954fb0ebf1d84fb921bfb0b6e045d57f_M

TỪ 1/9/2009 VIỆT KIỀU ĐƯỢC PHÉP MUA NHÀ Ở VIỆT NAM

Từ 1/9/2009 Việt kiều được phép mua nhà ở Việt Nam

Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc sửa đổi 2 điều luật liên quan quyền sở hữu nhà, sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.Theo điều 126 Luật nhà ở và 121 Luật đất đai sửa đổi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà có quốc tịch Việt Nam, người về đầu tư trực tiếp;

Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc sửa đổi 2 điều luật liên quan quyền sở hữu nhà, sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.Theo điều 126 Luật nhà ở và 121 Luật đất đai sửa đổi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà có quốc tịch Việt Nam, người về đầu tư trực tiếp; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức trong nước có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam… được phép định cư từ 3 tháng trở lên có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Quy định này cũng áp dụng với cả người có công đóng góp cho đất nước, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Trường hợp không thuộc diện trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì cũng có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

So với điều luật cũ, quy định về thời gian cư trú tại Việt Nam đã được rút ngắn xuống một nửa, từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Một điểm mới nữa là điều 121 luật Đất đai (sửa đổi) đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền bán, tặng cho; thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi…. Nếu trong thời gian không sử dụng, chủ sở hữu có quyền cho thuê ủy quyền quản lý nhà.

Hai điều luật sửa đổi trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, khi thảo luận về việc sửa đổi 2 điều luật này, nhiều đại biểu đã lo ngại những quy định “thoáng” trên sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản, nhất là đầu cơ đất đai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ về nước mua nhà mà chỉ một số người có nhu cầu thực sự, đủ khả năng tài chính cũng như đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện mua nhà thì mới được phép sở hữu nhà. Hơn nữa, hiện đã có nhiều chế tài để quản lý đất đai, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ bất động sản.

Theo ông Hiền, năm 2008 cả nước đã phát triển khoảng 50 triệu m2 nhà ở. Riêng tại TP HCM là 5-6 triệu và Hà Nội khoảng 2 triệu m2

Cũng trong sáng nay, 4 dự án luật khác đã được Quốc hội biểu quyết thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật bồi thường nhà nước.

Luật sửa đổi bổ sung một điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở số 56/2005/QH11 và Điều 121 của Luật đất đai số 13/2003/QH11.

Điều 1

Điều 126 của Luật nhà ở được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 126. Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Điều 2

Điều 121 của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 121. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này;

b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;

c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

d) Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.”

Điều 3

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2009.

2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

616bcb4070200eba2fbb3aacc645866b_M

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÓ MUA NHÀ TẠI VIỆT NAM

Người nước ngoài khó mua nhà tại Việt Nam

(Ngày đăng: 23-04-2013 11:21:20)

Không ít người đã phải từ bỏ giấc mơ an cư để lập nghiệp tại nơi mà họ chọn gắn bó suốt phần đời còn lại.

Trước thực trạng này, Chính phủ vừa thông qua nghị quyết 48 yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN.

Bảy năm và một căn nhà

Sau hơn bảy năm sinh sống tại VN, dù có đủ tiềm lực tài chính và có nhu cầu mua nhà để ở lâu dài tại đây nhưng chị Sonia (quốc tịch Anh và Pháp) vẫn phải đi thuê nhà. “Năm ngoái tôi quyết định mua căn hộ tại Q.7, TP.HCM diện tích 99,8m2 với giá 90.000 USD (khoảng 1,8 tỉ đồng). Mẹ tôi đã sang xem nhà cùng tôi và rất hài lòng, nhưng khi chúng tôi làm thủ tục sở hữu nhà thì bị vướng vì tôi không thể đứng tên 100% sở hữu căn hộ này” – cô Sonia nói.

Theo Sonia, dù cô đã lấy chồng là người VN được ba năm nay, tức nằm trong diện được phép mua nhà, nhưng cô lại không có thẻ thường trú. “Tôi đã cố làm thẻ thường trú cho vợ tôi nhưng rất khó vì cô ấy chưa có bằng cử nhân hay các loại bằng cấp hợp pháp khác” – anh Nguyễn Lê Việt Hùng, chồng của Sonia, nói.

Chỉ có 64 người nước ngoài sở hữu nhà tại VN

Theo Cục Đăng ký và thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và môi trường), tính đến ngày 1-2-2013 cả nước có 427 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại VN (TP.HCM chiếm 342 trường hợp). Trong đó chỉ có 64 người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà tại VN. Con số này quá thấp vì cả nước có hơn 80.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc.

Hiện Sonia cùng chồng và con trai 3 tuổi vẫn phải thuê nhà để ở tại một căn hộ chung cư với giá 8 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc đi dạy, làm hướng dẫn viên du lịch, buổi tối Sonia phải đi học thêm một lớp đào tạo đại học từ xa của Pháp để lấy tấm bằng cử nhân với hi vọng đủ điều kiện để mua được nhà tại VN.

Trường hợp như Sonia không hiếm. Tại khu căn hộ New Saigon (huyện Nhà Bè, TP.HCM) có nhiều người bạn của Sonia đến đây định cư lâu dài hoặc lấy vợ, lấy chồng là người Việt cũng phải thuê nhà để ở với giá 8-10 triệu đồng/tháng hoặc mua nhà nhưng nhờ người Việt đứng tên. Hay trường hợp của Ash – một người Úc, và Joseph – một người Pháp – vì nhu cầu định cư lâu dài tại VN đã mua nhà ở Q.1 và Q.4 nhưng đều không thể đứng tên mà phải nhờ người Việt đứng tên. Thế nên dù bỏ tiền ra mua căn nhà nhưng Ash và Joseph vẫn nơm nớp lo lắng vì không biết mình có giữ được tài sản khi xảy ra tranh chấp…

Trên thực tế không chỉ người nước ngoài mà ngay cả bà con Việt kiều muốn mua và sở hữu nhà tại quê hương mình cũng gặp nhiều khó khăn. Là Việt kiều Pháp trở về quê hương và muốn ở lại lâu dài nên vợ chồng bà Jeanne Huỳnh đã mua một căn hộ tại đường Trần Xuân Soạn (Q.7). Tuy nhiên, năm người con của ông bà đang định cư tại Pháp và một số nước cũng muốn mua nhà tại VN nhưng không thể. “Gần đây con gái tôi có về VN và muốn mua nhà nhưng lại không có được thẻ thường trú một năm theo quy định nên đành thôi” – bà Jeanne Huỳnh nói. Tương tự, anh Nguyễn Xuân Trường – một Việt kiều quốc tịch Singapore – cho biết vì công việc, anh đi về thường xuyên và muốn mua nhà tại VN nhưng do không làm được thẻ tạm trú nên đành gác lại ý định đó.

Nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho biết để sở hữu được căn nhà tại VN rất khó khăn vì đang có quá nhiều thủ tục ràng buộc và rào cản pháp lý. Theo họ, vướng mắc lớn nhất trong việc mua nhà tại VN là phải có thẻ thường trú một năm trở lên và hàng loạt vấn đề khác như phải là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có bằng đại học, phải kết hôn với công dân VN, phải có đóng góp cho đất nước VN và được Chủ tịch nước tặng bằng khen…

Chưa mua đã thấy mệt

Theo Ủy ban Người VN ở nước ngoài TP.HCM, mỗi năm đơn vị này tiếp và giải đáp thắc mắc cho hàng vạn lượt kiều bào, trong đó những thắc mắc về việc mua nhà và sở hữu nhà chiếm đa số. Ông Trương Văn Hiếu, trưởng phòng kinh tế của ủy ban, cho biết: “Nhu cầu Việt kiều về nước mua nhà và đầu tư rất lớn, trong đó có nhiều bà con khi tìm hiểu thủ tục thấy quá khắt khe và rườm rà nên thôi ý định mua nhà tại VN. Thường khi họ đến yêu cầu giúp đỡ về thủ tục nhà ở thì chúng tôi sẽ xem xét hồ sơ và có cách tác động với các sở ban ngành trên địa bàn TP để hỗ trợ. Phần lớn bà con gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc Việt kiều vì nhiều người đã mất hết giấy tờ”.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, dù là Việt kiều hay người nước ngoài đều có nhu cầu an cư lạc nghiệp. “Việc mua một hay một vài căn nhà tại VN để sinh sống, làm việc là nhu cầu tất yếu của họ nhưng hiện luật pháp chúng ta đòi hỏi quá nhiều chỉ tiêu, giấy tờ thủ tục khiến họ chưa mua nhà đã thấy mệt. Mở các điều kiện này ra để người nước ngoài có thể mua được nhà tại VN là đúng, điều này phần nào tạo thêm sức mua cho hàng loạt căn hộ phân khúc cấp cao đang dư thừa tại VN” – ông Thành nói.

Còn ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định: “Đối với Việt kiều phải đối xử với họ như người trong nước về vấn đề sở hữu nhà, tuy nhiên cần gỡ điểm vướng mắc ở đây là nới lỏng việc kiểm soát nguồn gốc Việt kiều vì nhiều bà con đã mất giấy tờ. Còn đối với người nước ngoài cần mở rộng các điều kiện mua nhà, nhưng chỉ nên cho phép họ mua nhà ở chất lượng cao, ví dụ những sản phẩm có mức giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc mua nhà để ở, cần xem xét cho người nước ngoài được bán hoặc cho thuê bởi điều này hoàn toàn hợp lý.

Nguồn: Tuổi trẻ

1a1c7a0ba8794f499343f3710b15a9ab_M

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MUA NHÀ: CỬA ĐÃ CÓ, NHƯNG MỞ THẾ NÀO?

Người nước ngoài mua nhà: Cửa đã có, nhưng mở thế nào?

(Ngày đăng: 17-04-2013 11:35:57) “Người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam một mặt sẽ giúp chúng ta tiêu thụ những sản phẩm bất động sản, mặt khác sử dụng thêm được nhiều lao động”.

Phát biểu như vậy vào tối 14/4 vừa qua, trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đồng thời nhấn mạnh, chủ trương cho người nước ngoài mua nhà được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các loại căn hộ thuộc phân khúc cao cấp.

Ông cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng và sau đó trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, cố gắng trong năm 2013 sẽ trình Quốc hội.
Lâu nay, nhiều chuyên gia về bất động sản đã nhận xét, có một nguồn lực tài chính “cứu nguy” cho thị trường, không cần dùng đến gói cứu trợ của nhà nước, mà vẫn không bóp méo thị trường, đó là dòng tiền từ những người nước ngoài có nhu cầu thực về nhà ở lâu dài tại Việt Nam.
Chứng kiến tình hình nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong nước nói riêng và nghiên cứu thực tiễn các nước, ông Thân Thành Vũ – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản du lịch – hơn một lần nêu quan điểm, giá mà Việt Nam học tập được các nước láng giềng về việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở, kích thích phát triển du lịch và bất động sản nội địa.
Vị này so sánh, nhìn sự thành công của Malaysia trong triển khai chương trình Second Home (căn nhà thứ hai) mà “thèm muốn”. Theo đó, tòa căn hộ 30 tầng phục vụ chương trình này của Malaysia, chưa xây xong móng đã bán hết cho người Nhật. Lý do, người nước ngoài mua căn hộ này sẽ nhận được nhiều ưu đãi như được thẻ cư trú có thời hạn 10 năm, các thủ tục thường trú và đi lại dễ dàng.
Nếu như Malaysia cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản theo dạng thuê  50 năm, thì Thái Lan áp dụng 30 năm. Thủ tục sở hữu thuận lợi và chính sách quảng bá du lịch ưu việt, mỗi năm Thái Lan hay Malaysia đều thu hút trên dưới 20 triệu lượt khách du lịch, trong khi du lịch của Việt Nam tiềm năng ngang bằng thậm chí hơn, thì mỗi năm chỉ thu hút khoảng 5 triệu lượt khách – bằng 1/4 láng giềng.
Theo ông Vũ, đã thấy rõ thuận lợi, song một chương trình dạng như Second Home ở Việt Nam chưa triển khai được, vì cơ chế chưa mở cho cá nhân người nước ngoài sở hữu bất động sản.
“Nếu Nhà nước cải thiện cơ chế cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chắc chắn ở lĩnh vực bất động sản cao cấp nói riêng, cả mấy chục ngàn căn hộ, biệt thự ứ hàng của mấy trăm doanh nghiệp không tiêu thụ nổi bởi thị trường trong nước, sẽ được giải phóng”, ông này nói.
Đại diện mảng đầu tư của Công ty Tư vấn tiếp thị bất động sản Colliers Việt Nam cũng nhận xét, trước và trong bối cảnh bế tắc, không có đầu ra của thị trường bất động sản, đơn vị này lại nhận được không ít nhu cầu của khách nước ngoài muốn sở hữu căn hộ tại Việt Nam.
Từ 4 năm trước, với việc ban hành Nghị quyết 19/2008/QH12, Quốc hội lần đầu tiên đã chính thức cho phép việc này, và sau đó không lâu, Chính phủ đã có Nghị định số 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện, chủ trương cho phép tổ chức cá nhân Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã được chính thức thí điểm.
Tuy vậy, do những quy định rất chặt chẽ, những con số nhỏ bé (bình quân 85 trường hợp được mua nhà mỗi năm trên cả nước) qua 5 năm thực hiện thí điểm chủ trương này cho thấy, gần như không có tác động tới thị trường.
Theo một thống kê của Cục Đăng ký và thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam theo con đường “chính thức”, tập trung chủ yếu ở Tp.HCM với 342 trường hợp.
Tuy nhiên, tín hiệu mới nhất từ các cơ quan Chính phủ hồi cuối tháng 3/2013 đã cho thấy các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng biện pháp phù hợp, trong đó có khả năng mở rộng hơn các quy định

Nguồn: VnEconomy

4a606feeb074f807e1a3d37a1e32f62f_M

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MUA NHÀ TẠI VIỆT NAM: DỠ BỎ RÀO CẢN THỦ TỤC

Người nước ngoài mua nhà tại Việt nam: Dỡ bỏ rào cản thủ tục

23/04/2013 08:43 (GMT + 7) TT – Khẳng định nguồn cung cho thị trường người nước ngoài mua nhà là không thiếu, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà hiện nay là cần

 thiết và có lợi cho nền kinh tế.  Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà sẽ có tác động tới thị trường bất động sản, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp – Ảnh: T.T.D.

Ông Vũ Quang Hội, chủ tịch Bitexco, cho biết nhu cầu người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN hiện nay là rất lớn, đặc biệt là số lượng người Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngại thủ tục

Hiện nay các dự án căn hộ cao cấp của Bitexco đều hướng đến phân khúc của những người có ý định ở VN lâu dài, phần đông họ là các tổng giám đốc và chuyên gia cao cấp đến từ nhiều nước. Tuy nhiên theo ông Hội, phần lớn những người có nhu cầu thực này dù có đủ điều kiện mua nhà cũng ngại khi thủ tục quá nhiêu khê, mất thời gian, và giải pháp họ đưa ra là nhờ người Việt đứng tên. “Chúng tôi có căn hộ tiêu chuẩn tại một số khách sạn lớn ở các khu trung tâm của TP.HCM và một số sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu khách quốc tế. Khi họ đến xem nhà rất hài lòng nhưng tới khâu pháp lý, thủ tục họ lại chần chừ… Bản thân doanh nghiệp chúng tôi khi thực hiện thí điểm gặp rất nhiều rào cản và thủ tục quá nhiều làm những người nước ngoài có đủ điều kiện cũng không muốn mua” – ông Hội cho hay.

Đồng quan điểm đó, ông Phan Thành Huy, tổng giám đốc Novaland, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mạnh dạn mở rộng các đối tượng cũng như các loại sản phẩm cho người nước ngoài được mua. Trước đây chúng ta chỉ giới hạn trong căn hộ, giờ nên mở rộng ra cả nhà đất. “Hiện nay khách hàng của chúng tôi ngay cả những người đáp ứng đủ điều kiện rồi nhưng khi làm thủ tục còn gặp rườm rà, phức tạp. Ví dụ như đi hợp thức hóa lãnh sự, công chứng… mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, sau khi đứng tên họ lại không được thế chấp, không được sở hữu như người Việt nên cũng e ngại” – ông Huy nói. Theo Novaland, hiện đơn vị này đang có các căn hộ từ trung tới cao cấp và sắp tới là các sản phẩm nhà phố và biệt thự.

Trong khi đó, theo ông Phùng Chu Cường – tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, đối với các dự án Phú Long đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như khu biệt thự cao cấp Kim Long, biệt thự thương mại Ngân Long… thì đối tượng khách hàng tìm thuê là các chuyên gia, người nước ngoài, Việt kiều sống, làm việc tại TP.HCM và các vùng lân cận khá nhiều. Trong đó, một số dự án căn hộ cao cấp của công ty này đã tiếp nhận nhiều cư dân, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều thuê mua.

“Cởi trói” chính sách

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, một thực tế hiện nay là số người mua nhà lên đến hàng chục ngàn người nhưng việc sở hữu nhà của họ lại qua trung gian người Việt. Nếu chúng ta mở rộng được thì cầu thị trường cũng được tháo gỡ, tạo lối thoát cho rất nhiều sản phẩm căn hộ trung cấp và cao cấp. Và để làm được điều này cần đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ông Cao Sỹ Kiêm (đại biểu Quốc hội, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nói việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là hợp lý vì vừa giải quyết được nhu cầu của khách hàng, vừa là cơ sở để giải quyết thị trường lành mạnh và đúng hướng. Đây cũng là cơ hội mở rộng vốn và thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này các nước đã làm rồi và đòi hỏi thực tế của đất nước mình hiện nay là rất hợp lý. “Mặc dù thời gian qua mình thận trọng thí điểm, nhưng qua năm năm thí điểm thì những người đã mua được họ rất yên tâm và sử dụng tốt. Vấn đề hiện nay là dù đã có chủ trương nhưng hướng dẫn của ta không đầy đủ và thiếu rõ ràng, không thuận tiện cho người mua nhà” – ông Kiêm nói.

Ông Kiêm cho rằng đã đến lúc nên sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan để luật hóa việc người nước ngoài được mua nhà để ở tại VN, điều này nâng tầm tính pháp lý của vấn đề nhằm tạo ra sự ổn định và yên tâm cho đối tượng mua nhà. Theo một chuyên gia bất động sản, việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà chắc chắn sẽ tác động lên thị trường bất động sản, khiến thị trường sôi động hơn, khả năng giải quyết, huy động vốn vào lĩnh vực này tốt hơn.

Trong một diễn biến mới nhất, Chính phủ thông qua nghị quyết 48 yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN. Trước đó, phía Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Kế hoạch – đầu tư có kiến nghị Chính phủ mở rộng các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại VN.

Các nước đã làm từ lâu

Hiện nay chính sách của nhiều nước trên thế giới tương đối giống nhau trong việc cho người nước ngoài mua nhà, đó là người nước ngoài có thể mua nhà nhưng không được phép mua nhà ở xã hội – nhà ở có trợ giá của Chính phủ.

Ví dụ tại Singapore, quá trình cho người nước ngoài mua nhà được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 chỉ cho người nước ngoài mua căn hộ, giai đoạn 2 được mua căn hộ, biệt thự và nhà gắn liền với đất tại những khu quy hoạch. Hay tại các nước lân cận như Campuchia, Myanmar, Thái Lan… việc người nước ngoài có thể sở hữu nhà cũng đã được thực hiện nhiều năm nay.

ĐÌNH DÂN

(Nguồn: Báo tuổi trẻ)