“ĐÊM NAY MỚI THẬT LÀ ĐÊM”

Ghé qua chợ đêm Đồng Xuân vào ngày cuối tuần nghe hát xẩm, mới thấy khách xem, chủ yếu là thanh niên và du khách nước ngoài. Tôi tìm gặp người phụ trách hỏi thì được biết, chiếu xẩm đang trở thành món ăn tinh thần đặc sắc đối với du khách chợ đêm. Ông cho biết thêm, việc này đã kéo dài 5 năm qua và không đêm nào vắng người xem cả.

(ANTĐ) – Hát xẩm đã xuất hiện ở Hà Nội hàng trăm năm qua. Mối thiên duyên kỳ diệu của làn điệu xẩm trong muôn vàn loại hình văn hóa dân gian góp thêm cho Hà Nội nét đặc sắc trong không gian văn hóa hiếm nơi nào có được.

Hát xẩm nay…

…“Đêm nay mới thật là đêm. Ai đem trăng tưới lên trên vườn chè”… Lời bài thơ “Giăng sáng vườn chè” mộc mạc, ấy vậy mà khi được xướng tấu với song nguyệt, đàn bầu, cặp kè, đàn nhị như rót mật vào tai.

Ghé qua chợ đêm Đồng Xuân vào ngày cuối tuần nghe hát xẩm, mới thấy khách xem, chủ yếu là thanh niên và du khách nước ngoài. Tôi tìm gặp người phụ trách hỏi thì được biết, chiếu xẩm đang trở thành món ăn tinh thần đặc sắc đối với du khách chợ đêm. Ông cho biết thêm, việc này đã kéo dài 5 năm qua và không đêm nào vắng người xem cả.

Ở Hà Nội, không ai không biết chiếu xẩm, nếu như đã từng sống ở thời kỳ những năm 40-50 của thế kỷ XX. Và nay, nét văn hóa của Hà Nội 36 phố phường một thời đang sống lại, sống bằng chính sức sống của người yêu mến âm hưởng dân dã, mà không cần xây dựng một nhà hát lộng lẫy, như những loại hình nghệ thuật khác.

“Cách đây 5 năm, ở góc chợ này tôi đã giới thiệu cho du khách những điệu “Giăng sáng vườn chè” với tiếng song nguyệt, cặp kè trống, phách, khi ấy ước nguyện chỉ dám mơ được giới thiệu không ngờ nó lại được đón nhận đầy hào hứng của người chơi chợ đêm”. Ông Thao Giang phấn khởi nói về thời gian tái xuất của hát xẩm.

Những làn điệu xẩm không hoa mỹ, cũng không tầm thường, mà tiềm tàng trong đó là những tích cốt của thơ ca, hò vè, thường đi với nhạc cụ dân gian được người nước ngoài tấm tắc khen, trầm trồ thưởng thức. Đối với người yêu mến hát xẩm, điều đó như chất xúc tác cho chiếu xẩm có cơ hội thăng hoa. Điều vui hơn đối với những người “xướng xẩm”, không phải là tiền thu về nhiều, mà hơn cả là có rất đông thanh niên háo hức chờ đợi nghe, xem tìm hiểu và tìm đến học hát xẩm sau những đêm như thế.

…và nghệ nhân xẩm xưa

Ông Nguyễn Văn Gia, năm nay 67 tuổi được tôn vinh là nghệ nhân xẩm cuối cùng của Hà Nội. Ông cũng là một trong những người thường xuyên có mặt cho những đêm diễn xướng tại chợ đêm Đồng Xuân. Khi trò chuyện về việc trở thành nghệ nhân ông Gia trăn trở, bởi theo cách suy nghĩ của ông “điều cần nhất là nó sống và lưu giữ được cho muôn đời sau” chứ nghệ danh hay nghệ nhân chỉ là điều phù phiếm. Ông Gia đã từng sống nhờ vào nó, nhưng quan trọng hơn là vì ông mê xẩm, mê những câu hát mộc mạc trong cuộc sống được chắp nối bởi tiếng song nguyệt, nhị cầm.

“Việc chúng ta đưa nghệ thuật dân gian trở thành nét văn hóa đặc trưng cho Hà Nội, cho Việt Nam không phải để gắn cho nó mác này mác kia, mà để nó thực sự là “đặc sản” tinh thần trong lòng người mến mộ. Đó mới là điều cần phải suy nghĩ. Tôi ngỡ, những thứ nhạc cụ đàn nhị, song nguyệt của tôi xưa kia, giờ chỉ để treo trên tường làm kỷ niệm riêng cho mình” – ông Gia hào hứng nói về những đêm được sống lại một thời hát xẩm của mình. Ông vui thực lòng. Vui vì trong hàng nghìn vạn trò chơi, băng đĩa xô bồ, ồ ạt mà chiếu xẩm vẫn có chỗ đứng vững. Không quảng cáo rầm rộ, không rao vặt, tờ rơi, không băng rôn hoa mỹ, không nhà hát lộng lẫy… Vậy mà nhiều người tìm đến xẩm như một lẽ đam mê vậy.

