“ĐÊM NAY MỚI THẬT LÀ ĐÊM”

Ghé qua chợ đêm Đồng Xuân vào ngày cuối tuần nghe hát xẩm, mới thấy khách xem, chủ yếu là thanh niên và du khách nước ngoài. Tôi tìm gặp người phụ trách hỏi thì được biết, chiếu xẩm đang trở thành món ăn tinh thần đặc sắc đối với du khách chợ đêm. Ông cho biết thêm, việc này đã kéo dài 5 năm qua và không đêm nào vắng người xem cả.

(ANTĐ) – Hát xẩm đã xuất hiện ở Hà Nội hàng trăm năm qua. Mối thiên duyên kỳ diệu của làn điệu xẩm trong muôn vàn loại hình văn hóa dân gian góp thêm cho Hà Nội nét đặc sắc trong không gian văn hóa hiếm nơi nào có được.

Hát xẩm nay…

…“Đêm nay mới thật là đêm. Ai đem trăng tưới lên trên vườn chè”… Lời bài thơ “Giăng sáng vườn chè” mộc mạc, ấy vậy mà khi được xướng tấu với song nguyệt, đàn bầu, cặp kè, đàn nhị như rót mật vào tai.

Ghé qua chợ đêm Đồng Xuân vào ngày cuối tuần nghe hát xẩm, mới thấy khách xem, chủ yếu là thanh niên và du khách nước ngoài. Tôi tìm gặp người phụ trách hỏi thì được biết, chiếu xẩm đang trở thành món ăn tinh thần đặc sắc đối với du khách chợ đêm. Ông cho biết thêm, việc này đã kéo dài 5 năm qua và không đêm nào vắng người xem cả.

Ở Hà Nội, không ai không biết chiếu xẩm, nếu như đã từng sống ở thời kỳ những năm 40-50 của thế kỷ XX. Và nay, nét văn hóa của Hà Nội 36 phố phường một thời đang sống lại, sống bằng chính sức sống của người yêu mến âm hưởng dân dã, mà không cần xây dựng một nhà hát lộng lẫy, như những loại hình nghệ thuật khác.

“Cách đây 5 năm, ở góc chợ này tôi đã giới thiệu cho du khách những điệu “Giăng sáng vườn chè” với tiếng song nguyệt, cặp kè trống, phách, khi ấy ước nguyện chỉ dám mơ được giới thiệu không ngờ nó lại được đón nhận đầy hào hứng của người chơi chợ đêm”. Ông Thao Giang phấn khởi nói về thời gian tái xuất của hát xẩm.

Những làn điệu xẩm không hoa mỹ, cũng không tầm thường, mà tiềm tàng trong đó là những tích cốt của thơ ca, hò vè, thường đi với nhạc cụ dân gian được người nước ngoài tấm tắc khen, trầm trồ thưởng thức. Đối với người yêu mến hát xẩm, điều đó như chất xúc tác cho chiếu xẩm có cơ hội thăng hoa. Điều vui hơn đối với những người “xướng xẩm”, không phải là tiền thu về nhiều, mà hơn cả là có rất đông thanh niên háo hức chờ đợi nghe, xem tìm hiểu và tìm đến học hát xẩm sau những đêm như thế.

…và nghệ nhân xẩm xưa

Ông Nguyễn Văn Gia, năm nay 67 tuổi được tôn vinh là nghệ nhân xẩm cuối cùng của Hà Nội. Ông cũng là một trong những người thường xuyên có mặt cho những đêm diễn xướng tại chợ đêm Đồng Xuân. Khi trò chuyện về việc trở thành nghệ nhân ông Gia trăn trở, bởi theo cách suy nghĩ của ông “điều cần nhất là nó sống và lưu giữ được cho muôn đời sau” chứ nghệ danh hay nghệ nhân chỉ là điều phù phiếm. Ông Gia đã từng sống nhờ vào nó, nhưng quan trọng hơn là vì ông mê xẩm, mê những câu hát mộc mạc trong cuộc sống được chắp nối bởi tiếng song nguyệt, nhị cầm.

“Việc chúng ta đưa nghệ thuật dân gian trở thành nét văn hóa đặc trưng cho Hà Nội, cho Việt Nam không phải để gắn cho nó mác này mác kia, mà để nó thực sự là “đặc sản” tinh thần trong lòng người mến mộ. Đó mới là điều cần phải suy nghĩ. Tôi ngỡ, những thứ nhạc cụ đàn nhị, song nguyệt của tôi xưa kia, giờ chỉ để treo trên tường làm kỷ niệm riêng cho mình” – ông Gia hào hứng nói về những đêm được sống lại một thời hát xẩm của mình. Ông vui thực lòng. Vui vì trong hàng nghìn vạn trò chơi, băng đĩa xô bồ, ồ ạt mà chiếu xẩm vẫn có chỗ đứng vững. Không quảng cáo rầm rộ, không rao vặt, tờ rơi, không băng rôn hoa mỹ, không nhà hát lộng lẫy… Vậy mà nhiều người tìm đến xẩm như một lẽ đam mê vậy.

Ai đó từng nói, thương hiệu không phải để ghi danh, mà thương hiệu là tự thân nó làm cho công chúng thấy được giá trị, cái hay, cái đẹp. Cũng như thế, hát xẩm tự nó hồi sinh dưới sự diễn xướng của những người đam mê. Nói như ông Thao Giang – thành viên của chiếu xẩm chợ đêm Đồng Xuân – thì “điều vui nhất là hát xẩm diễn ra 5 năm qua, thì cũng ngần ấy thời gian chưa đêm nào vắng khách, ngay cả những đêm lạnh giá”. Mừng thật, vì đó là dấu hiệu để giấc mơ hồi sinh “dòng nhạc nón mê kính râm” này có thể trở thành hiện thực.

Từ những đêm diễn ban đầu, giờ đây đã có một lớp học riêng về loại hình nghệ thuật hát xẩm. Chẳng quảng bá, cũng không hô hào, mà các nam nữ thanh niên tự tìm đến xin học khá đông. Mới chỉ ngoài 20 tuổi nhưng họ rất hào hứng theo đuổi học hát xẩm.

Giờ đây, việc lo lắng cho chiếu xẩm có nơi dừng chân đàn hát không còn nhiều nữa. Rất nhiều câu lạc bộ để đàn nhị, song nguyệt, cặp kè tấu khúc thơ ca. Người mang trong tâm hồn sênh, phách sau nhiều năm tiếc nuối làn điệu dân gian này, bây giờ đã sẵn sàng truyền lại cho lớp trẻ có nhiệt huyết. Đó là điều mà nghệ nhân hát xẩm muốn làm và đang làm. Tuy nhiên, hát xẩm vẫn đang hồi sinh theo kiểu… tự phát. Tiếc thay!

Nhã Linh

(Theo An ninh Thủ Đô)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *