MUA BÁN SÁP NHẬP: KIÊN NHẪN VƯỢT QUA BẤT ĐỒNG

09/08/2013 10:06 (GMT + 7) TT – Tại diễn đàn Mua bán sáp nhập (M&A) 2013 do báo Đầu Tư tổ chức ngày 8-8, các chuyên gia khẳng định thông qua các vụ M&A, nhiều doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh lên, nhưng cũng có không ít thương hiệu biến mất.

Ông Võ Trí Thành phát biểu tại diễn đàn Mua bán sáp nhập 2013 – Ảnh: T.Đạm

Làm sao để “sống chung” với đối tác một cách hòa thuận mà không bị thôn tính luôn là một thách thức của doanh nghiệp VN.

Xu hướng tất yếu

Ông John Ditty, chủ tịch kiêm giám đốc Công ty KPMG VN, khẳng định dù số lượng giao dịch M&A tại VN trong nửa đầu năm 2013 giảm nhẹ, nhưng diễn biến thị trường nửa năm còn lại sẽ sáng sủa hơn, khi các thương vụ đang trong giai đoạn thực hiện tiến tới hoàn tất. “Đến cuối năm 2013, con số thương vụ mua bán sáp nhập và phát hành cổ phần riêng lẻ ở VN có thể xấp xỉ bằng năm ngoái với khoảng 300 thương vụ” – ông John Ditty dự báo.

Theo ông Đặng Xuân Minh – Công ty AVM Vietnam, trước năm 2009 nói đến M&A người ta chỉ nghĩ đến các thương vụ nước ngoài mua lại hoặc đầu tư vào doanh nghiệp VN. Tuy vậy, kể từ năm 2009-2013, hiện tượng các doanh nghiệp VN thực hiện M&A đã ngày càng phổ biến và chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương vụ M&A tại VN. Có thể nhìn thấy qua những câu chuyện tăng trưởng từ các thương vụ M&A của Masan, Kinh Đô, Hùng Vương, Vingroup, Viettel, Doji…

Ông Masataka “Sam” Yoshida, giám đốc điều hành cấp cao RECOF, cho biết VN đứng thứ năm về các thương vụ M&A của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài, đa số doanh nghiệp Nhật đều có mối quan tâm về hoạt động đầu tư tại VN. Các lĩnh vực sáng giá như sản xuất hàng tiêu dùng, dược, nông nghiệp và bán lẻ rất hấp dẫn các nhà đầu tư gắn với sự gia tăng dân số, tầng lớp trung lưu, kinh tế phát triển ở VN.

Dự báo về thị trường M&A thời gian tới, ông David Blackhall – giám đốc điều hành VinaLand – cho biết hiện rất nhiều nhà đầu tư quốc tế nhờ VinaLand tìm hiểu và cung cấp thông tin về cơ hội trên lĩnh vực bất động sản và các ngành nghề sản xuất khác. “So với một số nước trong khu vực, VN vẫn đảm bảo được mức độ an toàn hơn, vì vậy sẽ có nhiều M&A diễn ra trong thời gian tới” – ông David Blackhall nhấn mạnh.

“Bán mình” không dễ

Ông Cao Tiến Vị, chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn, kể vào năm 2011, đứng trước con đường tìm đối tác chiến lược mở rộng phát triển thương hiệu hay thu hẹp hoạt động sản xuất, doanh nghiệp này đã chấp nhận hợp tác với đối tác Nhật Bản với tỉ lệ tăng dần lên đến 48% cổ phần. Mục tiêu lúc ấy là nhằm mở rộng thị trường, tiếp cận được toàn diện về kỹ thuật, công nghệ, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực từ Công ty Daio, một công ty sản xuất giấy đứng thứ 3 ở Nhật.

Sau ba năm hợp tác, ông Vị thừa nhận không phải mục tiêu nào cũng đạt được. Tăng trưởng vẫn giữ đều nhưng hiệu quả thì hạn chế hơn do có nhiều sự thay đổi. Mục đích xuất khẩu mở rộng sang thị trường Nhật Bản cũng không đạt được, do Giấy Sài Gòn vẫn tự thân vận động. Đối tác không giúp được nhiều vì cũng gặp khó khăn ở thị trường nội địa Nhật Bản, thành ra về chiến lược lâu dài đặt ra như ban đầu xem như thất bại.

“Thật ra, Giấy Sài Gòn có đặc thù riêng, gặp đối tác khá tử tế nên cũng qua được nhiều sóng gió. Tuy vậy trong quá trình hợp tác có không ít bất đồng mà mình phải kiên nhẫn để vượt qua. Những va chạm ấy khó để nói đúng sai mỗi bên nhưng đến bây giờ cũng tạm ổn, doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển thêm” – ông Cao Tiến Vị nói. Theo ông Vị, M&A còn liên quan đến quan điểm kinh doanh và năng lực tài chính. Doanh nghiệp VN thiếu kinh nghiệm khó chống đỡ nổi trước nước cờ “cá lớn nuốt cá bé” của doanh nghiệp nước ngoài.

Một lãnh đạo Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) từng cay đắng thừa nhận đã sai lầm khi nhắc đến mối quan hệ hợp tác với Lotte. Vị này chia sẻ thời gian qua “hôn nhân” với Lotte diễn ra không như mong muốn, nếu như không muốn nói là đi ngược lại mục tiêu ban đầu. Hàng loạt mâu thuẫn trong chiến lược phát triển, quản trị doanh nghiệp liên tiếp xảy ra, mà đỉnh điểm là việc Lotte muốn đổi tên Bibica thành Lotte – Bibica. “Khi một người lạ vào nhà, họ muốn chi phối mình thì ắt sẽ xảy ra lục đục, nhất là khi đụng chạm đến quyền lợi” – vị này nói.

Theo ông John Ditty, những nghiên cứu gần đây cho thấy các doanh nghiệp VN vẫn còn khá chật vật thay đổi sau khi vốn ngoại đổ vào như thay đổi quản trị doanh nghiệp, cơ cấu nhân sự… Thực tế để tìm được đối tác mạnh có cùng tầm nhìn, con đường phát triển trên thị trường ở VN là không dễ. Ông Ditty cho rằng hầu hết những M&A thất bại là do hai bên thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Không tìm được tiếng nói chung trong chiến lược phát triển, mục tiêu lâu dài.

Trong khi đó, ông Masataka “Sam” Yoshida – giám đốc điều hành cấp cao RECOF, đơn vị từng thực hiện hơn 1.000 thương vụ M&A, trong đó có vài chục thương vụ giữa doanh nghiệp Nhật Bản và VN – cho rằng trong M&A, cả bên mua lẫn bên bán đều mong muốn điều có lợi nhất, phải dung hòa, uyển chuyển thì mới tìm được lối ra. “Không nên quá lo lắng sẽ bị thôn tính vì M&A là xu thế tất yếu, quan trọng là chọn đúng đối tác, và bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị thật tốt về nội lực, chiến lược phát triển, quản trị…” – ông Masataka “Sam” Yoshida nói.

NHƯ BÌNH

(Nguồn: Báo tuổi trẻ)

Cần hỗ trợ thủ tục pháp lý

Nói về những vấn đề khó của các thương vụ M&A, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Đặng Huy Đông cho biết đến nay VN vẫn chưa có nghiên cứu nào bài bản về khung pháp lý cho lĩnh vực này. M&A không có ranh giới rõ ràng vì bị chi phối nhiều lĩnh vực, quy định khác nhau. Theo ông Đông, thời gian tới cần có sự quan tâm đúng mức để có thể có nền tảng về pháp lý cho doanh nghiệp vận dụng trong các giao dịch M&A. Ông Võ Trí Thành – phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương – nhận định M&A là lĩnh vực khó có khuôn mẫu rõ ràng do liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp lý, môi trường xã hội, độ mở của nền kinh tế, rồi cấu trúc của doanh nghiệp, đến sự chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp…

ÁN XỬ ĐI XỬ LẠI – BÀI 1: BỊ HỦY ÁN, XỬ LẠI Y NHƯ CŨ

19/08/2013 – 06:15

Có những vụ án kéo dài vì quan điểm của các cấp tòa khác nhau, thậm chí không ít vụ cấp giám đốc thẩm hủy án, sau đó cấp dưới xử lại y như cũ…

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng, Dầu Tiếng, Bình Dương) đang đôn đáo gửi đơn kiến nghị giám đốc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất mà chồng bà là bị đơn. Chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời khi vụ án kéo dài hơn bảy năm qua chưa giải quyết xong. Bà Hạnh phải “đóng hai vai”, vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vừa là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của chồng.

Kiện con đòi đất

Trong vụ kiện này, nguyên đơn là bà Phạm Thị Ngọc Như, mẹ ruột của chồng bà Hạnh. Theo đơn khởi kiện của bà Như, năm 1988, bà giao cho chồng bà Hạnh (con trưởng) quản lý, sử dụng khoảng 5.000 mđất. Năm 1995, bà Như và bốn người con khác làm thỏa thuận công nhận phần đất trên là tài sản chung chưa chia, chỉ để cho chồng bà Hạnh tạm thời canh tác. Năm 2001, bà Như ký tên cho đứt chồng bà Hạnh hơn 1.000 m(trong tổng diện tích 5.000 m2 đang giao cho chồng bà Hạnh quản lý, sử dụng). Sau đó, chồng bà Hạnh làm thủ tục kê khai hơn 1.000 m2này chung với phần đất mà ông khai hoang mở rộng, đến năm 2002 thì được cấp giấy đỏ đứng tên ông.

Chồng bà Hạnh và phần đất tranh chấp. Ảnh: CTV

Đầu năm 2006, bà Như khởi kiện đòi lại hơn 1.000 m2 đất đã cho chồng bà Hạnh. Chồng bà Hạnh không đồng ý, cho rằng sau khi bà Như cho đất, ông đã nhập vào phần đất khai hoang, mở rộng thêm rồi kê khai, được cấp giấy đỏ, nay bà Như đòi lại là không có cơ sở. Chưa kể, sau đó ông đã cắt đất để cho con gái và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cấp giấy đỏ riêng…

Mỗi tòa một quan điểm

Tháng 7-2006, TAND huyện Dầu Tiếng đã xử sơ thẩm lần đầu, chấp nhận yêu cầu của bà Như, buộc chồng bà Hạnh phải trả lại hơn 1.000 m2đất đang tranh chấp. Tòa cũng kiến nghị UBND huyện thu hồi các giấy đỏ để điều chỉnh lại cho phù hợp…

Chồng bà Hạnh kháng cáo. Đầu năm 2007, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần đầu, quyết định như án sơ thẩm nhưng có sửa chữa nội dung là buộc chồng bà Hạnh và con gái phải trả lại cho bà Như 1.080 m2 đất. Tòa cũng buộc bà Như phải hoàn lại cho người con gái của vợ chồng bà Hạnh hơn 75 triệu đồng tiền đã xây nhà, đầu tư trên đất…

Chồng bà Hạnh làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 1-2010, chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm vì có vi phạm nghiêm trọng cả về thủ tục lẫn việc xác định chứng cứ. Bởi lẽ ngoài lời khai thì bà Như không xuất trình được chứng cứ chứng minh đất của bà chính là phần đất mà chồng bà Hạnh đang sử dụng. Trường hợp nếu đúng thì việc hai cấp tòa tuyên chồng bà Hạnh phải trả đất cho bà Như cũng không chính xác…

Năm tháng sau, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao và tuyên hủy hai bản án trên, giao hồ sơ về cho TAND huyện Dầu Tiếng xử sơ thẩm lại. Tòa Dân sự nhận định: Bà Như đòi chồng bà Hạnh trả lại một phần đất mà ông đang sử dụng và đã được cấp giấy. Chồng bà Hạnh thì cho rằng ngoài đất mẹ cho, ông còn khai hoang mở rộng thêm và đều được cấp giấy đỏ. Lẽ ra tòa hai cấp phải làm rõ thửa đất mà chồng bà Hạnh đang sử dụng có đúng là thửa đất của bà Như hay không, có việc chồng bà Hạnh khai hoang mở rộng thêm hay không, nếu có thì diện tích bao nhiêu. Mặt khác, chồng bà Như (tức cha chồng bà Hạnh) chết từ năm 1984, đã hết thời hiệu khởi kiện chia phần đất di sản thừa kế của ông này để lại. Án sơ, phúc thẩm chưa làm rõ phần đất này do ai đang quản lý, sử dụng.

Bên cạnh đó, về mặt tố tụng, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm còn thiếu sót khi không đưa bốn người em của chồng bà Hạnh vào tham gia tố tụng để làm rõ việc chồng bà Hạnh có được mẹ cho đất hay không, nếu có thì cho bao nhiêu. Ngoài ra, hai cấp tòa cũng không đưa bà Hạnh vào tham gia tố tụng là không đúng…

Trên “chỉ”, dưới không “nghe”

Tháng 8-2011, TAND huyện Dầu Tiếng đã xử sơ thẩm lần hai, chỉ bổ sung thiếu sót về tố tụng bằng cách đưa bà Hạnh và bốn người em của chồng bà Hạnh tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Về mặt nội dung, tòa vẫn tuyên y như lần xử trước, buộc chồng bà Hạnh phải trả cho bà Như hơn 1.000 m2 đất.

Chồng bà Hạnh lại kháng cáo. Trong thời gian chờ TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần hai thì ông bị bệnh nặng và qua đời. Lúc này, bà Hạnh thừa kế nghĩa vụ của chồng và tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Tháng 1-2013, TAND tỉnh Bình Dương đã xử phúc thẩm lần hai, tiếp tục sửa một phần án sơ thẩm nhưng vẫn công nhận cho bà Như phần diện tích đất tranh chấp.

Sau phiên phúc thẩm, bà Hạnh lại gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm đề nghị hủy hai bản án trên. Bà cho rằng trong quá trình giải quyết lại vụ kiện, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chưa làm rõ các thiếu sót mà quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao và quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự TAND Tối cao đã chỉ ra…

Một số vụ xử đi xử lại

– Năm 1990, bà T. mua một căn nhà ở quận 7 (TP.HCM) nhưng không có hộ khẩu TP nên nhờ ông S. đứng tên giùm. Sau đó ông S. vi phạm pháp luật, bị khởi tố, căn nhà cũng bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Bà T. khởi kiện yêu cầu được trả lại nhà. Xử sơ thẩm lần đầu, TAND TP tuyên trả nhà cho bà. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại cho rằng nhà thuộc sở hữu của ông S. Hai bản án sơ, phúc thẩm bị TAND Tối cao họp giám đốc thẩm hủy. Vụ kiện quay lại từ đầu, rồi hai bản án sơ, phúc thẩm lần hai lại bị TAND Tối cao hủy… Tổng cộng, thời gian giải quyết vụ án này kéo dài đến hơn 10 năm.

– Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh một vụ tranh chấp mua bán nhà tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Trong hợp đồng mua bán có điều khoản cho phép các bên đương sự có quyền đổi ý và bị chế tài tương ứng. Sau đó bên bán không bán nữa nên xảy ra tranh chấp, phải ra tòa. Quá trình xét xử, các cấp tòa có nhiều quan điểm khác nhau nên vụ án phải trải qua hai lần xử phúc thẩm, hai lần cấp giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xử lại. Các cấp tòa cứ xử đi xử lại suốt gần 20 năm trời…

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

ÁN XỬ ĐI XỬ LẠI – BÀI 2: XỬ THEO TÒA CẤP TRÊN, CÓ ĐỘC LẬP?

20/08/2013 – 06:15

Để khắc phục án xử đi xử lại vẫn như cũ, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình kiến nghị quy định tòa cấp dưới phải tuân theo đường lối xét xử của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Kiến nghị này đã gây tranh cãi…

Tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội hồi tháng 6-2013, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng có tình trạng án xử đi, xử lại và các tòa án cấp dưới không tuân theo đường lối của cấp trên: Cụ thể là đường lối thể hiện trong kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao và án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và các tòa chuyên trách.

Xét xử phải có điểm dừng?

Chánh án Trương Hòa Bình nói: “Báo cáo với Quốc hội, chúng ta theo một cơ chế có phá án. Tức là khi thấy bản án có những căn cứ vi phạm pháp luật, chánh án hoặc viện trưởng kháng nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ xét xử lại một số bản án theo thẩm quyền và sau đó sẽ ban hành quyết định giám đốc thẩm. Nhưng cũng có một số trường hợp, tòa án cấp dưới xét xử lại nhưng không tuân theo đường lối giám đốc thẩm và xét xử lại có khi lại trở lại như bản án đã bị kháng nghị”.

Theo ông Bình, đây là một vấn đề lớn trong tố tụng liên quan đến việc quy định của pháp luật: “Chúng tôi đã kiến nghị với Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp và sắp tới đây sẽ đưa vào sửa đổi các luật theo hướng quy định tòa cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo đường lối xét xử của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao”.

Vụ kiện của ông Phạm Thanh Tùng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) phải kéo dài hơn bảy năm vì án xử đi xử lại. Ảnh: CTV

Kiến nghị của ông Bình được một số chuyên gia đồng tình vì cho rằng việc xét xử phải có điểm dừng, không thể kéo dài lê thê mãi.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), nếu cùng một vụ việc mà luôn có sự khác nhau về nhận thức giữa các cấp tòa thì đến một thời điểm nào đó cũng nên theo đường lối xét xử của TAND Tối cao. Chẳng hạn, nếu TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm lần thứ hai mà các tòa sơ, phúc thẩm vẫn bảo vệ quan điểm ban đầu của mình thì đến lần xử giám đốc thẩm thứ ba, TAND Tối cao có quyền yêu cầu cấp dưới phải tuân theo đường lối xét xử của mình để đảm bảo tính ổn định của pháp luật.

Ông Đại cho rằng cơ chế trên phù hợp với hệ thống luật thành văn như ở Việt Nam. Thực tế đã chứng minh là nước Pháp – một nước theo hệ thống luật thành văn đã áp dụng thành công cơ chế này: Bộ luật Tổ chức tòa án của Pháp quy định nguyên tắc nếu Tòa án Tối cao đã hủy án một lần rồi mà tòa án địa phương vẫn không nghe theo quan điểm của Tòa án Tối cao thì Tòa án Tối cao sẽ triệu tập Hội đồng Thẩm phán. Hội đồng này sẽ ra một quyết định mang tính ràng buộc theo hướng ở lần xét xử thứ hai, tòa án địa phương phải tuân theo quyết định của Hội đồng Thẩm phán.

Vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập?

Ngược lại, nhiều chuyên gia băn khoăn rằng nếu buộc tòa cấp dưới phải tuân thủ đường lối xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì sẽ triệt tiêu một nguyên tắc cơ bản là thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An), nước ta đang cải cách tư pháp theo hướng nâng cao tính chịu trách nhiệm của thẩm phán. Chuyện mỗi cấp tòa, mỗi thẩm phán bảo vệ quan điểm của mình, về bản chất cũng là tôn trọng quyền suy nghĩ của thẩm phán, không bị lệ thuộc trong tư duy nhận thức pháp luật. Nếu bắt họ phải theo đường lối xét xử của cấp trên thì sẽ tạo ra tình trạng xử án theo chỉ đạo, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng về phán quyết của mình.

“Đây không phải là cách hay để khắc phục tình trạng án xử đi xử lại mà phải dùng biện pháp đúc kết kinh nghiệm xét xử hằng năm trong ngành để các thẩm phán hiểu và thống nhất chung về nhận thức. Lúc đó tự khắc các thẩm phán, các cấp tòa phải tự nhìn lại mình và có được tiếng nói chung” – luật sư Phong nói.

Đồng tình, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: “Nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật có thể coi là kim chỉ nam trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Do đó không thể sửa các luật tố tụng về vấn đề đã thuộc về nguyên tắc này mà phải tôn trọng nó. Thà chấp nhận việc án bị kéo dài vì xử đi xử lại chứ không thể vi phạm nguyên tắc”.

Nhiều nguyên nhân

Tình trạng án xử đi xử lại trên thực tế có nhiều nguyên nhân, có khi chỉ vì thiếu sót tố tụng chứ chưa hẳn là quan điểm khác nhau về chứng cứ, nội dung. Một hạn chế khác là trong án giám đốc thẩm, nhiều khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy án nhưng không định hướng cho cấp dưới, khiến họ phải quyết định theo nhận thức của mình. Đó là chưa kể vẫn còn tình trạng “án bỏ túi”, tức khi xử lại, mặc dù là hội đồng xét xử khác nhưng vẫn xử theo định hướng của lãnh đạo tòa. Lúc này thẩm phán cũng không thể độc lập trước pháp luật.

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Hậu quả khó lường

Nếu cứ khác nhau về nhận thức và áp dụng pháp luật mà phải theo ý của tòa cấp trên thì còn gì là phiên tòa tranh tụng, còn gì là cải cách tư pháp? Vai trò của luật sư và quyền được bảo vệ của đương sự sẽ bị triệt tiêu. Đó là chưa kể nếu đường lối của tòa cấp trên không đúng, không chính xác, thiếu khách quan thì việc nghe theo này hậu quả sẽ rất khó gỡ. Ngay cả sau khi TAND Tối cao phát triển án lệ thì cũng chỉ để thẩm phán tham khảo chứ không mang tính bắt buộc bởi không gì có thể thay thế được quy định pháp luật.

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

NÂNG MỨC TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

07/09/2013 – 06:50

(PL)- Chính phủ vừa quyết định nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.110.000 đồng lên 1.220.000 đồng.

Đây là mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Quy định có hiệu lực từ ngày 20-10 và việc tăng phụ cấp, trợ cấp sẽ được tính từ ngày 1-7-2013.

Theo quy định mới, mức phụ cấp, trợ cấp được tính: Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của một liệt sĩ là 1.220.000 đồng/tháng, hai liệt sĩ là 2.440.000 đồng/tháng; ba liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 3.660.000 đồng (quy định cũ chỉ quy định chung trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của hai liệt sĩ trở lên là 1.983.000 đồng/tháng). Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên và hưởng phụ cấp 1.023.000 đồng/tháng. Bổ sung mức trợ cấp đối với người phục vụ bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.220.000 đồng/tháng (nghị định cũ không quy định đối tượng này).

Đ.LIÊN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

BỎ GHI HỌ TÊN CHA VÀ MẸ TRÊN CHỨNG MINH NHÂN DÂN

18/09/2013 – 18:36

Ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007. Theo Nghị định mới, sẽ bỏ phần ghi tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân. Bỏ cụm từ “họ và tên cha,” “họ và tên mẹ” tại mặt sau của chứng minh nhân dân.

Ngoài ra, bổ sung cụm từ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” vào bên dưới cụm từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại mặt trước chứng minh nhân dân.

Về thời gian cấp mới, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân, theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan công an phải làm xong chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, tối đa không quá 15 ngày (ở thành phố, thị xã) và 30 ngày (ở địa bàn khác).

Tại Nghị định 106/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau: kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan Công an phải làm xong chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất.

Thời gian giải quyết việc cấp chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi; 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại. Còn tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp chứng minh nhân dân là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2013.

Đối với chứng minh nhân dân đã được cấp theo Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định./. (Theo TTXVN)

TỪ 15-10, PHẠT NGƯỜI ĐI ĐÒ KHÔNG MẶC ÁO PHAO

17/09/2013 – 23:45

(PL)- “Từ ngày 15-10 (ngày Nghị định 93/2013 có hiệu lực thi hành), Thanh tra Sở GTVT sẽ xử phạt khách đi đò không mặc áo phao đến 200.000 đồng.

Người lái đò nếu không mang theo hoặc không có chứng chỉ huấn luyện an toàn hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sẽ bị phạt đến 500.000 đồng…” – ngày 17-9, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết.

Từ ngày 15-10, người đi đò không mặc áo phao sẽ bị phạt đến 200.000 đồng.

Những ngày qua, Thanh tra GTVT đã mở đợt tuyên truyền tại 36 bến đò ngang trên địa bàn TP về việc thực hiện nghiêm Nghị định 93/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Theo Nghị định 93, chánh Thanh tra Sở GTVT có quyền phạt tiền đến 37,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ hành nghề… của người lái, chủ tàu, chủ bến thủy nội địa.

L.ĐỨC – H.TUYÊN

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

SIẾT BẰNG LÁI ÔTÔ

07/07/2013 – 07:05

Ngày 8-7, Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức đợt thi sát hạch đầu tiên theo bộ đề mới. Với số câu hỏi lý thuyết tăng thêm, thi sát hạch trên sa hình và đường trường khó hơn, thời gian “đi hình” lại ít hơn trong khi kỳ thi được giám sát chặt chẽ hơn… nên việc lấy được bằng lái xe sẽ không dễ như trước đây.

Bộ đề thi sát hạch cấp bằng lái ô tô mới gồm 450 câu hỏi được các trường dạy từ sau ngày 1-1-2013, thay thế bộ đề thi cũ 405 câu.

Hết kiểu học tủ

Kết cấu của bộ đề này gồm các phần: Khái niệm về quy tắc giao thông đường bộ, nghiệp vụ vận tải, đạo đức nghề nghiệp người lái xe kinh doanh vận tải, kỹ thuật lái ô tô…Đồng thời, theo quy định mới thời gian sát hạch lý thuyết các hạng bằng lái ô tô là 20 phút (rút ngắn 5 phút). Người thi hạng bằng B1, B2 phải trả lời đúng đáp án trắc nghiệm 26/30 câu hỏi và hạng bằng C, D, E là 28/30 câu hỏi. Riêng thi hạng A1 phải trả lời đúng đáp án 12/15 câu hỏi và hạng A2 phải trả lời đúng đáp án 14/15 câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, bộ đề mới “dày” hơn với các nội dung được bổ sung nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trên đường… Với bộ đề này, các chiêu học tủ, học mẹo trước đây sẽ không có tác dụng.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, học viên sẽ dự thi lấy bằng B1 lần này thì bộ đề quá… “đồ sộ” và có nhiều phần không hợp với hạng bằng mà anh định lấy. “Tôi lấy bằng B1 để chạy xe nhà mà phải “nhồi” cả các câu hỏi về kinh doanh vận tải thì “nặng” và “phí” quá!” – anh Hùng nói. Còn ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Quản lý Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT, cho rằng bộ đề 450 câu giành cho mọi đối tượng và có tính liên thông giữa các hạng bằng, nó không giành cho cá biệt từng người. “Anh có bằng B1 rồi nhưng mai này muốn lên hạng B2 hoặc C, D thì việc học 450 câu là đâu có thừa. Lại nữa, không lý anh nói tôi chỉ lái xe trong TP nên không cần học hệ thống biển báo, cách lái xe qua đèo dốc sao?” – ông Lực nói.

Tuy rút ngắn thời gian thi nhưng nếu học viên học hành bài bản thì việc lấy được bằng vẫn trong tầm tay. Ảnh: LĐ

Hết trả lời theo… mẹo cũ

Đến ngày 6-7, tại Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, hệ thống thiết bị sát hạch lý thuyết và thực hành đã được cài đặt xong phần mềm mới. Cạnh đó, các camera giám sát, màn hình LCD đã được đặt tại các phòng thi lý thuyết của trung tâm. Theo đó, bốn màn hình LCD 32 inch được lắp đặt để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe, gồm một màn hình tại hội đồng thi và ba màn hình tại phòng chờ sát hạch để các thí sinh chờ dự thi xem xét và giám sát.

Để vượt qua được kỳ sát hạch lý thuyết đòi hỏi người học phải nắm vững bộ câu hỏi, những người học yếu sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu. Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, cho biết bộ đề mới yêu cầu cách thức làm bài thi khác trước. Cụ thể, một câu hỏi có thể có 2-4 ý trả lời và có 1-2 ý đúng chứ không phải chỉ có một lựa chọn duy nhất như trước. Thí sinh dự thi sẽ phải lựa chọn tất cả phương án đúng mới được chấm điểm, nếu trả lời thiếu ý đúng cũng coi như là sai. “Không còn các kiểu đáp án “mẹo” như “tất cả phương án trên đều đúng”, “tất cả phương án trên đều sai”, “cả hai phương án trên đều đúng”…!” – ông Long nói. Ngoài ra, ở phần thi lý thuyết còn thêm nhiều câu hỏi về biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh…

Khó lùi vào “chuồng” hơn

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, giáo trình mới yêu cầu học viên phải học thêm đi đường zíc zắc, thực hành xe số tự động. Tuy nhiên, các phần học bổ sung này chưa phải thi. Nhưng phần thi thực hành lùi “chuồng” (lùi xe vào nơi đỗ) khó hơn trước do chiều rộng của đường lùi bị bóp hẹp 1,3 m (từ 6,5 m bóp còn 5,2 m) và chiều dài của quãng đường trước “chuồng” bị rút xuống còn 12,8 m (trước đây là 15,25 m). “Với việc đường lùi bị bóp hông và rút ngắn như thế thì người học phải tập nhiều hơn mới mong đỗ. Chưa kể, nếu Bộ không cho đánh tay lái chết (đánh vô lăng khi xe chưa chạy lùi) thì trong vòng 2 phút khó de vô lọt “chuồng” được!” – một học viên của Trường Hoàng Gia cho biết.

Theo một cán bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước khi bước vào cuộc sát hạch ngày 8-7, sẽ kiểm tra lại toàn bộ các vị trí trên sa hình để nhổ bỏ, xóa hết các vật, vệt chuẩn được các giáo viên dạy lái xe cắm, vẽ cho học viên căn theo khi học lái trước đây. Cạnh đó, với các xe sát hạch sẽ được kiểm tra kỹ, loại bỏ hết các vật căn, “đầu ruồi” như bao thuốc lá, lọ nước hoa…

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi, cho biết thêm hiện nay, với thời gian thi sa hình là 20 phút, chỉ có khoảng 35% thí sinh đi hết 15 phút. Như vậy, khi áp dụng thời gian thi rút ngắn xuống còn 15 phút thì số người thi sa hình bị rớt sẽ rất cao. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền, qua khảo sát chỉ có một số học viên xử lý tình huống, đi trong sa hình chậm, không đạt. Việc rút ngắn thời gian thi vẫn đảm bảo với số đông học viên đậu, lấy được bằng.

Trung tá TRẦN VĂN THƯƠNG, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM:

Nhiều trường hợp người mua bằng gây TNGT

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông mà tài xế thừa nhận đã mua bằng chứ không hề đi học. Những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì người lái sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. Do vậy, người dân có nhu cầu lái xe các loại nên ý thức tuân thủ thời gian và chương trình của cơ sở đào tạo để có khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế.

Kết cấu và những điểm mới ở bộ đề 450 câu

– Khái niệm và quy tắc giao thông đường bộ: 145 câu.

– Nghiệp vụ vận tải: 30 câu.

– Văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người lái xe: 25 câu.

– Kỹ thuật lái xe ô tô: 35 câu.

– Cấu tạo và sửa chữa xe ô tô: 20 câu.

– Hệ thống biển báo hiệu đ­ường bộ: 100 câu.

– Giải các thế sa hình: 95 câu.

Chụp ảnh nhằm chống thi hộ

Theo quy trình cũ, trên biên bản kết quả thi của học viên có dán ảnh 3×4 (có thể dán trước hoặc sau khi có kết quả). Từ đây đã nảy sinh tình trạng thi hộ hoặc giám thị thông đồng khi nào thí sinh thi đậu thì mới dán ảnh vào.

Nay theo quy định mới, thí sinh vào phòng thi lý thuyết sau khi trình chứng minh nhân dân xong thì chụp ảnh kỹ thuật số để in vào biên bản kết quả luôn (ảnh này cũng được lưu trữ để sau này in lên bằng nhựa). Với cách này, trên biên bản kết quả (thi đạt hoặc không đạt) đều in chính xác khuôn mặt của thí sinh.

Khi bước sang thi thực hành đi trong sa hình (hoặc sau này tiến thêm là trên đường trường) học viên phải ngồi ngay ngắn trước vô lăng để camera chụp ảnh truyền về phòng dữ liệu của trung tâm sát hạch nhằm nhận diện có đúng với khuôn mặt người vừa thi lý thuyết không. Nếu đúng, máy mới phát lệnh cho xe xuất phát.

Ảnh chụp trước khi xuất phát cũng được truyền về để in lên biên bản kết quả sát hạch thực hành.

LƯU ĐỨC – HOÀNG TUYÊN

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

LỖI PHỔ BIẾN KHI XỬ TRANH CHẤP THỪA KẾ

05/10/2013 – 06:00

Nhiều tòa quên thứ tự ưu tiên thanh toán, không giải quyết công sức duy trì, bảo quản di sản.

Đây là một lỗi rất đáng tiếc bởi luôn dẫn đến việc kháng cáo, kháng nghị kéo dài, nhiều bản án sau đó đã bị cấp giám đốc thẩm hủy để giải quyết lại từ đầu…

Quên công sức giữ nhà 24 năm

Trước đây, ông Phạm Văn Trung (Việt kiều Úc) đã khởi kiện ông Phạm Văn Phụng (ngụ phường Phước Tiến, TP Nha Trang) ra TAND tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu tòa chia di sản thừa kế là căn nhà 85 Huỳnh Thúc Kháng. Căn nhà này do vợ chồng ông Phụng quản lý, sử dụng từ năm 1979.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Trung, xác định căn nhà (TP Nha Trang) là di sản thừa kế của cha các đương sự để lại. Từ đó, tòa phân chia di sản cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau khi ông Phụng kháng cáo, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hai bản án này đã bị kháng nghị giám đốc thẩm vì cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều quên áp dụng Điều 683 BLDS về thứ tự ưu tiên thanh toán khi không xem xét đến công sức của ông Phụng trong việc trông coi, duy trì quản lý di sản thừa kế từ năm 1979 đến năm 2003.

Tháng 3-2011, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử lại.

Sau đó, giải quyết lại vụ kiện, TAND tỉnh Khánh Hòa đã khắc phục những sai sót mà quyết định giám đốc thẩm chỉ ra. Cụ thể: Sau khi người cha mất năm 1979, vợ chồng ông Phụng tiếp tục quản lý nhà đất đang tranh chấp, cúng giỗ cha mẹ, giữ gìn, bảo quản khối di sản. Do đó, trước khi chia di sản thừa kế, tòa đã trích 10% giá trị di sản để bù đắp công sức cho vợ chồng ông Phụng. Bản án này sau đó đã có hiệu lực pháp luật vì không có kháng nghị, kháng cáo.

May nhờ giám đốc thẩm nên không trắng tay

Vụ khác, bà Nguyễn Thị Lưới (Việt kiều Mỹ) khởi kiện bà Lê Thị Xanh ra TAND TP Nha Trang để đòi tài sản thừa kế là căn nhà nằm trên diện tích hơn 7.000 m2 đất tại xã Vĩnh Thạnh. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lưới, buộc bà Xanh phải giao trả toàn bộ nhà đất cho bà Lưới.

Bà Xanh kháng cáo. Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng cũng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau đó, theo yêu cầu của bà Lưới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo quyết định này, vợ chồng bà Lưới định cư ở nước ngoài từ tháng 3-1991. Trong khi đó, bà Xanh là người trực tiếp quản lý, sử dụng toàn bộ nhà đất tranh chấp, có công sức tôn tạo, bảo quản, duy trì, xây sửa lại nhà đất, có công chăm sóc phụng dưỡng người để lại di sản khi còn sống, lo mai táng khi người để lại di sản mất. Ngoài nhà đất đang tranh chấp này, mẹ con bà Xanh không còn chỗ ở nào khác. Thế nhưng hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã không xem xét trích cho mẹ con bà Xanh một phần tương xứng với công sức của họ bỏ ra, đồng thời không xem xét đến nhu cầu về nhà đất của mẹ con bà là không đúng…

Họp phiên giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại từ đầu. Đến tháng 3-2013, vụ kiện kéo dài này cuối cùng cũng đã kết thúc bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự. Theo đó, bà Lưới đã đồng ý trích một phần diện tích đất tương xứng cho bà Xanh như phân tích của quyết định giám đốc thẩm.

Tương tự là vụ tranh chấp di sản gồm nhà đất số 118/19B và 118/24 Trần Quý Cáp (TP Nha Trang) giữa bà Nguyễn Thị Hoa với ông Phan Văn Hường. Tháng 6-2013, xử sơ thẩm, TAND TP Nha Trang đã quên xem xét giải quyết công sức bảo quản di sản của ông Hường. Ông Hường kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm hồi đầu tháng 9 của TAND tỉnh Khánh Hòa, đại diện VKS và luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Hường đã đề nghị tòa hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm, trong đó có việc không xem xét công sức của bị đơn.

Theo tòa phúc thẩm, án sơ thẩm có thiếu sót về việc chưa thanh toán chi phí bảo quản di sản thừa kế trước khi chia di sản… như ý kiến của đại diện VKS và luật sư. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận định không nhất thiết phải hủy án vì thiếu sót này tòa có thể khắc phục. Từ đó, tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, áp dụng Điều 683 BLDS, trích ra 10% giá trị tài sản thừa kế cho ông Hường.

Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

Tiền công lao động;

Chi phí cho việc bảo quản di sản;

Các chi phí khác.

(Theo Điều 683 BLDS)

HỒNG HÀ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

KHÔNG ĐƯỢC KÊ BIÊN TÀI SẢN LÀ NHÀ Ở DUY NHẤT

22/11/2013 – 07:20

(PL)- Chính phủ vừa ban hành nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 28-12.

Theo đó, nghị định bổ sung thêm hai loại tài sản không được kê biên, đó là nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú và tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp. Việc kê biên tài sản phải được thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ. Nếu người bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành việc kê biên tài sản nhưng phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Cũng theo quy định mới, quyết định cưỡng chế sẽ được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết.

Đ.LIÊN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

KHÔNG LÀM ĐƯỢC CHỨNG MINH NHÂN DÂN VÌ TRANH CHẤP TÀI SẢN!

08/12/2013 02:12 (GMT + 7) TT – Một gia đình năm người bị người thân giấu mất sổ hộ khẩu chỉ vì đang tranh chấp tài sản. Hậu quả là người lớn không tìm được việc làm, còn anh Trần Quang Hiếu thì không thể làm chứng minh nhân dân (CMND) dù đã 17 tuổi – như câu chuyện anh kể dưới đây:

Từ lúc sinh ra, tôi sống cùng cha mẹ, hai chị, em gái tại căn nhà do ông nội tôi đứng tên trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Mọi chuyện diễn ra bình thường cho tới ngày ông nội tôi qua đời, giữa ba tôi và các bác, các cô trong gia đình xảy ra tranh chấp quyền sở hữu căn nhà, quyền sử dụng đất của ông tôi. Điều khó khăn nhất cho gia đình tôi là hộ khẩu của cả gia đình gồm năm thành viên đều nằm chung trong sổ hộ khẩu do cô tôi là Trần Thị Tuyết đứng tên chủ hộ, hiện cô tôi đã chuyển hộ khẩu theo nhà chồng, sổ hộ khẩu hiện nay do bác tôi là Trần Quang Tích quản lý.

Từ khi xảy ra mâu thuẫn, bác tôi không đưa sổ hộ khẩu cho gia đình tôi sử dụng, khiến cả gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Cha mẹ tôi đi mua một miếng đất nhỏ để cất nhà ở riêng, đặt cọc mấy chục triệu đồng nhưng sau không có hộ khẩu để làm hợp đồng mua bán có chứng thực đành chịu mất tiền cọc. Cha tôi làm tài xế, vừa nghỉ việc để chuyển qua công ty khác, khi được nhận lại không có hồ sơ có chứng thực của địa phương nên chưa thể đi làm. Mẹ tôi cũng không làm được hồ sơ xin việc vì không có hộ khẩu.

Bản thân tôi bây giờ đã 17 tuổi nhưng không thể làm được CMND, vì bác tôi nhất quyết không cho mượn sổ hộ khẩu. Suốt hơn ba năm qua, vì không có CMND, tôi không dám đi đêm, đi học buổi tối thì cha hoặc mẹ phải đưa đi đón về, vì sợ đi đường bị công an kiểm tra, không có CMND sẽ bị phạt, bị giữ.

Cha mẹ tôi đã nhiều lần làm đơn cầu cứu gửi Công an phường, Công an quận nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hẹn, họ thông báo mời bác tôi tới làm việc nhưng bác tôi không tới. Tôi không biết việc cha mẹ tôi và các bác tranh chấp như thế nào, nhưng giờ tôi đã 17 tuổi, tôi cần chứng minh được mình là ai, tôi muốn được đi học như các bạn. Nếu bác tôi cứ giữ quan điểm không cho tôi dùng sổ hộ khẩu để làm các thủ tục cần thiết, cả đời tôi không được thừa nhận là công dân hay sao?

TRẦN QUANG HIẾU (Gia Minh ghi)

Thiếu tá TRẦN THẾ DÂN (phó trưởng Công an P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Sổ hộ khẩu không liên quan tới tài sản tranh chấp

Sổ hộ khẩu của gia đình anh Hiếu do bà Trần Thị Tuyết đứng tên chủ hộ, nhưng bà Tuyết đã chuyển hộ khẩu đi nơi khác từ lâu. Hiện sổ hộ khẩu do ông Tích giữ là sổ loại cũ, màu xanh, có 9 số, trong khi Q.Bình Thạnh đã đổi sang sổ mới, màu đỏ, có 11 số. Ông Tích không đồng ý cho gia đình anh Hiếu sử dụng sổ hộ khẩu này vì theo ông Tích, khi cha ông còn sống đã cho gia đình anh Hiếu một căn nhà khác, sau khi làm ăn thua lỗ, cha mẹ của anh Hiếu đã bán nhà rồi quay lại nhà cũ sống, đòi chia tài sản.

Trong trường hợp ông Tích đưa sổ hộ khẩu cho gia đình anh Hiếu sử dụng, công an cũng chưa thể cấp CMND cho anh Hiếu được, mà phải đổi sổ hộ khẩu mới xong mới có thể làm CMND. Cái khó là để đổi sổ hộ khẩu trong trường hợp này, các thành viên trên 18 tuổi có trong hộ khẩu phải ký giấy ủy quyền cho một người khác đứng tên chủ hộ, mà gia đình này đang tranh chấp, không chịu đưa sổ hộ khẩu ra thì làm sao thỏa thuận, chọn được chủ hộ để đứng tên sổ hộ khẩu mới. Vì những lý do phức tạp như vậy, chúng tôi đang mời ông Tích tới làm việc, sẽ mời cả bà Tuyết – người đứng tên chủ hộ cũ và ông Trần Quang Lộc – cha của anh Hiếu – tới để bàn hướng giải quyết. Theo đó, có thể chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo Công an quận cấp hai sổ hộ khẩu mới cho hai hộ ông Tích và ông Lộc để tiện việc quản lý cũng như sinh hoạt của hai gia đình. Chúng tôi cũng sẽ giải thích cho các gia đình hiểu sổ hộ khẩu không liên quan tới tài sản tranh chấp để họ giảm bớt căng thẳng với nhau.

Thượng tá CAO VĂN ĐEN (phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Công an TP.HCM):

Không giao nộp sổ hộ khẩu sẽ bị xử phạt

Trường hợp của gia đình anh Hiếu, cha mẹ anh cần làm đơn đề nghị được tách hộ khẩu riêng gửi Công an quận để giải quyết, căn cứ vào điều 27 Luật cư trú. Theo quy định, sau khi nhận đơn, Công an quận phải có trách nhiệm mời hai anh em ông Tích tới để giải thích việc phải nộp sổ hộ khẩu cũ, xác định lại chủ hộ khẩu mới là ai. Trong thời hạn nhất định, nếu ông Tích không chấp hành việc có mặt theo giấy mời và giao nộp sổ hộ khẩu cũ, Công an Q.Bình Thạnh sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi “không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra”, theo quy định tại điều 11 nghị định 73 NĐCP/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Sau khi ra quyết định xử phạt, Công an Q.Bình Thạnh sẽ thực hiện các thủ tục để tách sổ hộ khẩu cho cha mẹ anh Hiếu và thông báo cho các bên liên quan biết theo quy định.

Việc tranh chấp tài sản là căn nhà do cha mẹ ông Tích để lại là tranh chấp dân sự, hoàn toàn không liên quan tới việc xử lý các vấn đề liên quan tới sổ hộ khẩu. Theo quy định, người có tên trong sổ hộ khẩu hay không không liên quan tới việc hưởng thừa kế tài sản theo luật định, vì vậy người dân nói chung và gia đình ông Tích nói riêng không nên gán ghép hai việc vào với nhau, dễ dẫn tới bất hòa, căng thẳng không cần thiết trong gia đình mà bị phạt thêm vì các lỗi liên quan tới hành vi vi phạm về an ninh trật tự.

G.MINH ghi

Nguồn: Báo tuổi trẻ