượng nghèo khó, cơ nhỡ xung quanh mình.

“Nhà ăn là nơi mọi người thay phiên nhau đến làm công việc đi chợ, nấu nướng, đóng gói và giao cơm đến tận các địa chỉ cần cứu giúp… nên ai cũng có thể làm việc tốt bằng khả năng góp sức của mình” – thầy Hạnh nói.

Trong một giấy chứng thực tình trạng khó khăn của một bệnh nhi gửi Viện Tim TP.HCM ghi ngày 7-6-2010, thầy Hạnh viết: “Cha Đoàn Thanh Tuấn, sinh năm 1981, quê An Giang. Kiếm sống tại một lò đúc gang ở Sài Gòn. Lương là 1.600.000 đồng/tháng, không được mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế gì cả. Mẹ là Phan Thị Kiều Oanh, sinh năm 1986, quê Đồng Tháp. Từ lúc sinh con là nghỉ lao động luôn, ở nhà chăm con”.

Nếu không nhiệt tâm trong công việc xác thực hoàn cảnh của bệnh nhi mới 22 tháng tuổi này thì trong phần tiếp theo thầy Hạnh khó có thể viết chi tiết đến thế: “Sinh hoạt của cả nhà một tháng cho tiền ăn, ở, điện nước và thuê phòng trọ (ở Bình Chánh, TP.HCM) là khoảng 1.950.000 đồng. Ông bà nội và chú bác cùng ở chung nhà trọ này để đi làm công lặt vặt kiếm sống. Ông bà ngoại có chín con, ở Đồng Tháp, cũng rất nghèo…”.

Từ tất cả thực tế đó, thầy thiết tha đề nghị Viện Tim: “Ngoài quyền lợi bảo hiểm y tế trẻ em bệnh nhân được hưởng, xin Viện Tim giúp đỡ miễn 100% chi phí mổ và viện phí cho bệnh nhi Nhiên. Hiện tại mẹ cứ ôm con mà khóc suốt, rất thương tâm”.

Cô Trinh Ngọc Mai  – phòng trợ giúp xã hội Viện Tim – nhận định: “Chính sự tận tình đi thực tế, thậm chí có lúc thầy hết xăng phải lấy tiền vợ hoặc  mượn bạn bè để có xăng đi – như thầy kể, đã làm nên uy tín của thầy với bản thân tôi và bác sĩ của các bệnh viện khác kể từ khi thầy còn công tác ở Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bến Tre từ 20 năm trước”.

Với các bệnh viện như Viện Tim, Bệnh viện Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chợ Rẫy… thầy Hạnh giờ đây đã là một nguồn tin đáng tin cậy để họ quyết định mức độ miễn giảm chi phí phẫu thuật, viện phí cho các bệnh nhân nghèo.

“Thầy Hạnh như cha mẹ sinh ra tôi lần thứ hai”

Nguyễn Thị Thảo – làm nghề uốn tóc, 31 tuổi, ở xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre – nói như thế về thầy Hạnh. Với Thảo, thầy là người hoàn toàn xa lạ. Nhưng từ khi biết hoàn cảnh khốn khó của gia đình Thảo, thầy đã bằng mọi cách giúp để Thảo được phẫu thuật tim mà chỉ tốn 18 triệu đồng.

Lục lại hồ sơ bệnh án, Thảo được Viện Tim TP.HCM xác định bệnh hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ… phải mổ với chi phí khoảng 80 triệu đồng. Thảo nói: “Lúc nghe bệnh và chi phí chữa trị, tui vô cùng tuyệt vọng. Bởi con còn quá nhỏ, chồng chỉ làm mướn qua ngày nên tiền đâu mà mổ!”. Vậy là Thảo cứ âm thầm mang bệnh suốt ba năm ròng rã. Cho tới khi được giới thiệu thầy Hạnh thì tình trạng bệnh của Thảo đã trầm trọng.

“Tôi đã phải xốc tinh thần con bé dậy. Mình không quyết tâm thì con bé sẽ chết” – thầy Hạnh nhớ lại.

Vì nghèo mà ngâm bệnh chờ… chết như Thảo, trớ trêu thay là hoàn cảnh rất thật của không ít bệnh nhân nghèo ở khắp các nơi mà thầy Hạnh đặt chân đến. Trong số những ca đó, có ca như chị Trần Thị Hồng Em – 47 tuổi, xã Thuận Điền, Giồng Trôm, Bến Tre – chấp nhận sống chung với bệnh hơn 10 năm cho tới khi gặp được thầy Hạnh.

Lúc gặp thầy, chị Hồng Em gầy rộc, nước da đã tái mét. Với các ca bệnh tim, thầy Hạnh cho biết việc can thiệp càng sớm chừng nào càng hiệu quả chừng ấy. Chính vì thế mà ngay sau hôm tiếp xúc với chị Hồng Em, trong ngày 9-6-2010 thầy Hạnh đã làm xong thủ tục cho chị nhập Viện Tim.

Để rồi chỉ trong vòng một tháng sau, ca phẫu thuật tim cho chị Hồng Em chỉ tốn 20 triệu thay vì 70 triệu đồng, đã có được kết quả mỹ mãn.

MỄ THUẬN

 

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *