TẢN MẠN CUỐI TUẦN: KỶ CƯƠNG

(TT&VH) – Cách đây chưa lâu, hẳn chúng ta nhiều người biết chuyện một cậu bé người Mỹ 14 tuổi đã xịt sơn lên kính một chiếc xe hơi ở Singapore. Chiếu theo luật, chính quyền Singapore đã quyết định phạt cậu bé người Mỹ kia 6 roi. Bất chấp sự can thiệp của phía Mỹ, bất chấp nguy cơ chuyện bé xé ra to, ở khía cạnh chính trị hay ngoại giao, cậu bé hư kia vẫn bị 6 roi vào mông. Đấy là kỷ cương của quốc gia Singapore.

(TT&VH) – Cách đây chưa lâu, hẳn chúng ta nhiều người biết chuyện một cậu bé người Mỹ 14 tuổi đã xịt sơn lên kính một chiếc xe hơi ở Singapore. Chiếu theo luật, chính quyền Singapore đã quyết định phạt cậu bé người Mỹ kia 6 roi. Bất chấp sự can thiệp của phía Mỹ, bất chấp nguy cơ chuyện bé xé ra to, ở khía cạnh chính trị hay ngoại giao, cậu bé hư kia vẫn bị 6 roi vào mông. Đấy là kỷ cương của quốc gia Singapore. Tuân thủ và thực thi hiến pháp và pháp luật mức độ nào, là thước đo kỷ cương của một quốc gia. Chính quyền Singapore bỏ qua 6 roi cho cậu bé người Mỹ mắc lỗi chẳng quá khó, nhưng họ không làm thế bởi nếu tha thì chẳng khác gì đánh một roi vào kỷ cương nước nhà. Nguy hại hơn, nguy cơ những cậu bé Singapore mắc lỗi có thể sẽ cao đột biến, vì các em nghĩ rằng cũng sẽ được tha bổng như chú bé người Mỹ kia.

Nếu VFF xử ngôi sao Công Vinh sau vụ tế sống trọng tài một cách nghiêm khắc, đúng luật, thì họ sẽ được rất nhiều, nhất là thể hiện được kỷ cương. Thế nhưng, họ đã làm ngược lại với những chiêu thức nhằm để cứu Công Vinh không thể chấp nhận được: sai luật, thiếu tôn trọng ngay cả chính “người trong nhà” của họ. Vậy thì, làm sao VFF có thể khiến những người tham gia cuộc chơi phải tôn trọng luật, quy chế, điều lệ, quy định kỷ luật.

Có thể dễ dàng nhận ra rằng, bóng đá ta đang “loạn”: loạn ở các văn bản pháp quy. Rõ nhất quy định kỷ luật cứ “vỡ” liên tục, không bắt kịp thực tiễn khiến cho những bản án kỷ luật đưa ra thiếu tính thuyết phục. Bản thân bộ phận hành pháp luôn bị đẩy vào thế lúng túng, xử nặng cũng sợ mà nhẹ cũng không yên. Khổ hơn, họ luôn bị các đội tìm chỗ hở để bẻ lại luật.

Nhiều khán đài loạn theo cấp số nhân. Vậy mà, hình thức xử lý quá nhẹ, như sân Lạch Tray mới đây cũng chỉ bị phạt tiền (vì không tính các năm trước vi phạm). Trên sân cũng loạn khi cảnh bạo lực leo thang, các cầu thủ hành xử với đồng nghiệp như kiểu kẻ thù của nhau. Rồi nhà báo bị BTC sân đối xử như “tội phạm”. Cay đắng hơn, những phản ứng của VFF chẳng khác gì tiếp tay cho BTC sân Thiên Trường. Rồi cách người ta đối xử tàn nhẫn với HLV trưởng, thị trường chuyển nhượng bát nháo, cầu thủ chưa tài đã tật, đã không là chuyện lạ…

Bóng đá chuyên nghiệp phát triển theo quy luật thị trường, có nghĩa không thể đi chệch định hướng chung. Thế mà, những dấu hiệu loạn, thiếu kỷ cương đang diễn biến ngày càng phức tạp. Nên nhớ, mùa giải 2010 mới chỉ diễn ra 8 vòng, phía trước chắc chắn còn nhiều sự kiện nóng và thách thức năng lực của VFF.

Đến đây, cần đặt ra câu hỏi: khi không đủ năng lực kiểm soát được mọi thứ, có cần thiết phải tạm dừng giải, có cần phải tổ chức “chỉnh huấn” tất cả những thành viên tham gia bóng đá, kể cả VFF?

Hay là phải tiếp tục phát triển bóng đá chuyên nghiệp trong tình trạng như người mù vừa đi vừa quờ quạng tìm đường, tính kỷ cương bị xem thường ở mọi cấp. Hay là phải chờ đến những “cái chết” thật, kiểu như bạo loạn sân Vinh năm 2008, mới tỉnh ngộ và người của VFF (Trưởng giải) mới bị “đánh roi”!

Tuần nào cũng thon thót xem bóng đá, đấy không phải là sự phát triển lành mạnh của bóng đá chuyên nghiệp!

NGỌC HÒA
Theo Thể thao & Văn Hóa

TẢN MẠN VỀ TÀI SẢN VÔ HÌNH

Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Chỉ nói riêng về kinh tế, cuộc cách mạng đang diễn ra không phải là cuộc cách mạng về tốc độ, cũng không phải là cuộc cách mạng về năng suất mà là cuộc cách mạng về khái niệm. Thế giới đang được xây dựng theo một hệ thống khái niệm hoàn toàn mới.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Chỉ nói riêng về kinh tế, cuộc cách mạng đang diễn ra không phải là cuộc cách mạng về tốc độ, cũng không phải là cuộc cách mạng về năng suất mà là cuộc cách mạng về khái niệm. Thế giới đang được xây dựng theo một hệ thống khái niệm hoàn toàn mới. Nếu hàng năm có hàng trăm triệu máy tính được bán ra, và mỗi khách hàng mua máy tính đều trả tiền bản quyền phần mềm Windows cho Microsoft thì thu nhập do bản quyền này mang lại có thể lớn hơn GDP của nhiều nước trên thế giới. Như vậy, làm kinh tế trong thời đại mới như thế nào là điều rất phải suy ngẫm. Rõ ràng, tài sản trí tuệ mới có thể làm nên sự khác biệt. Nếu vậy, sáng tạo và quản trị tri thức là cốt lõi của chuyện làm kinh tế trong thời đại mới.

Tài sản trí tuệ là một phần của tài sản vô hình. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là tài sản vô hình là điều không dễ. Nôm na là tất cả những gì không sờ mó được nhưng lại có thể mang lại giá trị thặng dự được tính thành tiền thì đều gọi là tài sản vô hình.

Ai cũng biết “Trăm nghe không bằng một thấy”. Và… “Trăm thấy không bằng một sờ”. Từ trước đến nay, cách thức chiêm nghiệm thế giới khách quan nói trên quả thật là một sự anh minh đáng kính. Tuy nhiên, cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng đến mức ngay cả sự anh minh, cho dù đáng kính này, cũng đã hơn 50% là một thứ đồ cổ. Trong nền kinh tế mới (còn được gọi là kinh tế tri thức), có vẻ như những thứ không thấy, không sờ được đang là phần quan trọng hơn của thế giới khách quan. Chúng mới thực sự là nền tảng cho sự tăng trưởng của một doanh nghiệp, cũng như của một quốc gia. Chính những cái “có có không không” này được gọi là các tài sản vô hình (intangible assets). Có người còn gọi chúng là tài sản phi vật thể. Gọi cách nào cũng được, miễn là chúng ta hiểu đúng khái niệm và hiểu đúng thách thức của thời cuộc đối với đất nước ta.

Bạn đã bao giờ thử định nghĩa hình lò xo là gì chưa? Việc định nghĩa tài sản vô hình không khéo cũng vô vọng như vậy. Để tránh việc phải tìm cách định nghĩa cái dễ cảm nhận, nhưng khó mô tả, xin phép được đi đường vòng một ít (Trong cuộc sống, nhiều khi đường vòng lại là con đường ngắn hơn).

Năm 1986, giá trị của Công ty Microsoft là 86 tỷ USD. Thế nhưng toàn bộ những tài sản có thể thấy được và sờ được (còn gọi là tài sản hữu hình, bao gồm bất động sản, máy móc, thiết bị …) chỉ chiếm 1 tỷ USD. Phần khổng lồ 85 tỷ USD còn lại là giá trị của những tài sản không thấy và không sờ được. Bản quyền của phần mềm hệ điều hành Windows là một tài sản như vậy.

Công ty Microsoft có thể là trường hợp quá đặc biệt đối với thực tiễn còn rất “quá độ” của Việt nam ta. Vậy thì, xin lấy một vài ví dụ khác về tài sản vô hình có tỷ lệ “nội địa hoá” 100% để phân tích.

Ví dụ, sự nổi tiếng là một tài sản. Cát xê cho ca sĩ trẻ Đan Trường, Mỹ Linh… thường cao đến mức làm cho không ít người cảm thấy tấm tức. Rõ ràng, so với mức thù lao dành cho các nghệ sĩ ưu tú, thậm chí cả cho các nghệ sĩ nhân dân, sự ưu ái này có vẻ không được phải đạo cho lắm. Nhưng chúng ta biết làm gì được nếu như sự đánh giá của các hội đồng quốc gia và của công chúng (đặc biệt là công chúng trẻ) không phải bao giờ cũng thống nhất với nhau. Và trong nền kinh tế thị trường, sự đánh giá của công chúng mới là thứ tài sản đích thực có giá trị. Các ông bầu trả tiền cát xê tương ứng với số lượng khán giả mà tên tuổi của các ca sĩ mang lại cho các sô diễn hơn là tương ứng với âm lượng, cũng như danh hiệu của họ. Càng nổi tiếng bạn càng được trả cát xê cao và càng dễ có các hợp đồng quảng cáo béo bở. Quyền tài sản đối với sự nổi tiếng làm cho bạn trở nên giàu có nhanh đến mức ngay cả sự sang trọng-biểu hiện bên ngoài của sự giàu có, không phải bao giờ cũng theo kịp.

Những ví dụ nêu trên cho thấy có rất nhiều thứ vô hình có thể được khai thác để làm ra tiền bạc. Những thứ như vậy chính là tài sản vô hình. Luật Thuế thu nhập của Mỹ tại khoản 1.482-4(b) định nghĩa tài sản vô hình là một tài sản có giá trị thực “độc lập với dịch vụ của bất kỳ một cá nhân nào”. Sáu loại tài sản vô hình dưới đây được kể ra trong đạo luật thuế thu nhập đó:

*Các sáng chế, phát minh, công thức, quy trình, mô hình, kỹ năng (know-how);
*Bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật;
*Thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá;
*Quyền kinh doanh (franchise), giấy phép (license), hợp đồng;
*
Phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, khảo sát, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật;
*
Các thứ “tương tự” khác. Một thứ được gọi là “tương tự” nếu nó tạo ra giá trị không phải nhờ vào các “thuộc tính vật chất”, mà nhờ vào “nội dung trí tuệ hoặc các quyền tài sản vô hình khác của nó”.

Theo số liệu của Liên đoàn quốc tế các nhà kế toán (IFAC), năm 1998, từ 50-90% giá trị do một công ty tạo ra là nhờ vào việc quản trị các tài sản vô hình. Như vậy, việc quản trị các tài sản hữu hình chỉ tạo ra từ 10-50% giá trị. Sự chênh lệch này sẽ tiếp tục tăng lên khi nền kinh tế tri thức ngày càng trở thành một thực tế khách quan. Nếu trong những năm 70 tương quan giữa giá trị sổ sách (căn cứ vào bảng cân đối tài sản) và giá trị thị trường ( căn cứ vào giá cổ phiếu) của một công ty là 1/1, thì hiện nay tương quan đó là 1/6. Xã hội loài người đang thật sự chuyển dần từ nền văn minh vật chất sang nền văn minh tinh thần. Thách thức đang đặt ra cho các doanh nghiệp là rất to lớn. Các công ty không biết xây dựng một chiến lược để phát triển và quản trị tài sản vô hình sẽ giống như loài khủng long phải đối mặt với rủi ro bị biến mất hoàn toàn khỏi trái đất.

Khi tài sản vô hình lên ngôi, các dân tộc khôn ngoan đã nhanh chóng tập trung mọi nỗ lực đầu tư cho những chú “gà đẻ trứng vàng” mới này. Theo số liệu của Chính phủ Hà Lan, năm 1992, các tài sản vô hình chiếm đến 35% tổng vốn đầu tư của nhà nước cũng như của tư nhân tại Hà Lan. Cũng trong năm này tại Mỹ, vốn đầu tư cho các tài sản vô hình đã vượt vốn đầu tư cho tài sản hữu hình. ở Thuỵ Điển, nguồn đầu tư cho các tài sản vô hình chiếm đến 20% GDP.

Trong một thế giới đã thay đổi, người Việt chúng ta không khéo (xin mượn lời của Ts. Phạm Duy Nghĩa, Trường đại học quốc gia Hà nội) “đang đứng ngẩn ngơ bên ruộng lúa của mình để nghe người Tàu, người Thái chit-chat” (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 1 năm 2003). Thách thức có thể là rất to lớn. Tuy nhiên, với tiềm năng trí tuệ và khiếu thẩm mỹ hơn người, dân tộc ta cũng đang có những cơ hội chưa từng thấy để thành đạt trong nền kinh tế mới. Điều quan trọng là cần tránh lặp lại vết xe đổ của vua quan nhà Nguyễn khi nghi ngờ và phủ định sự tồn tại của “những chiếc đèn treo ngược”.

TS : Nguyễn Sĩ Dũng
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

TẢN MẠN VỀ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT

Vào năm 1994, có một vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng trị giá khởi kiện đòi bồi thường gần 700000 USD được đưa đến một tòa án tỉnh. Sau khi suy xét cả tháng trời, Tòa trả lại đơn với lý do hai bên đã thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là trọng tài với quy tắc tố tụng của ICC (Phòng thương mại quốc tế).

Vào năm 1994, có một vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng trị giá khởi kiện đòi bồi thường gần 700000 USD được đưa đến một tòa án tỉnh. Sau khi suy xét cả tháng trời, Tòa trả lại đơn với lý do hai bên đã thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là trọng tài với quy tắc tố tụng của ICC (Phòng thương mại quốc tế). Thực ra nội dung ngữ nghĩa của câu chữ xác định rằng, trong trường hợp có bất đồng về thẩm quyền thẩm phán, thì Trọng tài của ICC có thẩm quyền phân định. Nguyên cứu nguyên tắc tố tụng của ICC dẫn chiếu đến trường hợp này, việc phân định cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp sẽ do Trọng tài LaHaye quyết định…Vụ kiện trên đến nay vẫn chữa giải quyết xong.

Trong các giáo trình và các bài nghiên cứu về tư pháp quốc tế của Việt nam hiện nay, hiện tượng xung đột pháp luật trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hiểu theo nghĩa rộng và cấu trúc của quy phạm xung đột pháp luật tưởng chừng như đã được hiểu biết một cách thấu đáo. Tuy nhiên, thực tiễn những năm cải cách và mở cửa của nước ta cho thấy các giải pháp nhằm sử lý các hiện tượng xung đột về thẩm quyền xét xử và xung đột về luật áp dụng vẫn chưa đạt được sự thống nhất của Tòa án nhân dân tối cao. Nhiều vấn đề về nhận thức, quan niệm và các nguyên tắc vẫn chưa được làm sáng tỏ ở góc độ nguyên cứu lẫn thực tiễn xét xử . Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu một vài ý kiến về vấn đề này.

1-Theo quan niệm truyền thống thì khi có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh, người ta nói đến xung đột pháp luật. Vấn đề đặt ra là cơ quan tài phán nào có thẩm quyền và sẽ phải “chọn luật” nào để áp dụng nhằm giải quyết tranh chấp đó? Có thể nói, xung đột pháp luật là đặt thù của tư pháp quốc tế – được hiểu như một ngành luật trong nước. Tuy nhiên, thật ra quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong tư pháp quốc tế cần được hiểu theo khái niệm rộng hơn, bao hàm cả việc ký kết và thực hiện các hợp đồng giữa các doanh nghiệp thuộc các nước khác nhau. Không những thế, nó còn mở rộng đến một loạt quan hệ mới như bảo hiểm, chuyển giao công nghệ, sở hữu công nghiệp, thương mại điện tử (Electric – com – mercical)…Vấn đề là ở chổ, chính trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế thế giới và thương mại điện tử đã khiến chúng ta phải đặt lại suy nghĩ, nhận thức, quan niệm về cái gọi là “yếu tố nước ngoài”.

“Yếu tố nước ngoài” không đơn giản chỉ là sự khác biệt nước này với nước kia, mà bao hàm cả sự khác biệt về quốc tịch, nơi xảy ra hành vi, nơi có tài sản, nơi giải quyết xung đột…Vì thế, quan niệm coi tư pháp quốc tế như một “vùng đệm”, hay “sự giao thoa” giữa luật quốc tế và luật quốc gia cần phải được tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Nói cụ thể hơn, khi bàn đến thẩm quyền xét xử quốc tế các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, suy cho cùng lại do một Tòa án hoặc Trọng tài quốc gia nào đó phán quyết, đồng nghĩa với cơ quan tài phán quốc gia, nên “sự giao thoa” này liệu phải có một giới hạn nào đó cho việc phân định? Giáo trình tư pháp quốc tế cho thấy “nguồn” của tư pháp quốc tế cũng là sự giao thoa của luật quốc tế (điều ước quốc tế) và luật quốc gia. Cho nên, không thể có một “môi trường” hay “đời sống” lý tưởng trong đó mọi tranh chấp có yếu tố nước ngoài sẽ chỉ được điều chỉnh bởi các quy phạm thực chất thống nhất trong các điều ước quốc tế. Nghịch lý là ở chỗ, ai cũng nói về từ “quốc tế” trong tư pháp quốc tế, nói về yếu tố nước ngoài trong các quan hệ pháp luật phát sinh, nhưng về lý học thì luôn coi đây là ngành luật trong nước.

Chúng tôi quan niệm, suy cho cùng, bản chất hay mục đích tự thân của tư pháp quốc là tìm giải pháp chung thống nhất cho những vấn đề khác biệt nảy sinh trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo nghĩa rộng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trên thế giới cũng như ở Việt Nam, không phải lúc nào cũng tìm thấy cái điểm chung thống nhất đó. Ngay cả khi hai nước ký kết với nhau một Hiệp định tương trợ tư pháp song phương thì đôi khi cũng dành cho mình quyền công nhận một số chứ không phải tất cả các phán quyết của nước kia. Bởi vì, mọi người đều hiểu rằng, quan hệ tư pháp quốc tế bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố “có đi có lại”, hay sự thừa nhận giải pháp chung cho mọt hiện tượng xung đột pháp luật nào đó, thực chất đôi khi lại hàm chứa sự cảm tính. Người ta nhớ lại, trong thời kỳ trước đây khi bị Mỹ cấm vận, gần như các nước thuộc khối tư bản chủ nghĩa không coi pháp luật Việt Nam như một hệ thống, thậm chí nước nào có quan hệ kinh tế với Việt Nam cũng bị trừng phạt. Điều này cho thấy, trong đời sống quốc tế hiện đại, thứ luật kiểu Mỹ này thực chất chỉ là luật quốc gia, nhưng “ảnh hưởng ngầm” của nó đã vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ.

Trong một bài thuyết giảng tại Hà Nội vào năm 1995[1], tác giả Bernard Audit (Giáo sư Đại học Tổng hợp Paris II) – một trong những chuyên gia hàng đầu về xung đột pháp luật của thế giới và Cộng đồng Châu Âu – có đề cập đến khái niệm “xung đột ảo”. Nói tới xung đột ảo là nói tới thứ xung đột giả tạo nhằm che đậy một xung đột đích thực. Vì thế, cần phải quay trở lại tính mục đích trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật xung đột, bởi suy cho cùng, nó nhằm bảo vệ ai? Tác giả Bernard Audit viện dẫn một trường hợp tai nạn xe hơi tại Mỹ, có sự khác biệt trong pháp luật của mỗi bang: Pháp luật New York có mục đích nhằm bồi thường thiệt hại cho người bị hại, còn pháp luật của bang Bontario lại nhằm mục đích trừng trị, hạn chế bớt những trường hợp gian lận về bảo hiểm (hay đứng trên quyền lợi của những nhà kinh doanh bảo hiểm). Như vậy, tính mục đích của pháp luật quyết định sự lựa chọn hệ thuộc áp dụng khi có hiện tượng xung đột pháp luật. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để nhìn ra cái gọi là “xung đột giả tạo” đang che đậy “xung đột đích thực” để loại trừ thứ xung đột giả tạo đó?

Tính mục đích này đôi khi cũng khiến Tòa án hoặc Trọng tài Việt Nam phân vân khi gặp trường hợp xung đột pháp luật, có nên coi trọng lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam so với cá nhân, pháp nhân nước ngoài? Trong khi chúng ta đang phân vân “cân đo” lợi ích, thậm chí khuyến khuyết trước thực trạng phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam không có cơ chế bảo đảm thi hành tại Việt Nam, thì ở nước ngoài, phán quyết này lại được công nhận và thi hành có hiệu quả. Nhìn về tổng thể, mọi việc dường như không dễ dàng khi phê phán một số quan niệm tư pháp quốc tế bởi điểm đặc biệt của tư pháp quốc tế chính là tính không điển hình và kh6ng triệt để của nó, cho dù ngay cả ở các nước áp dụng án lệ (Common Law). Có hiện tượng áp dụng quy phạm xung đột trong trường hợp này, ở quốc gia này thì có hiệu quả nhưng ở trường hợp khác, quốc gia khác thì không.

2. Có lẽ không ai tranh luận về khái niệm quy phạm pháp luật, với ý nghĩa như là một quy tắc bắt buộc chung, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, được Nhà nước đặt ra hay thừa nhận và bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Cũng như, ai cũng hiểu cấu trúc của quy phạm pháp luật bao gồm ba bộ phận cấu thành: giả định, quy định và chế tài.

Vậy quy phạm pháp luật xung đột có phải là quy phạm pháp luật như nghĩa nguyên thủy của nó? theo nghĩa thông thường, quy phạm pháp luật xung đột là loại quy phạm xác định luật của nước nào được áp dụng khi phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật. Nó không bao hàm chính pháp luật thực chất (nội dung) nhằm giải quyết xung đột ấy. Tuy nhiên, như trên đã nói, bản thân xung đột pháp luật là một hiện tượng cực kỳ phức tạp, nên lựa chọn được một quy phạm pháp luật xung đột không phải đơn giản và càng không thể nói đến tính hiệu quả, xét về phương diện thể hiện trên thực tế. Bởi trong quá trình lựa chọn đó, người ta bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố chủ quan, như nhận thức của thẩm phán, bản thân cơ quan tài phán, của đương sự, thậm chí cả phương diện Nhà nước khi yếu tố trật tự công cộng” được bảo lưu trong việc áp dụng luật nước ngoài…

Quay trở lại tính mục đích của quy phạm pháp luật xung đột, chính là nhằm tìm ra những nguyên tắc để xác định pháp luật áp dụng nhằm giải quyết các quan hệ tranh chấp trong tư pháp quốc tế với một giải pháp giống nhau, cho dù có sự lựa chọn hệ thống pháp luật khác nhau. Theo tác giả Bernard Audit, tính mục đích đó chỉ là lý tưởng, vì mười thế kỷ nay, người ta đã đi tìm, đã làm và xác định được những nguyên tắc, những hệ thuộc xung đột truyền thống, nhưng tính mục đích đó không đạt được. Do đó, khi nói đến giá trị điều chỉnh của quy phạm pháp luật xung đột là hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể tư pháp quốc tế, khi bản thân mỗi chủ thể đều mong muốn lựa chọn hệ thuộc xung đột có lợi cho mình khi xác định thẩm quyền và luật áp dụng.

Như vậy, có thể hiểu ngay quy phạm pháp luật xung đột không phải là quy phạm pháp luật với cấu trúc theo nghĩa truyền thống, mà nó có các dấu hiệu đặc trưng như: a) Gián tiếp; b) Thứ cấp; c) Trung lập; d) Máy móc; đ) Khách quan… Chưa bàn đến quan niệm coi quy phạm pháp luật xung đột như một loại quy phạm mang tính chất gián tiếp, hay bị miệt thị như thứ quy phạm hạn hai, thứ cấp, thì vẫn tồn tại trên thực tế một loại quy phạm mà tác giả Bernard Audit gọi là thứ “pháp luật cảnh sát”, có hiệu lực áp dụng bắt buộc trong quan hệ thương mại quốc tế, về chống độc quyền, cạnh tranh…Việc buộc áp dụng này khiến cho một số quy phạm pháp luật xung đột rất gần với quy phạm của quy phạm của công pháp quốc tế.

Nhưng điều đáng bàn chính là đặc trưng trung lập, khách quan hay có người gọi là giống trung. Rõ ràng là, không hoàn toàn trung lập hay khách quan khi quy phạm pháp luật xung đột dẫn chiếu đến luật nước nào thì áp dụng luật nước đó. Thực tế ai cũng biết là khi quyết định lựa chọn luật nào được áp dụng thì thẩm phán thông qua lăng kính ý chí chủ quan của mình đã hình dung trước, hay nhìn thấy trước hệ quả của việc áp dụng đó. Như vậy, phải chăng Tòa án làm ra vẻ khách quan khi dựa vào quy phạm pháp luật xung đột để lựa chọn luật áp dụng, nhưng thực tế thì họ đã nhìn thấy trước hệ quả của nó khi áp dụng một hệ thống pháp luật nào đó? Như ví dụ đầu bài cho thấy, thật ra khi từ chối thẩm quyền thụ lý và giải quyết của Tòa án Việt Nam, thẩm phán nhận lãnh trách nhiệm thụ lý có thể đã nhìn thấy trước sự thất bại của nguyên đơn trong hành trình đi kiện, vì điều khoản trọng tài không rõ ràng đó dẫn chiếu đến Trọng tài Lahaye và nơi đây sẽ chỉ làm mỗi nhiệm vụ xem cơ quan tài phán nào có thâm quyền giải quyết. Trong khi đó, người viết bài này quan niệm, điều khoản Trọng tài như trên phải bị coi là vô hiệu trong và trường hợp này, Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền thụ lý vì cả hai là pháp nhân Việt Nam, nơi ký kết hợp đồng, nơi thực hiện và nơi xảy ra tranh chấp là ở tại Việt Nam…

Trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại, người ta thường áp dụng loại hệ thuộc xung đột mới là tự do lựa chọn luật áp dụng. Chính sự tự do này đôi khi khiến cho các bên đương sự lạm dụng khi tránh không phải áp dụng một hệ thống pháp luật mà đáng lẽ nó phải được áp dụng. Do đó, phải xem xét yếu tố trung lập. Khách quan, có còn tồn tại không, hay vi phạm pháp luật xung đột, như chính quy phạm pháp luật, cũng chỉ là sản phẩm của con người trong quá trình hoạt động nhận thức hiện thực quanh mình, từ đó hình thành nên quy tắc ứng xử cho hành vi?

Vì vậy, nguồn gốc của tất cả những sư khác biệt về quan niệm, nhận thức nói trên, về bản chất có phải nằm trong chính khái niệm “chủ quyền quốc gia” và trong sự khác biệt về hệ thống chính trị, kinh tế, đặc điểm xã hội, nền tảng văn hóa, quá trình hình thành và phát triển của một quốc gia? Điều này tùy thuộc vào nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế khi một quốc gia có thái độ tôn trọng quy phạm thực chất bắt buộc của nước ngoài, thì ngược lại, họ cũng đòi hỏi quốc gia tương ứng phải có thái độ như vậy. Có như thế thì may chăng bản thân xung đột pháp luật mới giải quyết được tân gốc rễ. Ngay một đất nước phát triển, đang trong quá trình hội nhập, trong định hướng xây dựng pháp luật rất cần phải có một thái độ thích ứng mềm dẻo, linh hoạt, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong điều kiện toàn cầu hóa.

Làm sao để quan niệm “đụng” đến quy phạm pháp luật xung đột khác nào nhảy vào nơi vô định vì không biết chắc chắn quy phạm pháp luật xung đột đó sẽ đưa mình đi đến đâu, sẽ không còn nguyên nhân để tồn tại…

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL1/2001

[1] Hội thảo về tư pháp quốc tế, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội 24, 25 và 27. 11.1995.

VĂN HÓA PHÁP LÝ VÀ NGHỆ THUẬT ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Văn hoá được hiểu là tất cả những gì, kể cả bản thân con người, do con người từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau thông qua lao động sáng tạo ra và xây dựng nên nhằm đáp ứng các nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của mình. Mọi quốc gia, dân tộc đều có nền văn hoá riêng được xây dựng và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trong quá trình toàn cầu hoá, văn hoá chính là nền tảng để dân tộc Việt Nam hội nhập nhưng không hoà tan. Văn hoá pháp lý là một bộ phận hợp thành của nền văn hoá dân tộc và hàm chứa trong nó ba yếu tố: ý thức pháp luật; hệ thống pháp luật và trình độ, kỹ năng, nghệ thuật áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội.

1.Ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật thuộc lĩnh vực đời sống của con người. Cấu trúc của ý thức pháp luật bao gồm các yếu tố và mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng, như: trí tuệ pháp luật; tình cảm pháp luật và thói quen pháp luật.
1.1. Trí tuệ pháp luật
Trí tuệ pháp luật được thể hiện ở ba nội dung: nhận thức pháp luật; tri thức pháp luật; học thuyết pháp lý.
Nhận thức pháp luật của con người thể hiện ở trình độ hiểu biết nhiều hay ít, nông hay sâu về nội dung của các quy phạm pháp luật và quá trình điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Nhận thức pháp luật có thể phân biệt thành ba mức độ khác nhau: chưa nhận thức được; nhận thức chưa đầy đủ và nhận thức tương đối toàn diện. Trí tuệ của con người là không có giới hạn. Từ nhận thức chưa đầy đủ đến nhận thức ngày một rõ ràng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về pháp luật là con đường tất yếu con người phải trải qua. Nhận thức đúng về pháp luật là bảo đảm quan trọng cho mỗi người hành động đúng theo yêu cầu của pháp luật. Không nhận thức được pháp luật hoặc nhận thức sai lệch về pháp luật sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy, Nhà nước ta dành phần ngân sách đáng kể, sử dụng phương tiện vật chất, kỹ thuật và luôn kiên trì, bền bỉ để tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho dân chúng.
Tri thức pháp luật thể hiện ở trình độ hiểu biết pháp luật một cách đầy đủ, sâu sắc, là kết quả của tính năng động, tìm tòi, khám phá trong hoạt động tư duy của con người. Tri thức pháp luật cần cho mọi người, mọi ngành. Để đảm bảo thành công cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, Nhà nước cần đề ra hệ thống chỉ tiêu trình độ tri thức pháp luật cho công dân và cán bộ công chức, viên chức. Hệ thống chỉ tiêu đó có thể là: trình độ tri thức pháp luật phổ thông (có hiểu biết về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân); trình độ tri thức pháp luật trung cấp (đối với công chức bình thường phải nắm được pháp luật về hành chính, bộ máy nhà nước…); trình độ tri thức pháp luật đại học (đối với công chức, viên chức ngành tư pháp phải có bằng cử nhân luật…); trình độ tri thức pháp luật trên đại học (đối với các giảng viên đại học chuyên về các môn khoa học pháp lý, các cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo chuyên luật, các cơ sở nghiên cứu về luật…).
Trình độ tri thức pháp luật của công chức, viên chức ở cương vị nào phải tương xứng với cương vị đó, hoạt động ở lĩnh vực nào phải nắm vững pháp luật về lĩnh vực ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rất rõ yêu cầu này nên khi đề ra đường lối đổi mới, Văn kiện Đại hội VI (tháng 12/1986) đã khẳng định: “Cán bộ quản lý hành chính nhà nước từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch các cấp, Cục, Vụ trưởng đều phải là những người hiểu biết nguyên tắc, chế độ quản lý hành chính, hiểu biết pháp luật, hiểu biết chuyên môn… Các cán bộ lãmh đạo và quản lý ở các cương vị chủ chốt từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, từ Tổng giám đốc đến cán bộ quản lý cơ sở đều phải qua các lớp bồi dưỡng định kỳ có sát hạch theo chương trình thiết thực, có hệ thống về đường lối, chính sách, cơ chế quản lý và kiến thức quản lý mới về chuyên môn, nghiệp vụ và về pháp luật…”1. Hiện nay, trong điều kiện mới thì những yêu cầu trên của Đảng cần phải được nhấn mạnh hơn, kiên quyến hơn trong thực thi nhằm phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tri thức pháp luật không tương xứng với cương vị công tác, với quyền hạn và trách nhiệm được giao là nguyên nhân tiềm ẩn của sự vi phạm pháp luật, lạm quyền, cửa quyền.
Học thuyết pháp lý. Cũng như mọi ngành khoa học khác, khoa học pháp lý trong quá trình phát triển về mặt lý luận đã phát sinh ra nhiều học thuyết khác nhau như học thuyết pháp trị, đức trị, kỹ trị, tam quyền phân lập… Các nhà khoa học pháp lý chân chính của Việt Nam cần quan tâm  xây dựng ý thức hệ pháp luật quốc gia của mình trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Nội dung cốt lõi của học thuyết pháp luật Việt Nam phải bao hàm những vấn đề cơ bản sau: pháp luật là ý chí của nhân dân lao động Việt Nam; Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp… Việc áp dụng một cách máy móc các học thuyết pháp lý của nước ngoài vào hoàn cảnh Việt Nam là điều cần tránh.
1.2. Tình cảm pháp luật
Tình cảm con người là những rung động đặc thù về tâm hồn được biểu hiện thông qua các cung bậc của cảm xúc như vui mừng, sợ hãi, oán ghét, thán phục, niềm tin và hi vọng, sự chán chường, sự mất lòng tin… Tình cảm con người được thể hiện bằng những thái độ như ủng hộ hay phản đối, gần gũi hay xa lánh, quan tâm hay thờ ơ… Từ đó có thể hiểu tình cảm pháp luật là những rung động về tâm hồn của con người đối với pháp luật nói chung và đối với những hành vi cụ thể được pháp luật điều chỉnh. Tình cảm pháp luật là niềm tin hay mất niềm tin, là sự tôn trọng hay không tôn trọng đối với pháp luật và những việc liên quan đến pháp luật. Tình cảm pháp luật của mỗi người là khác nhau: có người rất tôn trọng pháp luật, sống có kỷ cương, nền nếp nhưng có người lại coi thường pháp luật, nói đến pháp luật là họ cảm thấy mất tự do.
Trong đời sống xã hội, tình cảm pháp luật của công dân chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Người có tình cảm pháp luật theo hướng tích cực sẽ tự nguyện tuân thủ pháp luật góp phần hoàn thành nghĩa vụ, nâng cao trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và Tổ quốc. Vì vậy, Nhà nước cần có các biện pháp phù hợp thường xuyên vun đắp, bồi dưỡng tình cảm pháp luật cho dân chúng.
1.3. Ý chí, thói quen pháp luật
Tình cảm pháp luật lành mạnh luôn xuất hiện ở những người có ý chí pháp luật vững vàng. Người có ý chí pháp luật vững vàng luôn giữ vững được tình cảm pháp luật tích cực và luôn có hành vi xử sự phù hợp với pháp luật. Ngay cả trong trường hợp bị mua chuộc, bị khống chế, bị đe doạ đến tính mạng thì người có ý chí pháp luật vững vàng cũng không thực hiện hành vi trái luật. Hơn thế nữa, người có ý chí pháp luật vững vàng không dung thứ, làm ngơ trước những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ ai. Họ luôn đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm pháp nhằm bảo vệ pháp luật.
Quá trình tuân thủ pháp luật trong đời sống xã hội luôn hình thành các thói quen pháp luật và khó có thể cưỡng lại thói quen khi nó đã trở thành nếp sống của con người, trong đó có thói quen tích cực và thói quen tiêu cực. Người có thói quen tốt về pháp luật trước khi làm bất cứ việc gì đều tìm hiểu, tra cứu kỹ càng pháp luật; tham khảo đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, lắng nghe đầy đủ các lập luận phản biện. Họ là lực lượng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Nhà nước cần tuyên truyền, phổ biến, có biện pháp nhân rộng thói quen tích cực trong dân chúng. Ngoài ra, Nhà nước cũng đồng thời phải có kế hoạch khắc phục thói quen tiêu cực. Biểu hiện của thói quen tiêu cực về pháp luật trong quản lý là quản lý không theo pháp luật: lối quản lý tuỳ tiện, nghĩ sao làm vậy, không chịu tìm hiểu pháp luật trước khi ra quyết định, không muốn để người khác phản biện, chỉ muốn người khác tung hô, phụ hoạ ý kiến của mình. Người có thói quen pháp luật xấu trong quản lý thường chỉ chú ý đến lợi ích ngành mình, địa phương mình, xem nhẹ lợi ích đại cục, lợi ích chung của đất nước; khi không hoàn thành nhiệm vụ thường đổ lỗi cho sự bất cập của cơ chế, pháp luật.
Trí tuệ pháp luật, tình cảm pháp luật và ý chí, thói quen pháp luật là ba yếu tố hợp thành ý thức pháp luật. Khi nói đến việc nâng cao ý thức pháp luật thì phải có biện pháp đồng bộ nâng cao tất cả các yếu tố hợp thành.
2. Hệ thống pháp luật
Lịch sử xã hội loài người cho thấy, khi nào pháp luật hợp lòng người, rõ ràng và được tuân thủ nghiêm minh thì lòng dân quy tụ vào một mối, hiệu lực quản lý nhà nước được nâng cao và đạt hiệu quả, xã hội phát triển ổn định. Ngược lại, nếu pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, lạc hậu, việc tuân thủ pháp luật bị buông lỏng thì công lý suy giảm, lòng dân không yên, xã hội lâm vào tình trạng mất ổn định. Như vậy, rối loạn trước hết là rối loạn kỷ cương, phép nước và lập lại trật tự, ổn định cũng bắt đầu từ việc sửa đổi chính sách, pháp luật. Muốn thúc đẩy xã hội phát triển phải xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Hệ thống pháp luật của một quốc gia được coi là hoàn thiện nếu đạt được các tiêu chí sau:
Một là, phù hợp với trình độ phát triển và quy luật khách quan của xã hội. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở pháp lý thống nhất cho sự phát triển mọi mặt của xã hội. Pháp luật sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội khi nó được xây dựng  phù hợp với quy luật kinh tế – xã hội, trình độ phát triển, thực tiễn của đời sống xã hội. Khi một quy phạm pháp luật nào đó không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội thì cần phải sửa đổi, bổ sung.
Hai là, mang tính đồng bộ, thống nhất. Pháp luật bao gồm một hệ thống các văn bản luật và văn bản dưới luật. Pháp luật chỉ được phát huy tác dụng khi hệ thống các văn bản đó đồng bộ với nhau, các điều luật không mâu thuẫn, chồng chéo mà phải thống nhất với nhau. Văn bản dưới luật phải phù hợp với văn bản luật. Các đạo luật phải phù hợp với Hiến pháp.
Ba là, mang tính ổn định cao. Sự ổn định của pháp luật thể hiện sự ổn định của xã hội. Nhà làm luật phải nhận thức được xu thế phát triển, dự kiến được các tình huống có thể xảy ra trong tương lai để định ra các đạo luật phù hợp với thực tiễn. Pháp luật ổn định đem lại lòng tin cho dân chúng, đặc biệt là các nhà đầu tư, các doanh nhân. Để pháp luật hay thay đổi là điều nên tránh.
Bốn là, được ban hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Làm luật không phải là sáng kiến bất chợt mà là một quá trình nghiền ngẫm, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, đúc kết, thí nghiệm, thực nghiệm công phu. Trước hết, nhà làm luật phải đề ra chương trình, kế hoạch, phân công cơ quan chủ trì và phối hợp soạn thảo, đưa ra các cơ quan và đoàn thể thảo luận, đưa ra toàn dân thảo luận, giai đoạn chỉnh sửa…, trước khi thông qua phải được phản biện nghiêm túc và đầy đủ của các cơ quan nghiên cứu có kinh nghiệm, các nhà khoa học pháp lý uy tín. Chừng nào còn thấy dự thảo luật chưa bảo đảm chất lượng thì chưa nên gượng ép ban hành. Không thể làm luật theo kiểu giao khoán hoặc chạy theo tiến độ.
Năm là, phải dễ hiểu và minh bạch. Ngôn ngữ pháp luật phải rõ ràng, chính xác, minh bạch, cụ thể, ngắn gọn để mọi người đều hiểu và làm đúng như nhau. Pháp luật được ban hành để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống nên nội dung của pháp luật phải dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thi hành đối với đông đảo nhân dân lao động. Dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thi hành, đảm bảo tính khoa học và tính đại chúng trong làm luật và đòi hỏi tính sáng tạo cao của nhà làm luật.
Tíêu chí minh bạch của pháp luật còn thể hiện ở tính công khai rộng rãi của nó. Việc ban hành văn bản pháp luật, sửa đổi, bổ sung hoặc tuyên bố hết hiệu lực thi hành đều phải được thông báo rộng rãi đến tận người dân.
Sáu là, phải thường xuyên được hệ thống hoá, pháp điển hoá. Xã hội ngày càng phát triển và nội dung, lĩnh vực quản lý nhà nước cũng không ngừng được mở rộng nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nhiều. Trong đời sống xã hội, người bị quản lý cũng như người quản lý muốn có quyết định đúng luật phải tra cứu, tham khảo nhiều quy phạm pháp luật nằm rải rác trong các văn bản pháp luật. Muốn đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ lưỡng hàng loạt văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, các luật thuế, Bộ luật Lao động,… Để giúp công dân và tổ chức tra cứu thuận tiện thì Nhà nước cần tổ chức tốt công tác hệ thống hoá pháp luật theo các lĩnh vực quản lý.
Đời sống xã hội diễn ra vô cùng phong phú, sống động và nhà làm luật không thể lường trước được mọi góc độ, khía cạnh của các vấn đề, không thể dự báo được chính xác mọi tình huống sẽ xảy ra. Nhà làm luật trên cơ sở của thực tiễn sáng tạo ra đạo luật và đến khi đạo luật thâm nhập vào đời sống lại gặp muôn vàn tình huống mới. Điều này đòi hỏi pháp luật phải sửa đổi, bổ sung và nếu cần thiết phải hướng dẫn thi hành để áp dụng thống nhất. Việc sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành pháp luật cần được thực hiện thường xuyên. Đây chính là công tác pháp điển hoá pháp luật. Nhà nước cần có kế hoạch nâng cao dần trình độ pháp điển hoá pháp luật cho cán bộ, công chức nhằm loại bỏ các mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo, lỗi thời của pháp luật hiện hành, bổ sung những điều luật mới rồi hệ thống hoá chúng lại thành các bộ luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… để sau một thời gian nữa có thể xây dựng được Bộ Tổng luật cho quốc gia.
3. Trình độ, kỹ năng, nghệ thuật áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội
Nhà nước ban hành pháp luật để quản lý xã hội. Để quản lý xã hội có hiệu quả, Nhà nước phải đồng thời làm tốt hai hoạt động gắn chặt với nhau là xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Muốn phát huy tính hiệu quả của một công cụ nào đó đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ, kỹ năng, nghệ thuật. Nghệ thuật sử dụng càng điêu luyện thì chức năng của công cụ càng được phát huy.
Thực hiện pháp luật được thể hiện qua các hình thức: tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Nếu mọi chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện ba hình thức đầu thì áp dụng pháp luật là hình thức luôn luôn có sự tham gia của Nhà nước: Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể thực hiện các quy định của pháp luật.
Áp dụng pháp luật là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, các công chức nhà nước và các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao quyền. Áp dụng pháp luật là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo cao. Người thực hiện áp dụng pháp luật đòi hỏi phải có kỹ năng đạt đến trình độ nghệ thuật của nó. Cũng là một phiên toà xét xử về cùng một loại án, một tội danh, đối tượng phạm tội, hoàn cảnh phạm tội gần giống nhau nhưng kết quả xử không phải lúc nào cũng giống nhau, mà thậm chí còn trái ngược nhau. Dưới sự chủ toạ của Thẩm phán A, phiên toà diễn ra hết sức trang nghiêm, trật tự. Nội dung thẩm vấn công khai trước Toà đã làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án và bản án được thông qua trước sự tâm phục, khẩu phục của bị cáo và những người chứng kiến cũng như dư luận. Tác dụng của bản án mang tính giáo dục sâu sắc. Nhưng với Thẩm phán B thì phiên toà diễn ra lộn xộn, các tình tiết vụ án không được soi xét kỹ lưỡng gây mất lòng tin của những người chứng kiến và bản án được thông qua tại phiên toà chưa thật đạt lý, thấu tình, dẫn đến kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, vấn đề ở đây không phải do lỗi của bản thân pháp luật mà do kỹ năng áp dụng pháp luật giữa hai thẩm phán khác nhau, người đạt trình độ nghệ thuật, còn người khác tỏ ra yếu kém.
Áp dụng pháp luật trong tất cả các lĩnh vực: quản lý hành chính, quản trị kinh doanh, sản xuất, dịch vụ… đều đòi hỏi phải đạt trình độ nghệ thuật. Cũng là giải phóng mặt bằng để xây dựng các dự án quốc gia nhưng trường hợp này thì được nhân dân ủng hộ, trường hợp khác lại bị dân chúng phản đối. Rõ ràng hai Hội đồng giải phóng mặt bằng có trình độ áp dụng pháp luật khác nhau. Gần đây, tại Thủ đô Hà Nội xảy ra một số trường hợp lái xe chống lại một cách quyết liệt việc yêu cầu dừng xe của cảnh sát giao thông. Lẽ dĩ nhiên lái xe vi phạm luật giao thông thì phải xử lý nhưng cách xử lý của một số cảnh sát giao thông tỏ ra vụng về, không thuyết phục và thậm chí chưa đúng luật.
Áp dụng pháp luật đạt đến trình độ nghệ thuật khi đáp ứng được các tiêu chí:
Phân tích kỹ lưỡng các tình tiết của vụ việc, tuyên truyền, giải thích pháp luật, biến tính bắt buộc của pháp luật thành tính tự nguyện, tự giác tuân thủ pháp luật của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan, nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng pháp luật cần xem xét một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả những tình tiết của vụ việc, làm sáng tỏ những sự kiện có liên quan; xác định đặc trưng pháp lý của vụ việc và tuân thủ các thủ tục hành chính, tư pháp trong suốt quá trình xem xét vụ việc. Tiếp đó, nhà chức trách có nghĩa vụ lựa chọn các quy phạm pháp luật cụ thể phù hợp để giải quyết vụ việc. Người áp dụng pháp luật phải làm sáng tỏ nội dung và tư tưởng của quy phạm pháp luật được lựa chọn để bảo đảm áp dụng đúng pháp luật. Đây là quá trình đòi hỏi tư duy sáng tạo. Đối phó với pháp luật là phản ứng tự nhiên của nhiều người về mặt tâm lý khi pháp luật động chạm đến lợi ích riêng tư. Ví dụ như, trong việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế của đất nước, có địa phương nhân dân ủng hộ và tích cực thực hiện việc bàn giao diện tích, di dời chỗ ở, nhưng cũng có nơi, dân phản đối, buộc chính quyền phải ban hành lệnh cưỡng chế và khi đương sự chống đối quyết liệt, điểm nóng phát sinh. Nếu người áp dụng pháp luật có trình độ đạt đến nghệ thuật, họ sẽ giải thích pháp luật rõ ràng và đầy đủ cho đương sự, làm cho đương sự hiểu được đâu là quyền và lợi ích hợp pháp, đến giới hạn nào là vi phạm thì hạn chế được các điểm nóng. Pháp luật là chung nhưng trình độ áp dụng pháp luật khác nhau, văn hoá pháp lý khác nhau nên kết quả trái ngược nhau.
Trong việc tuân thủ pháp luật đòi hỏi cơ quan nhà nước, các nhà chức trách phải làm gương mới có thể đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc áp dụng pháp luật phải đúng đối tượng, đúng vụ việc, đúng pháp luật, công khai, minh bạch, khách quan, chí công vô tư. Người áp dụng pháp luật phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ thì họ sẽ hợp tác với chính quyền và tự nguyện chấp hành pháp luật. Nhân dân không chấp hành pháp luật trước hết lỗi thuộc về các nhà chức trách, chúng ta cần đứng từ góc nhìn đó để đánh giá trình độ, khả năng áp dụng pháp luật, thực thi công vụ của các nhà chức trách và yêu cầu họ tu dưỡng đạo đức, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng áp dụng pháp luật
Phải đảm bảo sự hài hoà giữa các quy phạm tập quán, đạo đức với pháp luật trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Trong đời sống xã hội tồn tại năm loại quy phạm xã hội tiêu biểu: tập quán, đạo đức, tôn giáo, quy phạm của tổ chức chính trị – xã hội và pháp luật, trong đó mọi công dân thường phải tuân theo đầy đủ ba loại quy phạm là tập quán, đạo đức và pháp luật. Trên thực tế có nhiều trường hợp xảy ra xung đột giữa các loại quy phạm ấy. Đối với người dân, một nhà chức trách mẫu mực, biết xử sự là người vừa biết tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương, vừa biết giữ gìn đạo đức tư cách của mình và gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Khi tiến hành công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp, việc đảm bảo tính hài hoà giữa các quy tắc phong tục, tập quán, đạo đức và pháp luật cần được đặc biệt chú ý mới giữ vững được ổn định xã hội. Trong công tác lập pháp phải bảo đảm cho các quy phạm pháp luật là chỗ dựa vững chắc vừa để bảo vệ, phát triển thuần phong, mỹ tục, đạo đức cao đẹp, vừa để phòng chống, ngăn chặn, xoá bỏ các hủ tục.
Phải bảo đảm tính kịp thời trong hoạt động lập pháp, lập quy.
Pháp luật đòi hỏi tính ổn định cao nhưng như thế không có nghĩa là nó bất biến, mà phải được kịp thời huỷ bỏ, sửa đổi các quy định đã lỗi thời, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội đang biến đổi rất nhanh trong nền kinh tế thị trường. Lịch sử lập pháp của Việt Nam cho thấy, không hiếm trường hợp nhờ kịp thời ban hành pháp luật mới nên Nhà nước Việt Nam củng cố được vị thế vững chắc của mình về đối nội và đối ngoại, bảo đảm đất nước ổn định và phát triển bền vững. Trong công cuộc đổi mới, nhờ kịp thời sửa đổi, bổ sung nên hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng tương thích với các hệ thống pháp luật trên thế giới và điều đó bảo đảm nước ta hội nhập thành công vào khu vực và thế giới.
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47 (1986), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 456-457.

TS. Lê Quốc Hùng – Gv trường ĐH Đông Đô
Theo: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử

 

HAI DÒNG SÔNG TUỔI THƠ CỦA TÔI

Như dải lụa vắt ngang qua kinh thành Paris hoa lệ và cố đô Huế rêu phong, cả sông Seine và sông Hương đều là chứng nhân của thăng trầm của lịch sử. Những năm tháng rực rỡ cũng như ngày tàn của nhiều triều đại phong kiến đã trôi qua trên dòng chảy của chúng. (Trường Hồng Thuận).

 

Có tuổi thơ nào không gắn bó với một dòng sông?

Quê hương tôi gắn liền với một tặng vật tuyệt đẹp của tạo hóa, dòng sông Hương. Những năm tháng học sinh của tôi đã trôi qua êm đềm ở đó. Thời thơ bé là những buổi trốn học lang thang dọc bờ sông lúc đó còn mọc đầy lau sậy. Lớn hơn một chút khi đã biết mơ mộng, là những buổi chiều quây quần cùng bạn bè trên bãi cỏ xanh, đắm mình trong cái hoàng hôn tím ngát của sông Hương mùa hè. Tôi yêu biết bao con sông tuổi thơ ấy.

 

Cầu bắc qua sông Hương. Ảnh do tác giả cung cấp.

Lúc lên cấp ba, chúng tôi được lựa chọn cho mình một ngoại ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Anh, và nước Pháp đến với tôi như một mối duyên tình. Cùng với việc làm quen với ngôn ngữ, tôi lẫm chẫm khám phá những vùng đất tuyệt đẹp của nước Pháp qua những bức ảnh, đoạn phim và lời kể của thầy cô giáo người Pháp. Đó là thành phố Paris hoa lệ với những lâu đài cổ kính trầm mặc, là những ngôi nhà đẹp như cổ tích vùng Normandie, là bãi biển Côte d’Azur xanh ngắt, là những vườn nho bất tận của Champagne Ardenne, là thị trấn Strasbourg đẹp như tranh vẽ, là thung lũng Provence đắm chìm trong màu tím và hương thơm của hoa oải hương … Những tuyệt tác ấy đi vào giấc mơ của tôi hàng đêm. Nhưng không hiểu sao, trong tiềm thức tôi lại thấy thân thương lạ với dòng sông Seine, cảm giác như thể đó là một dòng sông Hương của riêng tôi.

 

Một đoạn sông Seine. Ảnh: happydaystravel.com.vn.

Sẽ có ai đó bảo tôi rằng, có khập khiễng không khi đặt dòng sông Seine diễm lệ quý phái bên cạnh con sông Hương đằm thắm dịu dàng và đơn sơ của xứ Huế? Nhưng bạn có biết không, thật sự có sự giao thoa bất ngờ giữa hai tuyệt tác của thiên nhiên cách xa nhau vạn dặm.

Như một dải lụa vắt ngang qua kinh thành Paris hoa lệ, và cố đô Huế rêu phong, cả sông Seine và sông Hương đều là chứng nhân của sự thăng trầm của lịch sử. Những năm tháng rực rỡ cũng như ngày tàn của nhiều triều đại phong kiến đã trôi qua trên dòng chảy của chúng. Mặt nước trầm mặc kia soi bóng biết bao đền đài lăng tẩm mà sự tồn tại của chúng gắn liền với bao biến cố lịch sử. Với sông Seine là nhà thờ Đức bà Paris với tuyệt phẩm Thằng gù của Victor Hugo, là Viện Bảo tàng Louvre danh tiếng, là tháp Eiffel sừng sững, là quảng trường Concorde hằn in dấu tích đẫm máu của cuộc Cách mạng Pháp… Bên dòng sông Hương là nơi yên giấc ngàn thu của nhiều vị vua trong 13 triều đại nhà Nguyễn như lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định ; là Đại Nội uy nghi còn vương dấu vàng son ; cây cầu Tràng Tiền duyên dáng nối đôi bờ sông ; cũng như những địa danh văn hóa nổi tiếng khác như chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén…

Thật ngạc nhiên, cả cây cầu Tràng Tiền và tháp Eiffel đều do kiến trúc sư nổi tiếng nước Pháp Gustave Eiffel (1832-1923) thiết kế. Là biểu tượng của Paris, du khách đặt chân đến đây không thể nào bỏ qua tháp Eiffel, công trình kiến trúc bằng sắt độc đáo nằm bên dòng sông Seine với chiều cao nguyên thủy là 300m . Cầu Tràng Tiền cũng là một nét đặc trưng của Huế và được xây dựng bằng những dầm thép hình vành lược theo kiểu gothique. “Cầu Tràng Tiền sáu vài, mười hai nhịp ; em theo không kịp, tội lắm em anh ơi! ”. Cây cầu đi vào kí ức tôi qua những câu ca dao mượt mà chan chứa ấy.

Và nữa đây, như hai người mẹ có duyên từ trong tâm tưởng, cả hai con sông đều mang trên mình những cây cầu cùng tên. Trên dòng sông Seine, cây cầu Le Pont-neuf (theo nghĩa tiếng Việt là Cầu Mới) mang cái tên trái ngược với vẻ cổ xưa của nó. Còn người dân Huế nào không biết đến Cầu Mới? Vốn tên chính thức là cầu Phú Xuân, cây cầu thân quen với người dân Huế với cái tên cầu Mới, bắt nguồn từ việc nó được xây dựng tạm bằng những tấm cầu phao năm 1968 để thay thế cầu Tràng Tiền lúc bị đặt mìn đánh sập xuống dòng sông Hương.

Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về giữa bến sông 
Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em ?

Thơ Nguyên Sa – Nhạc Ngô Thụy Miên

Bài hát này lần nào cất lên, tôi cũng nghe lòng bồi hồi không dứt. Mới đó mà mười mấy năm tôi đi xa Huế, nhưng vẫn luôn tìm về mỗi khi cơ hội đến. Riêng sông Seine vẫn còn đấy trong giấc mơ của tôi. Sông Seine ơi, ta khao khát một ngày được thấy sông, chầm chậm đi bên người mà hoài niệm về một dòng sông Hương, để một lần, lại được chạm vào những cảm xúc từ ngày thơ bé.

Trương Hồng Thuận

(Nguồn: Vnexpress)

TẢN MẠN CHUYỆN VỐN, LÃI SUẤT, NỢ

Chúng ta không lắng nghe DN xem họ cần vay tiền để làm gì, kế hoạch kinh doanh ra sao mà chỉ nhắm vào tài sản thế chấp. Cách thức hoạt động của NH Việt Nam rất giống tiệm cầm đồ.

Một phần của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH) hiện nay là không nghiên cứu, không đặt vấn đề tính khả thi của dự án của doanh nghiệp (DN) lên trên mà chỉ lo giữ tài sản của DN.

 

NH không lắng nghe DN

Có rất nhiều điểm khác biệt giữa NH ở nước ngoài và NH ở Việt Nam. Chẳng hạn như khi DN đến NH Việt Nam vay vốn, câu đầu tiên được hỏi là có tài sản thế chấp không. Nếu không có rất khó vay và câu trả lời sau đó đa số là không. Trong khi ở các NH trên thế giới họ thường hỏi phương án kinh doanh, thời gian ngắn hạn, trung hạn… và hình thức vay của họ tín chấp nhiều hơn là thế chấp. Còn ở Việt Nam, chúng ta không lắng nghe DN, xem họ vay tiền để làm gì, kế hoạch kinh doanh ra sao mà chỉ nhắm vào việc tài sản thế chấp thế nào. Đáng ra phải xem đề án kinh doanh của DN trước. Vốn NH là mượn người dân rồi cho vay chứ đó không phải là tiền của NH. Cách thức hoạt động của NH Việt Nam rất giống tiệm cầm đồ. Bao nhiêu năm nay chúng ta đều hoạt động như vậy.

Chính vì phải có tài sản thế chấp nên khi DN không trả được nợ thì giá trị tài sản cũng sẽ được tính bằng tài sản thế chấp. Thông thường NH cho vay khoảng 50%-70% giá trị tài sản thế chấp. Tuy nhiên, vì giám định không đúng nên số tiền gấp 2,5 lần giá trị thực của tài sản. Cuối cùng tưởng rằng giá trị nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản thế chấp nhưng thực ra giá trị tài sản đã bị định giá ảo.

Chính vì sự thiếu chặt chẽ này nên có tình trạng nhiều DN mượn dự án tới vay NH. Khi vay được vốn rồi họ lại lấy tiền để đầu tư các dự án khác. Vậy nên khi gặp khó khăn, không kịp trở tay thì DN làm sao có tiền trả nợ.


Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: HTD

Một vấn đề nữa là vốn của NH có là thực chất hay không? Khi anh có vốn một đồng, rồi anh dùng tiền đó đi thế chấp vay lung tung thêm một đồng, sau đó lại đem một đồng ấy về góp vốn… Như vậy thực chất anh chỉ có một đồng nhưng lại sở hữu cùng một lúc nhiều NH. Chúng ta có những NH là của một nhóm làm chủ sở hữu. Họ không phục vụ cho nhân dân mà chỉ phục vụ một nhóm cổ đông.

Lãi suất cao, không cạnh tranh nổi với DN ngoại

Từ lãi suất 7% những năm 2007, 2008 lãi suất đẩy lên 27%-28% năm 2010. Lãi suất cao như thế thử hỏi sao DN không chết. Chúng ta đã không kiểm soát được lãi suất ở mức mà DN có thể hoạt động được. Trong khi lãi suất chúng ta cao chót vót thì lãi suất của những DN có vốn nước ngoài chỉ 1%. Vậy làm sao DN trong nước có thể cạnh tranh được với những DN này.

Theo các báo cáo, xuất khẩu của chúng ta hiện nay vẫn tốt. Nhưng thực chất có tới 60%-70% số lượng xuất khẩu là của DN nước ngoài. Các DN nội đã tìm mọi cách để sống sót nhưng không trụ nổi đến mức phải phá sản. Chúng ta không tính được mức lãi suất phù hợp cho DN tồn tại là chúng ta bơm vào thị trường này liều thuốc độc, nó hủy diệt sinh lực đất nước. Với DN lãi suất cao chính là thuốc độc. Từ cuối năm 2010 Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh phải đưa lãi suất xuống nhưng không khả thi. DN chấp nhận vay tạm thời vì anh như người chết đuối tìm được cái phao, dù thế nào cũng phải bám lấy. Nhưng bám rồi cũng chết vì kiệt sức và cái chết này thành nợ xấu ở NH. Chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết thì khó mong nền kinh tế khởi sắc.

Một câu hỏi khác đặt ra, tại sao vay tín chấp cao, lãi suất thế chấp thấp. Thực tế lãi suất thấp hay cao không quan trọng mà cái quan trọng là phục vụ gì cho nền kinh tế. Hoạt động của dự án có tốt không. Ở nước ngoài để tránh lãi suất cao thì họ có luật. Như ở Mỹ, 50 tiểu bang, bang nào cũng có luật riêng quy định cấm cho vay nặng lãi. Nghĩa là dù hình thức nào, tín chấp, thế chấp hay cầm đồ…

Còn ở Pháp nếu cho vay tới 20%/năm được quy vào cho vay nặng lãi. Dù cho vay với hình thức nào cũng bị truy tố hình sự.

Không còn vốn thì phải cho “chết”

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói sẽ không để NH nào phá sản. Nhưng luật ở đâu lại không cho NH thương mại phá sản. NH thương mại hoạt động theo luật. Nếu anh không đủ điều kiện thì anh phải ngưng hoạt động. Anh cho vay, anh tạo nợ xấu thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vì nhiều lý do đó nên chúng ta đứng trước tình thế là không biết thực tế có bao nhiêu nợ xấu. Lúc thì 10%, rồi 8%, rồi bây giờ 6,8%/tổng dư nợ. NHNN đưa ra yêu cầu các NH thương mại phải khai báo đầy đủ nợ xấu trước 30-6-2013. Nhưng sau đó lại đẩy lùi sang 30-6-2014 (Thông tư số 02-2013 của NHNN quy định về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro…).

Theo quy định, nợ được chia thành năm nhóm, nợ nhóm một không phải trích lập dự phòng rủi ro, nợ nhóm hai trích lập 5% trên số nợ đó; nợ nhóm ba là 20%; nợ nhóm bốn là 50% và nhóm năm là 100%. Nhưng thực tế có bao nhiêu khoản nợ được khai đúng. Nên nhiều con số không được đưa ra ánh sáng, làm như thế có lợi nhuận cao trả cho cổ tức và không phải trích lập dự phòng rủi ro.

Vì thế chưa biết số thực của nợ xấu thế nào.

Không có cửa cho nước ngoài mua nợ xấu

Chúng ta đã thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC). Nhưng làm sao ta quét sạch một đống nợ đó được. VAMC mua nợ rồi tính thế nào. VAMC mua nợ rồi phát hành và trả bằng trái phiếu đó có thời hạn năm năm không lãi suất. Bên bán phải trích lập 20% dự phòng hằng năm trong vòng năm năm. Để sau năm năm sẽ trích đủ và sau năm năm VAMC không bán được sẽ trả lại toàn bộ cục nợ này. Vậy VAMC giữ đống nợ đó làm gì? Chúng ta kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài vào mua. Nếu nhà đầu tư nước ngoài vào mua thì mua thế nào khi hiện nay chưa có giá. Màchúng ta mua theo giá sổ sách trong khi nước ngoài quen với việc mua bán trên thị trường rồi.

Giả sử nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu và đa số hiện nay nợ xấu của chúng ta mua là có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Nhưng pháp luật quy định người nước ngoài không được sở hữu tài sản là đất đai, nhà cửa. Vậy họ có bỏ ra một đống tiền làm chủ món nợ xấu trong khi anh không được làm chủ tài sản đó hay không? Thế nên làm sao có cánh cửa nào cho nhà đầu tư nước ngoài.

TS Richard Scott Frey, học giả chương trình Fulbright tại Việt Nam:

Những tập đoàn tài chính lớn thường dễ chi phối đến chính trị

Ở Mỹ có sáu NH lớn và những NH dường như nắm quyền chi phối thị trường. Tuy nhiên, hoạt động của những NH này được kiểm soát độc lập, minh bạch và công khai. Bởi họ cho rằng những người có quyền lực kinh tế thường ảnh hưởng đến chính trị. Vì thế giải pháp là phải kiểm soát chặt chẽ để kiểm soát được những liên quan đến quyền lực chính trị. Nên các hội đồng tài chính của NH Việt Nam để tránh tình trạng này phải độc lập, để giám sát hoạt động NH để xem có phù hợp với nền kinh tế hay không chứ không phải một nhóm cổ đông muốn làm giàu.

TS BÙI KIẾN THÀNH

Nguồn: Baomoi.com


Gs Mạc Văn Trang

SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ VĂN HÓA

  • Trong cuộc tọa đàm (22 – 01- 2014) về Văn hóa, Giáo dục và phát triển Nhân cách người Việt Nam… khi được giới thiệu bài “Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục” của tôi vừa viết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao, Du lịch Hồ Anh Tuấn liền đặt viết bài này. Dẫu không chuyên, nhưng trước một gợi ý đầy cảm hứng, nên thành thật bầy tỏ mọi nghĩ suy, chỉ mong gợi ra  chút gì đó để cùng tư duy….

Gs Mạc Văn TrangGs Mạc Văn Trang

1. Xét về nguồn gốc xuất hiện thì CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA là gốc của mọi chuyện trong xã hội. Từ khi người vượn đứng thẳng, di chuyển bằng hai chân và biết sử dụng công cụ, hai quá trình tiến hóa, phát triển cả mặt sinh học lẫn tâm lý diễn ra dài đến 4 – 5 triệu năm mới trở thành người Homo sapiens (người hiện đại – modern sapiens). Đó là những nhóm người, về mặt tiến hóa sinh học đã hoàn thiện; về mặt tâm lý đã đạt đến trình độ: biết chế tạo công cụ, làm ra lửa, tư duy, ngôn ngữ phát triển, hình thành phân công lao động, “gia đình huyết tộc” mẫu hệ … Từ người Homo sapiens đến ngày nay chừng 3 – 4 vạn năm, về mặt giải phẫu sinh lý, không có biến đổi về chất, nhưng mặt tâm lý, nhất là trí khôn đã diễn ra quá trình phát triển liên tục, nhiều đột phá, càng gần với hiện tại càng phát triển cực nhanh… (theo Nguyễn Đình Khoa, 2001). Có CON NGƯỜI (chỉ tính từ Homo sapiens) mới có VĂN HÓA… Văn hóa đầu tiên là chế tác công cụ, làm ra cái ăn, cái mặc, tạo ra chỗ ở…, hình thành nên VĂN HÓA VẬT THỂ (các công cụ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt…; các dụng cụ săn bắn, sản xuất; hang động được cải tạo, lều, lán…). Đồng thời là phát triển ngôn ngữ, các quy định về quan hệ, tập tục, các sinh hoạt cộng đồng, hình thành nên VĂN HÓA PHI VẬT THỂ. Khi con người khách quan hóa, vật thể hóa năng lực ra bên ngoài (dưới dạng công cụ, vật phẩm, ngôn ngữ) mới ý thức rõ về bản thân, rồi tự ý thức, biết đấu tranh động cơ, tự điều chỉnh hành vi, mới hình thành nên NHÂN CÁCH. Người đi trước có nhiều kinh nghiệm về hai lĩnh vực văn hóa nói trên, đem truyền thụ kinh nghiệm đó cho những người thiếu kinh nghiệm (chủ yếu là trẻ mới lớn), tức là xuất hiện GIÁO DỤC. Thoạt đầu giáo dục diễn ra trực tiếp, dùng công cụ, ngôn ngữ, hành động, thao tác để truyền dạy kinh nghiệm. Về sau cộng đồng phát triển, nhất là xuất hiện chữ viết, việc giáo dục mới trở thành một hoạt động được tổ chức, thành “lớp học”…Sản xuất phát triển, phân phối, trao đổi, lưu thông vật phẩm dồi dào, tổ chức xã hội phát triển… mới hình thành hoạt động KINH TẾ rồi CHÍNH TRỊ theo đúng nghĩa…

Tiếp cận lịch sử như vậy sẽ thấy rõ CON NGƯỜI và VĂN HÓA là gốc, chi phối tất cả đời sống xã hội. Mọi hoạt động đều do con người tiến hành; mọi hoạt động đều mang bản chất văn hóa. Nhưng khi hoạt động kinh tế, chính trị lớn mạnh, tiền và quyền có thể làm phát triển rực rỡ nền văn hóa, hoặc cũng có thể hủy hoại, làm biến dạng, suy đồi nền văn hóa…Quyền và tiền xét đến cùng, cũng chỉ là phương tiện, cái quyết định vẫn chính là con người, gốc văn hóa của con người.

2. Loài người, chủ yếu có ba loại kinh nghiệm, ba loại văn hóa gốc, đó là: chế tạo và sử dung công cụ; phát triển các hình thức sinh hoạt cộng đồng; tổ chức, quản lý xã hội.

Thoạt đầu thì các tộc người Homo sapiens có trình độ xuất phát gần như nhau, nhưng về sau do nhiều điều kiện khác nhau đã tạo ra sự phát triển không đồng đều về cả ba lĩnh vực kinh nghiệm nói trên.

– Việt Nam tự hào có hơn 4.000 năm lịch sử tồn tại, phát triển, nhưng về mặt CHẾ TẠO CÔNG CỤ thì cho đến nay liệu ta đã có đóng góp nào vào kho tàng chung của nhân loại một cái gì chưa? Thử nhìn xem, từ cái ghim giấy, cái bấm móng tay, cái gọt bút chì, cái đinh vit, cái mở nút chai, cái vòi nước, cái đèn điện đến cái hố xí bệt, cái xe đạp, xe máy, ô tô cho đến cây cầu sắt, ngôi nhà cao tầng, tầu thủy, máy bay, tầu ngầm, súng lục đến súng đại bác, tên lửa, vệ tinh… đều không phải do ta nghĩ ra. Ta đã từng làm được Trống đồng, đồ gốm, nhiều nhạc cụ tinh xảo…, nhưng tất cả bộ mặt văn minh của xã hội Việt Nam ngày nay là nhờ vào những phát minh, chế tạo và sử dụng công cụ của phương Tây rồi ta bắt chước. Ta có thể tự hào về lĩnh vực này không? Nên tự nhận là quá lạc hậu, vô cùng kém cỏi, cần phải khiêm tốn và khẩn chương học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của nhân loại mới hy vọng “phát triển nhanh và bền vững”! Cứu cánh đó là giáo dục.

– Lĩnh vực SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG của dân ta có lịch sử lâu đời và hết sức phong phú, đa dạng. Ta có quyền tự hào đôi chút, vì trong đó có một số đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại, như  09 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Sinh hoạt, giao lưu cộng đồng là loại hình văn hóa hết sức quan trọng, thậm chí Lewis Mumford (1895 – 1990) còn cho rằng loài người từng dành nhiều thời gian cho giao tiếp cộng đồng hơn cả thời gian chế tạo công cụ. Chính sinh hoạt cộng đồng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, làm nên con người văn hóa độc đáo không lẫn với các dân tộc khác. Đây là vốn văn hóa vô cùng quý giá làm nên bản sắc dân tộc, phải được chắt chịu gìn giữ, truyền đời.

– Về TỔ CHỨC, QUẢN LÝ XÃ HỘI, nhân loại đã trải qua các phương thức tổ chức quản lý từ gia trưởng, nô lệ, phong kiến, tư bản man rợ, quân phiệt độc tài, tư bản phát triển, xã hội chủ nghĩa (Liên Xô)… Kinh nghiệm của nhân loại cho thấy mô hình tổ chức, quản lý xã hội tiến triển theo hướng ngày càng tôn trọng cá nhân con người nhiều hơn, dân chủ, tự do nhiều hơn; pháp trị nghiêm minh, công khai, minh bạch, bình đẳng hơn…Bộ máy quản lý xã hội tinh giản, hiệu quả hơn; chính quyền hướng đến phục vụ dân, được chọn lựa, giám sát và phế truất bởi dân… Những phương thức tổ chức, quản lý xã hội đi ngược với xu thế tiến bộ của nhân loại, dù ngoan cố đến đâu, cuối cùng cũng bị lịch sử đào thải. Về mặt này, ta đang đứng ở nấc thang nào của nhân loại về văn hóa tổ chức, quản lý xã hội và cần học hỏi những gì từ các quốc gia phát triển, thiết nghĩ không cần phải nói! Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn rất mạnh phải “đổi mới thể chế”. Chỉ cần thực lòng học hỏi các nước có mô hình tổ chức, quản lý tiến bộ, hiệu quả để vận dụng hợp lý vào nước ta, chắc chắn văn hóa lãnh đạo, quản lý sẽ có chuyển biến căn bản.

Phân tích sâu hơn nữa và so sánh phát triển văn hóa giữa các nước, ta sẽ tránh ngộ nhận, hiểu rõ trình độ phát triển văn hóa của mình đang ở đâu và cần cải cách theo hướng nào.

3. UNESCO công nhận những di sản văn hóa nào của ta là di sản của nhân loai?

– Ta có 5 DI TÍCH VĂN HÓA VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn là: Quần thể di tích Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa MỸ Sơn, di tích Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Đó đều là những di sản của chế độ phong kiến để lại, may chưa bị phá hết! Liệu từ Cách mạng 1945 đến nay có công trình nào đáng hy vọng để sau này đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới? Tôi nghĩ, địa đạo Vĩnh Linh và địa đạo Củ Chi cần được bảo tồn như di sản quốc gia và có hy vọng…

– Có 09 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ đã được UNESO công nhận là di sản của nhân loại: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Kinh Bắc, Ca Trù, Hội Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đàn ca Tài tử Nam bộ. Đó là điều đáng tự hào. Nhưng tất cả đều là những thứ được nảy sinh, duy trì từ xã hội phong kiến, thực dân; từ 1945, đã trải bao thăng trầm, may các nghệ nhân già còn sống sót để khôi phục lại!  Đúng như Edouard Herriot (1872 – 1957) từng nói: “Văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”!

Từ cách mạng 1945 đến nay ta đã có hàng trăm nghị quyết – chủ trương về “chống” và “xây”, hàng ngàn phong trào, hàng vạn điển hình tiến tiến về văn hóa, liệu có hy vọng một cái gì đó sẽ được UNESCO công nhận là di sản của nhân loai? Tôi thấy có hai cái có giá trị hy vọng có thể đóng góp: Một là, Ngày hội văn hóa các dân tộc; hai là Tết trồng cây. Nhưng muốn những thứ đó mang giá trị nhân loại nó phải thực sự của dân, do dân trở thành sinh hoạt tự nhiên, rộng khắp, bền vững. Không mấy nước có được 54 dân tộc sống hòa thuận và làm nên những giá trị văn hóa đặc sắc như thế. Nhưng nếu lại “chỉ đạo quyết liệt”, biến ngày hội văn hóa các dân tộc chỉ chuyên “Mừng Đảng, Mừng Xuân”, “Chào mừng đại hội” thì hỏng. Tết trồng cây là tầm nhìn văn hóa tuyệt vời của Cụ Hồ; nhưng nếu lại chỉ tổ chức mít tinh, “phát động” rầm rộ, “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân”, trồng xong “mười cây chết chín, một cây cụt đầu”; rồi mấy vị quan chức com – lê – cà – vạt giả vờ xới xới, tưới nước vào cái cây đã được người ta trồng sẵn và đeo biển tên lãnh đạo vào… thì vứt! Mỗi Tết trồng cây, cộng đồng mỗi địa phương tự nguyện cùng nhau trồng cây phủ kín một khu đất trống, đồi trọc rồi chăm sóc cho nó tốt tươi;  hàng năm lại trồng mới nhiều cây nữa và chăm sóc đến nơi đến chốn, làm cho cây xanh được phủ khắp, môi trường được cải thiện, trồng và bảo vệ cây trở thành ý thức, nếp sống của người dân…  Tất cả phải tự nhiên, thường tồn, của dân, do dân, hiệu quả, bền vững, mới hy vọng!

4. Sự lộn xộn, suy đồi về văn hóa – xã hội hiện nay có một nguyên nhân sâu xa từ khủng hoảng hệ tư tưởng, đảo lộn các giá trị.

Toàn dân miền Bắc từ những năm 1954 và miền Nam sau năm 1975 đã được “toàn hệ thống chính trị” truyền bá bằng mọi biện pháp để xóa bỏ tận gốc rễ những cái cũ, cả văn hóa vật thể (đập bỏ đình chùa, tịch thu ruộng đất tư, đốt sách báo của chế độ cũ…) lẫn văn hóa phi vật thể (xóa bỏ những quan niệm cũ, niềm tin, giá trị, phong tục cũ, nhiều tên phố, tên làng, tên tỉnh cũ…) để “xây dựng hệ tư tưởng mới, nền văn hóa mới, con người mới”…Ba cuộc cách mạng được đồng thời tiến hành: quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, văn hóa tư tưởng, đảo lộn toàn bộ đời sống xã hội. Suốt quá   trình hàng nửa thế kỷ qua, toàn xã hội Việt Nam liên tục trải qua những thí nghiệm THỬ VÀ SAI lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Những cái gì trước phê phán nhiều nhất, nay lại lên ngôi mạnh nhất. Giai cấp công nông từng được lên mây xanh, nay thực tế lại trở về đáy của xã hội!… Cùng với nội tình đó là hệ thống XHCN thế giới sụp đổ cả về thực tiễn lẫn lý luận. Như vậy, làm sao lòng người không chao đảo? Chỉ những ai vẫn trơ như đá mới thật lạ kỳ!

Con người tạo ra văn hóa, hưởng thụ văn hóa bằng các hoạt động thực tiễn, được điều khiển bởi thế giới nội tâm rất phức tạp. Cho nên một khi những quan niệm, lý tưởng, niềm tin đã tan biến, người ta phải lấy tất cả những gì đang có: “duy tâm”, “duy vật”, “thực dụng”, “hiện sinh”, “mê tín”, “Nho”, “Lão”, “Phật”… lấp đầy vào chỗ trống đó. Các quan niệm, niềm tin, tình cảm, giá trị, động cơ, thái độ mỗi người, mỗi nhóm người trong xã hội theo một hướng, bị điều chỉnh bởi những động lực trái ngược nhau thì sao có sự đồng thuận xã hội, làm sao có được động lực chung và nền nếp, kỷ cương xã hội! Bao nhiêu chuyện mâu thuẫn, vướng mắc cả trong lý luận lẫn thực tiễn đang phơi bầy ra: đảng viên hỏi, tổ chức không trả lời được; con hỏi cha, trò hỏi thầy, dân hỏi cán bộ… không trả lời được, hoặc đùn đẩy, hoặc trả lời mập mờ, loanh quanh khiến không những không thể tin tưởng mà còn gây thêm bối rối, mất lòng tin hơn! Nhiều thông điệp của các lãnh đạo cấp cao phát ra, hé mở những hy vọng tốt đẹp, thì ngay lập tức những hành động, thái độ của các cấp cơ sở thực thi, làm trái ngược hẳn lại!?…

Chỉ có thể tạo ra sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc thật sự khi tất cả đều hướng đến những giá trị chung mà không còn kỳ thị, phân biệt đối xử, nghi kỵ lẫn nhau. Các giá trị chung chủ yếu là:

– Tổ quốc trên hết, độc lập của đất nước, tự do của nhân dân là giá trị cao nhất, không một phe nhóm hay một người nào được phép vi phạm điều đó;

– Đổi mới thể chế phải theo mô hình tiến bộ của nhân loại, đã được chứng minh từ thực tiễn của nhiều nước đi trước; một con đường, một mô hình, một thể chế mà nhân dân tin tưởng. Một chính quyền và cơ chế đảm bảo: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”;

– Một đường lối dân chủ, tự do, bao dung, nhân ái đem lại hòa hợp dân tộc, “thống nhất nhân tâm”, quy tụ lòng người, tạo ra đồng thuận xã hội…

– Một thể chế pháp luật được thượng tôn, quyền lực được kiểm soát, công khai, minh bạch, không một phe nhóm, cá nhân nào được phép đứng trên, đứng ngoài pháp luật…

– Một phương thức quản lý đời sống văn hóa xã hội thay vì áp đặt, rập khuôn, đồng loạt, thi đua dối trá, tạo ra cho các cộng đồng dân cư, các đơn vị, các cá nhân quyền tự chủ, tôn trọng sự khác biệt, tự do sáng tạo, nói và làm trung thực, tự do “mưu cầu hạnh phúc”…

Hôm 13 – 01 – 2014, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận nói tại Viện Khoa học giáo dục, có một câu hay, đại ý: vấn đề cơ bản của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là hướng đi, đường di; anh đi đúng thì chỉ đi 10 km là người ta thấy đúng, thấy tin rồi; anh đi sai thì đi cả 100km cũng chẳng giá trị gì, càng đi, càng sai! Đổi mới thể chế văn hóa, xã hội, xây dựng tư tưởng, niềm tin … cũng cần theo cách đó.

5. Đời sống văn hóa của mỗi cộng đồng dân cư cần được nhìn nhận như một cấu trúc tổng thể các yếu tố thường tồn làm nên văn hóa.

Mỗi cộng đồng dân cư đều có hệ thống những thiết chế văn hóa được hình thành, gắn kết bao đời với nhau không thể thiếu, như: Mỗi dòng họ đều có Từ đường, mộ Tổ, gắn với một ít đất chung; mỗi làng, xã, bản mường… đều cần có: Trụ sở chính quyền, trường học, trạm xá, đình, chùa (hoặc nhà thờ…), chợ, nghĩa trang, chỗ vui chơi của thanh thiếu niên; đều có những “lệ làng”, những tập tục, lễ hội … Đó là những thiết chế làm nên đời sống văn hóa – xã hội thường tồn của cộng đồng qua bao nhiêu đời. Thế mà chính quyền nhiều nơi chẳng quan tâm gì đến nơi giữ trẻ, trường học, trạm xá phục vụ cho dân; đình chùa hầu hết bị phá đi, làm lại, mất hết giá trị truyền thống; nhiều chợ bị chính quyền dẹp bỏ, dân phải tự tìm cách nhóm họp thành “Chợ tạm”, “Chợ đuổi”, “Chợ chui”… Nhiều nghĩa địa bị “giải tỏa” khiến dân bức xúc; những nghĩa địa còn lại chẳng được quản lý đúng đắn, khiến xảy ra tình trạng mạnh ai nấy xây mồ mả. Nhìn vào cái nghĩa địa ở nông thôn đủ thấy sự phân hóa đẳng cấp bát nháo của xã hội. Chung quy tiền và quyền phô trương sức mạnh bằng những từ đường hoành tráng, lăng mộ ngạo nghễ, quái dị, đè bẹp hết những nấm mồ người bình dân. Chỉ nhìn vào đó cũng thấy một tình trạng vô văn hóa, sự bất công xã hội, những hố sâu ngăn cách giữa các nhóm thành viên của cộng đồng dân cư.

Các sinh hoạt văn hóa của mỗi cộng đồng đã trở thành nếp sống của dân cư cần được tôn trọng để người dân tự biết tổ chức sao cho phù hợp với họ, tránh chỉ đạo rập khuôn, cấm đoán tùy tiện. Nhưng quản lý nhà nước cần hướng dẫn bỏ dần những tập tục không còn phù hợp với pháp luật (tảo hôn), hay phản văn hóa so với những giá trị chung của nhân loại hiện nay (như lễ hội đâm trâu, chém lợn đầu xuân….)

Ở những nơi hình thành cộng đồng dân cư mới (khu cộng nghiệp, đô thị, di dân…), ngoài những trụ sở đảng, ủy ban, công an (thường rất hoành tráng), cần đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường học, bệnh xá, chợ, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, địa điểm tâm linh, nghĩa trang cho dân… Có những thiết chế vản hóa – xã hội đó mới hình thành nên cộng đồng dân cư và dần dần hình thành nên cái văn hóa chung của cộng đồng và đó là môi trường để hình thành nên con người văn hóa gắn bó với cộng đồng.

Những “khu phố văn hóa” hiện nay chủ yếu mang tính phong trào, một hình thức quản lý xã hội của chính quyền, nó thiếu các yếu tố tạo nên đời sống văn hóa chung của cộng đồng.

Các “làng văn hóa” hay 19 tiêu chí xây dựng “nông thôn mới” chủ yếu là những tiêu chí về kinh tế – chính trị – xã hội hơn là văn hóa.  Ở đó không đề cập đến đình chùa, nhà thờ, sinh hoạt văn hóa tâm linh hay các lễ hội văn hóa của cộng đồng, các giá trị truyền thống cần bảo tồn, phát huy… Những “Khu phố văn hóa” và làng “nông thôn mới” như vậy, chủ yếu chỉ thấy phần  xác mà  không có phần hồn văn hóa!

6. Văn hóa nghề nghiệp phải từ “làm nghề gì ăn nghề ấy” trở thành “làm nghề nào ra nghề ấy”!

Mỗi nghề nghiệp sinh ra, tồn tại và mất đi hay phát triển đều xuất phát từ nhu cầu của xã hội, chẳng nên phân biệt nghề này “cao quý” hơn nghề khác. Mỗi nghề đều có sứ mạng, chức năng, nhiệm vụ, đạo đức, yêu cầu, giá trị nghề nghiệp của nghề đó. Thể chế bất cập, quản lý xã hội sai lầm đã dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức nghề nghiệp, hình thành nên thứ “triết lý “LÀM NGHỀ GÌ ĂN NGHỀ ẤY”. “Ăn” ở đây là ăn chặn, ăn gian, ăn bẩn, ăn bất chính, ăn hối lộ… Thời bao cấp, những nghề phân phối lương thực, thực phẩm, cung cấp hàng hóa thiết yếu là những nghề “thơm”, nghề “ăn” trong xã hội. Người làm những nghề ấy không chỉ “ăn” chênh lệch giá giữa “cung cấp” và “tự do” mà còn có oai quyền ai “xin” thì “duyệt cho”… Có lần anh bạn tôi bực tức với chị bán thịt, quát lên: “Chị bảo làm nghề gì ăn nghề ấy, thì cho chị đi đổ thùng xí!” (Hồi đó chưa có hố xí tự hoại). Nhưng thực tế, người đổ thùng xí vẫn tìm cách “ăn được”. Sáng sớm, họ cứ đỗ “xe thùng” ở trước các hàng phở, hàng cà phê… đang sắp đông khách. Thế là chủ nhà hàng vội chạy ra giúi ít tiền để họ rời xe ra xa!… Những người công nhân thì lấy cắp mấy cái ốc vít, tí xi măng, cuộn dây thép bỏ trong cạp lồng cơm đã ăn xong… Từ ngày đổi mới nhu cầu xã hội bung ra, những nghề cấp phép, thu thuế, ký duyệt dự án, thanh tra… mới “ăn dầy”, “ăn bội thực”… Các nghề khác, hưởng đồng lương đói rách kinh niên, thấy vậy cũng phải tìm cách “ăn”. Như lời một cán bộ xã nói: “Việc dễ không gây khó, lấy chó gì mà ăn!”. Thế là “toàn hệ thống chính trị” bất kỳ ai ở vị trí nào cũng tìm cách tạo ra “quyền” làm khó cho đối tượng phục vụ để được “ăn”! Quyền bé thì ăn vặt, ăn bé; quyền lớn thì ăn to, ăn dầy… Người không được ăn thì tức tối, tìm cách phá. Thế rồi người “phá” cũng được chia phần để nguôi ngoai “đồng cảm”! Thê thảm nhất là thầy thuốc “ăn” bệnh nhân, thầy giáo “ăn” học trò, quan tòa “ăn” khổ chủ, thầy tu “ăn” tín đồ, người đi cứu trợ “ăn” nạn nhân!… Ai không “ăn” được người khác thì “ăn” vào công quỹ, “ăn” thời gian để làm việc riêng. Ai không ăn được gì thì ăn trộm, ăn cướp!… Người làm nghề hầu như chẳng gắn bó say mê với sứ mệnh, lý do tồn tại vì xã hội của nghề, mà chỉ mượn nghề như một vị trí, một phương tiên để kiếm ăn! Người ta bỏ nhiều tiền ra chạy chức chạy quyền, thực chất là “đầu tư” để kiếm lời. Sự tha hóa nhân cách nghề nghiệp, văn hóa nghề nghiệp diễn ra âm thầm, trường kỳ dai dẳng mà thật khủng khiếp. Nhân cách văn hóa người làm nghề, hầu hết tha hóa, biến dạng, méo mó! Ai sống thật với nghề thì vật vờ, lạc lõng như ở bên lề xã hội!…

Để cho “LÀM NGHỀ NÀO RA NGHỀ ẤY” cả về phương diện pháp luật lẫn văn hóa đạo đức là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, lâu dài, chứ không thể bằng mấy cái chỉ thị “cấm nhận phong bì”, mấy cuộc vận động “phê, tự phê”, “học tập làm theo”, “dấy lên phong trào thi đua”… Trước hết cần:

– Thấy rõ các chủ tư nhân bao giờ cũng tìm kiếm những người có phẩm chất, năng lực tốt, làm việc hiệu quả để thuê mướn và trả lương xứng đáng để họ sống đàng hoàng, yên tâm gắn bó với công việc; đồng thời loại bỏ ngay khỏi bộ máy, những người kém đức, bất tài, vô tích sự, ăn hại. Vậy thì hãy chuyển sang tư nhân tối đa những gì có thể tư nhân hóa được, để tạo ra cuộc cách mạng về quản lý sử dụng con người và các nguồn lực khác hiệu quả hơn. Tất nhiên nhà nước phải hỗ trợ những ngành nghề cần cho xã hội mà đang gặp khó khăn; phải có luật pháp và cách kiểm soát để chủ tư nhân không làm bậy. Cái này nhân loại có nhiều kinh nghiệm thành công rồi, ta thật lòng muốn học thì không khó.

– Thay đổi lại cách nhìn và cách đào tạo, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực của xã hội. Giáo dục phổ thông đã cần hướng nghiệp và phân hóa để mỗi học sinh chủ động, hiểu mình, biết về nghề nghiệp trong xã hội để lựa chọn, quyết định phù hợp; mỗi cơ sở đào tạo đều ý thức rõ, chủ động tuyển chọn, đào tạo nhân lực hướng vào nhu cầu, yêu cầu của những nhóm khách hàng xác định và hàng hóa sức lao động đào tạo ra cạnh tranh được trên thị trường lao động; việc quản lý nhân lực quan trọng nhất là dùng người đúng việc, tạo cơ chế phát huy sáng kiến, phát triển tài năng và trả lương xứng đáng cho người làm nghề sống được bằng nghề chứ không cần “ăn” vào đối tượng phục vụ; có cơ chế thải loại kịp thời những người không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…

– Có một bộ luật quy định rõ yêu cầu của từng nghề (nhóm nghề) về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp từ người giúp việc gia đình đến giáo viên, bác sĩ, luật sư, nhà báo, quan chức …Luật đó cũng cần quy định rõ quyền mua, bán sức lao động chứ không phải mua bán, nhân phẩm con người; trả lương là mua sức lao động chứ không phải mua thân xác hay nhân phẩm của người bán sức lao động…

– Mại dâm cũng nên là một nghề, vì nó gắn với nhu cầu tự nhiên của con người xa xưa nhất và mãi mãi về sau; có cấm đoán, bắt bớ hết đợt này đến đợt khác cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”, mà càng làm nhơ nhớp thêm cho thân phận bao con người, cho xã hội. Là một nghề hay một công việc pháp luật không cấm và được quản lý như ở nhiều nước đã có kinh nghiệm, sẽ làm cho môi trường xã hội lành sạch hơn, người làm nghề đỡ thân phận lạc loài và nhà nước thu được thuế…

7. Giáo dục, hình thành con người văn hóa, nhân cách văn hóa.

Nhìn vào thực trạng con người Việt Nam hiện nay nhiều người quá bi quan: bao trùm lên xã hội là dối trá, ích kỷ, vô cảm, bạo lực, lãng phí, cờ bạc, nhậu nhẹt, phân hóa giàu nghèo, lòng người phân ly… Tôi thì thấy con người trong xã hội hiện nay, trộn lẫn cả những thói hư tật xấu đáng sợ với những phẩm chất, khả năng đáng khâm phục, nhiều khi chúng tương phản nhau thật bi hài. Nhân cách hiện nay đang biểu hiện tính hai mặt, tạp, không thuần nhất, khó đoán định. Không thể trừ khử từng cái “tiêu cực” và phát huy từng cái “tích cực” riêng lẻ kiểu “hai không” được, mà phải nhìn con người như một tổng thể, có khả năng biến cải, phát triển mạnh mẽ, nếu cải cách thể chế, tạo ra môi trường phù hợp. Nhiều người ở trong nước cũng giống như mọi người, nhưng ra các nước văn minh sống và làm việc, họ trở nên đàng hoàng, tự biết điều chỉnh bản thân, khắc phục cái xấu, học hỏi cái hay, cái tốt để thích ứng với môi trường sống. Hơn nữa để khẳng định mình, thể hiện giá trị khác biệt của mình, họ liền tìm cách khoe những đặc sắc văn hóa Việt với bạn bè. Nào phở, nào nem rán, bánh chưng, bánh cốm …; nào khéo tay, thân thiện, hiếu khách, tình cảm…; nào áo dài, múa nón, nhạc dân tộc, dân ca độc đáo… được bạn bè ngưỡng mộ. Và họ mới thấy tiếc nuối còn biết bao nhiêu giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, quý giá mà họ chưa được giáo dục, chưa thể hiện ra được với thế giới. Thiếu quá, tiếc quá! Họ thấm thía rằng mình đã được nhồi nhét bao nhiêu cái vớ vẩn, chẳng giúp gì cho cuộc sống và bao nhiêu cái cần lại không được học! Cái quý giá đã có, cái tiếc nuối còn thiếu đều là văn hóa sống của con người, đều do giáo dục, tự giáo dục mà hình thành.

Nhưng giáo dục, hình thành con người văn hóa, nhân cách văn hóa là quá trình lâu dài, kiên định. “Vì lợi ích trăm năm trồng người” là triết lý đúng đắn. Cần thấy rằng mỗi thiết chế văn hóa – xã hội có những chức năng đặc thù, phải làm tốt công việc của nó một cách bền bỉ, nhất quán; đừng tưởng tất cả đồng loạt, xúm vào ào ào cùng làm một việc là tốt.

– GIA ĐÌNH là nơi đầu tiên và nơi cuối cùng con người trải nghiệm cái văn hóa làm người. Gia đình chủ yếu hình thành nên đời sống tình cảm, nghĩa vụ trách nhiệm (tình nghĩa) và cách ứng xử giữa những con người đang sống với nhau và với người đã khuất. Mối quan hệ huyết thống vẫn là mối quan hệ thiêng liêng, bền vững nhất. Bao nhiêu thứ “tình” cũng trôi đi, còn đọng lại bền sâu là tình gia tộc, huyết thống. Giáo dục tâm linh đúng đắn từ gia đình rất quan trọng. Đạo làm người phải từ nền móng gia đình hình thành, phát triển lên; nó đã hỏng từ đây thì thật khó khăn cho xã hội…

– NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG là nơi chủ yếu hướng dẫn cho trẻ lĩnh hội văn hóa chế tạo, sử dụng công cụ của nhân loại theo cách “đi tắt đón đầu” để bắt kịp bước tiến của thời đại; hướng dẫn trẻ trải nghiệm và lĩnh hội tinh hoa văn hóa dân tộc mình và các dân tộc khác; học sinh không chỉ hưởng thụ mà còn biết sáng tạo văn hóa, biết cách sống giữa người với người, giữa các dân tộc sao cho đàng hoàng, tử tế, thân ái, có lý có tình và khẳng định được giá trị văn hóa khác biệt của mình. Quá trình đó cũng đồng thời hình thành nên nhân cách công dân vừa có cái chung của nhân loại, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc mình.

– TRƯỜNG NGHỀ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học) chủ yếu đào tạo văn hóa nghề nghiệp, nhân cách người làm nghề đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của xã hội. Thực chất cũng là tạo ra hàng hóa sức lao động cạnh tranh thắng lợi trên thị trường lao động và biết sống một cuộc đời có ý nghĩa, có văn hóa.

– GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN (học suốt đời) là giúp con người thích ứng với những thay đổi không ngừng và nhanh chóng của môi trường; giúp con người tránh là nạn nhân của những thay đổi; có văn hóa vượt qua giới hạn cá nhân, thích ứng những thay đổi của tự nhiên và với một thế giới muôn màu văn hóa, “thế giới phẳng” để sống chủ động và có ý nghĩa cho mình, cho mọi người…

– TRÊN ĐẠI HỌC không ai giáo dục được nữa, họ tự giáo dục, tự học để phát triển, hoàn thiện và một bộ phận trở thành tầng lớp tinh hoa của xã hội, “nguyên khí của quốc gia”. Vấn đề là ở chỗ thể chế và văn hóa tổ chức quản lý xã hội phù hợp thì tầng lớp này phát triển mạnh mẽ, đem lại những giá trị văn hóa đỉnh cao cho xã hội, “sánh vai cường quốc năm châu”; thể chế và văn hóa quản lý không ra gì thì họ cũng chỉ sống vật vờ, tạo ra những giá trị kiểu “văn hóa bình dân” mà thôi!

– NHÂN CÁCH VĂN HÓA ĐÔ THỊ ở ta chắc còn lâu mới có! Nhìn vào lối sống của người dân Hội An, Đà Nẵng ta có hy vọng, vì thấy được hình hài của văn hóa đô thị, nhưng ở Hà Nội chắc còn lâu lắm. Bộ mặt thành phố quá nham nhở, xô bồ; có nhiều ngôi nhà đẹp nhưng không làm nên cả con phố đẹp; có một vài con đường đẹp, vài tiểu khu đẹp, mà không làm nên cả thành phố đẹp… Nhưng tệ hại nhất là lối sống tùy tiện, cá nhân, ích kỷ, chỉ biết mình của cư dân hiện hữu khắp nơi nơi trong thành phố. Khi nào hầu hết người dân ý thức được mình là một phần của thành phố, biết tự điều chỉnh hành vi của mình để làm đẹp thêm cho thành phố, có ý thức gìn giữ danh dự, bản sắc văn hóa của hành phố, biết tránh gây phiền phức cho chung quanh và biết xin lỗi khi làm phiền người khác, mới thấy hình bóng của nhân cách văn hóa đô thị. Tại sao Hà Nội có bao nhiêu cuộc vận động, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu lệnh cấm, bao nhiêu “khu dân cư văn hóa” mà không hình thành được lối sống văn hóa đô thị? Chỉ nhìn vào cái vỉa hè, cứ đào lên, lát lại liên tục mà chưa bao giờ xứng với cái vỉa hè đô thị, đủ biết có văn hóa đô thị, còn lâu lắm.

– NHÂN CÁCH VĂN HÓA LÃNH ĐẠO. Nói chung, chỉ đào tạo được tri thức, kỹ năng quản lý chứ không giáo dục, đào tạo nên nhân cách lãnh đạo được. “Quy hoạch” cán bộ lãnh đạo lại càng khó. Những nhà lãnh đạo là tinh hoa của tinh hoa. Từ cuộc sống xã hội đầy thử thách, họ có tư chất, có chí hướng vươn lên, dấn thân trải nghiệm, tự đúc rút kinh nghiệm, tự học hỏi hoàn thiện mình, tự làm nên nhận cách có bản lĩnh lãnh đạo, có phong cách hấp dẫn,  thu hút được quần chúng; có tầm nhìn xa và có vai trò vạch đường, chỉ lối, tiên phong, dẫn dắt … Nhân loại đã tìm ra phương thức hiệu quả để sàng lọc, chọn ra những người có nhân cách lãnh đạo phù hợp với yêu cầu của xã hội trong từng hoàn cảnh lịch sử. Đó là cơ chế cạnh tranh, sàng lọc quyết liệt (không phải quyết liệt với dân!); có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả, công khai và thấy ai không phù hợp thì loại bỏ kịp thời, thay ngay bằng người phù hợp hơn. Mỗi người lãnh đạo biết rõ vai trò và thân phận của mình trước xã hội; họ phải nỗ lực tự hoàn thiện và chứng minh văn hóa lãnh đạo trước nhân dân. Dân tín nhiệm thì họ tiếp tục, dân bất tín nhiệm thì họ khôn khéo rút lui mau lẹ có văn hóa, để tránh gây phản cảm cho xã hội và học hỏi từ bài học thất bại để tiếp tục tìm cơ hội tái xuất trên chính trường. Đó là điểm cơ bản của văn hóa lãnh đạo. Quy luật đảo thải tự nhiên như vậy sẽ tránh dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng loạt cán bộ lãnh đạo các cấp đã mất uy tín, thành “bầy sâu” đục khoét xã hội, mà “kỷ luật hết, lấy cán bộ dâu mà làm việc”(!). Chính “bầy sâu” đe dọa sự tồn vong của đảng cầm quyền, chứ không phải ai khác! Không có biện pháp nào hữu hiệu để giáo dục được nhân cách người lãnh đạo; chỉ có thể chế giám sát khách quan, thải loại kịp thời người không đủ tín nhiệm mới răn đe được họ, khiến họ phải tự ý thức, tự học hỏi, tự điều chỉnh để xứng đáng sự tín nhiệm, tránh sự phế truất của nhân dân, sự phán xét của lịch sử… Điều ấy lại phụ thuộc vào thể chế, vào văn hóa công dân của cả xã hội. Lịch sử đã chứng minh: dù người lãnh đạo lúc mới cầm quyền rất tốt, nhưng thể chế độc tài sẽ làm người lãnh đạo tha hóa nhân cách, dẫn đến những suy nghĩ, hành động phản lại văn hóa lãnh đạo.

Con người văn hóa, nhân cách văn hóa ở ngành nghề gì, cấp độ nào cũng phải thấm nhuần những giá trị chung làm nên NHÂN CÁCH CÔNG DÂN,  VĂN HÓA CÔNG DÂN. Người dân chỉ biết phục tùng mệnh lệnh, hùa theo tập thể, làm theo phong trào một cách a dua, máy móc là ở trình độ nhân cách sơ khai, văn hóa thấp kém; sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, khi mệnh lệnh không còn hiệu quả, tập thể rệu rã, phong trào tự phát… Tản Đà (1889- 1939) viết: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”, rất sâu sắc, nói lên khía cạnh dân ta chưa trưởng thành về nhân cách công dân. Nhân cách công dân, văn hóa công dân phải được hình thành, phát triển, đinh hình từ thể chế của một xã hội công dân.

8. VĂN HÓA QUẢN LÝ VĂN HÓA. Tôi không rõ hệ thống quản lý văn hóa, nên xin phép gặp đâu nói đấy.

– Quản lý văn hóa phải “trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông bắc trông nam, trông cả địa cầu” (Tố Hữu, 1920 – 2002), không thể cắt khúc ra từng nhiệm kỳ! Cứ mỗi nhiệm kỳ lại “tân quan tân chính sách”, phải “đột phá” cài này, “dứt điểm” cái kia, dấy lên phong trào nọ… Nhiều công trình “trùng tu” phải giải quyết trong nhiệm kỳ, nên đập béng cãi cũ đi, xây mới cho nhanh, mà cái khoản tài chính nó cũng nhanh, gọn, ra tấm ra miếng! Nhiều phong trào cũng phải tổng kết, báo cáo thành tích kịp thời để nhiệm kỳ có “dấu ấn”!… Nhiệm kỳ nào cũng chất chồng thành tích, đầy huân huy chương, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc… nhưng có ai hỏi cái giá trị văn hóa đọng lại được bao nhiêu?!

– Tôi không thể hiểu tại sao, mọi cấp lãnh đạo đều có quyền “phá đi làm mới” những di sản văn hóa, bất chấp giá trị lịch sử. Ở quê tôi, chi bộ (thực chất là mấy ông chi ủy) quyết định phá sạch đình, chùa, đền miếu cũ; bây giờ gạ được mấy đại gia công đức xây lại đình chùa mới, liền nhau, bê tông cốt thép! Mười hai họ trong làng xây 12 cái ki-ôt sát bên đình, thành một dẫy liền kề, bằng nhau chằn chặn, mỗi cài chừng 7m2, gọi là Từ đường của mỗi họ. Bao nhiêu làng xã đã bị đập bỏ hết đình, chùa, cổng làng, cầu đá …? Mỗi ông bộ trưởng lên lại nhập, tách trường đại học này với trường kia, viện nghiên cứu này với viện nghiên cứu khác … Bao nhiêu truyền thống với những cái tên danh tiếng bị xóa sạch! Mỗi ông tổng biên tập mới lên lại thay măng – set tờ tạp chí, tờ báo! Bao nhiêu đội bóng đá danh tiếng giàu truyền thống bị xóa sạch; có những đội bóng khốn khổ, lúc ghép với tên ngân hàng, lúc xi măng, dầu khí, lúc phân bón …! Một anh trưởng phòng hành chính cũng có quyền đập bỏ cái cổng cơ quan, vứt tên biển cơ quan, xây cổng mới, thay biển mới; vứt hết bàn ghế cũ thay mới hoàn toàn… Đố ai còn tìm thấy cái bàn ghế của giáo sư Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi… từng ngồi ở cơ quan trước đây! Thử nhìn sang các nước văn minh, xem có ai làm những việc như thế không?!

– Quản lý các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học rất dễ, nếu tạo điều kiện cho họ tự do hoạt động sáng tạo; nhưng sẽ vô cùng khó khăn, vô vọng nếu cứ muốn “quản chặt, nắm chắc” lấy tư tưởng của họ, công việc của họ, sợ họ không theo mình! Cái kiểu dùng “tập thể” để áp đảo các cá nhân khác biệt không được nữa. Xử lý một cá nhân tưởng dễ, nhưng cá nhân đó đại diện cho một khuynh hướng nghệ thuật, xu hướng xã hội sẽ không hề đơn giản.

– Cái gì không quản được thì cấm là cách quản lý ấu trĩ. Cấm đoán chỉ là mặt trái của cách tổ chức một hệ thống tích cực; càng ít cấm càng chứng tỏ văn hóa tổ chức quản lý cao. Tôi xin đề nghị ngành văn hóa chịu khó thống kê xem từ 1945 đến nay, ta đã ban bố bao nhiêu lệnh “cấm” và có mấy cái kết quả? Một đề tài Tiến sĩ rất hay đấy. Tôi nghĩ có đến hàng trăm, hàng nghìn lệnh cấm từ cấp huyện, tỉnh, đến các bộ, ngành trung ương, nhưng hình như chỉ có mỗi cái “cấm đốt pháo” là có kết quả. Ai ra lệnh cấm mà không đem lại kết quả, phải chịu kỷ luật, vì như vậy là dốt, làm hỏng văn hóa quản lý!

– Không thể lấy “toàn hệ thống chính trị” thay cho các thiết chế văn hóa – xã hội được. Ông Tố Hữu trước đây từng nói: Mỹ có tên lửa ba tầng, ta có “tên lửa bốn tầng”. Đó là “con người mới” được đào luyện qua bốn tổ chức liên hoàn: nhi đồng – thiếu niên – thanh niên – đảng viên…! Vậy sao những “con người mới” được “luyện” qua “bốn tầng lò” lại thành sản phẩm như ngày nay? Hãy quản lý văn hóa bằng cách xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa – xã hội ở cộng đồng dân cư và tổ chức những sinh hoạt văn hóa như vốn nó thường tồn. Cần bớt quản lý văn hóa bằng chỉ thị, mệnh lênh, khẩu hiệu “đồng loạt ra quân”, “dấy lên phong trào”, “thi đua thực hiện”, “chỉ đạo quyết liệt”… (Những nước không xài các món này, văn hóa của họ vẫn tốt lắm). Văn hóa là những cái tích tụ, lắng đọng, vun xới lớn dần lên mới đâm hoa kết trái, không tiền trao – cháo múc, chộp giựt, đổ khuôn ngay đươc!

– Xin bớt cờ, đèn, kèn, trống, loa đài, pano, áp phíc, khẩu hiệu… đi! Năm 1945, 1954, 1975 thì dân ta rất khoái những thứ đó, nhưng cái gì lặp lại mãi cũng nhàm chán ít tác dụng, rồi phản tác dụng! Ngay những người làm công việc đó cũng làm như máy, vô cảm, nhiều sai sót. Mà tốn kém, lãng phí sức người, sức của. Rồi một cái đền, chùa nhỏ xíu cũng có đến 5 – 7 hòm “công đức”, nhìn thấy ghê ghê quá! Mỗi đền chùa chỉ nên có một “hòm” là đủ.

– Xin bớt chính trị hóa các sinh hoạt văn hóa dân sự đi! Ngày giỗ các cụ Tổ của tôi, là Mạc Đĩnh Chi, Mạc Đăng Dung… vua quan đại phong kiến, mà địa phương cũng treo đầy cờ búa liềm, thì các cụ nhìn thấy hãi hết hồn, sao dám về! Tôi đã thấy nhiều hình ảnh đám cưới, buổi họp mặt đồng hương, giỗ họ, liên hoan, thi nấu ăn, tiếp thị mỹ phẩm phụ nữ, thi tìm hiếu sức khỏe sinh sản vị thành niên… cũng cứ phải có quốc kỳ, cờ búa liềm và tượng Cụ Hồ chứng kiến!

Dân ta thường bảo “vui như Tết”, “vui như Hội”, nhưng nhiều nơi những buổi tổ chức “Vui Tết”, “khai Hội” mà dân phải nghe đủ các cấp lãnh đạo lên huấn thị dài dòng, mất hết vui! Khổ nhất là các cháu học sinh trong ngày khai trường và tổng kết năm học, nhất là trường nào lại được huân chương hay bằng khen càng khổ; các bác lãnh đạo lên dạy “làm người” thế này thế kia, hiệu trưởng lên đáp lễ, phụ huynh lên căn dặn, học sinh lên hứa hẹn… Nhiều em ngồi nghe chán quá chọc ghẹo nhau thì bị cô chủ nhiệm lườm, đe ghi Sổ liên lạc! Nhiều học sinh còn sợ nhất là sáng thứ hai chào cờ. Đứa nào có tội lỗi gì bị đem ra phán xét dưới quốc kỳ trước toàn trường!…

Ôi, văn hóa quả là mênh mông, kỳ thú, đi mãi chẳng biết đâu là bến bờ!

Xin phép dừng ở đây.

Hà Nội, ngày mồng 5 Tết Giáp Ngọ (04/2/2014)

Mạc Văn Trang

Nguồn: vanhoanghean.com.vn