Ai đó từng nói, thương hiệu không phải để ghi danh, mà thương hiệu là tự thân nó làm cho công chúng thấy được giá trị, cái hay, cái đẹp. Cũng như thế, hát xẩm tự nó hồi sinh dưới sự diễn xướng của những người đam mê. Nói như ông Thao Giang – thành viên của chiếu xẩm chợ đêm Đồng Xuân – thì “điều vui nhất là hát xẩm diễn ra 5 năm qua, thì cũng ngần ấy thời gian chưa đêm nào vắng khách, ngay cả những đêm lạnh giá”. Mừng thật, vì đó là dấu hiệu để giấc mơ hồi sinh “dòng nhạc nón mê kính râm” này có thể trở thành hiện thực.

Từ những đêm diễn ban đầu, giờ đây đã có một lớp học riêng về loại hình nghệ thuật hát xẩm. Chẳng quảng bá, cũng không hô hào, mà các nam nữ thanh niên tự tìm đến xin học khá đông. Mới chỉ ngoài 20 tuổi nhưng họ rất hào hứng theo đuổi học hát xẩm.

Giờ đây, việc lo lắng cho chiếu xẩm có nơi dừng chân đàn hát không còn nhiều nữa. Rất nhiều câu lạc bộ để đàn nhị, song nguyệt, cặp kè tấu khúc thơ ca. Người mang trong tâm hồn sênh, phách sau nhiều năm tiếc nuối làn điệu dân gian này, bây giờ đã sẵn sàng truyền lại cho lớp trẻ có nhiệt huyết. Đó là điều mà nghệ nhân hát xẩm muốn làm và đang làm. Tuy nhiên, hát xẩm vẫn đang hồi sinh theo kiểu… tự phát. Tiếc thay!

Nhã Linh

(Theo An ninh Thủ Đô)

VỀ THĂM “ĐẤT PHÁT NHÂN TÀI”

Cũng bình dị như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam, nhưng có thể nói, thật hiếm ở làng nào mà mỗi bước chân đi đều thấy dấu tích của những danh nhân, anh hùng, của những người học hành hiển đạt… Ngay từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng câu: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”.

Cũng bình dị như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam, nhưng có thể nói, thật hiếm ở làng nào mà mỗi bước chân đi đều thấy dấu tích của những danh nhân, anh hùng, của những người học hành hiển đạt… Ngay từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng câu: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”.
Làng Quỳnh Đôi, nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Theo phong thủy, Quỳnh Đôi là đất “địa linh nhân kiệt”. Quỳnh Đôi không có núi nhưng bốn bề đều có núi hướng về. Phía Nam làng có lèn Yên Ngựa, phía Bắc có lèn Trụ Hải, phía Đông và phía Tây có núi Hiền Hoa và Qui Lĩnh chầu về, chếch hướng Đông Nam có Hòn Bút và Hòn Nghiên; phía Đông có sông Mai Giang uốn lượn rồi chảy ra Cửa Cờn… Phải chăng vị thế ấy đã khiến làng trở thành “đất phát nhân tài”?

Chưa cần biết địa thế ấy đã ảnh hưởng cụ thể đến con người nơi đây như thế nào, nhưng chỉ cần điểm qua việc học hành, hiển đạt của con người nơi đây cũng đủ khẳng định mảnh đất này phát tài từ sự “khổ học”. Về Quỳnh Đôi, gặp ai cũng có thể được đọc cho nghe những câu như: “Kinh kỳ dệt gấm thêu hoa/Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời”, hay “Bây giờ đi nước mỏi vai/Mai sau đi hán đi hài mỏi chân”…
Theo ông Hồ Sĩ Giàng trong cuốn “Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi” cho biết: “Tính từ năm 1444 đời Lê Nhân Tông đến lúc bỏ thi cử chữ Hán, Quỳnh Đôi có trên 1.000 người đậu từ tú tài đến tiến sĩ”.

Còn trong cuốn “Đời nối đời vì nước” (tác giả Hoàng Thanh Đạm và Phan Hữu Thịnh) cho biết cụ thể hơn: Theo thống kê ở 14 họ tại Quỳnh Đôi có 1.137 người thi đỗ, trong đó tiến sĩ: 12 người, phó bảng: 92, cử nhân: 210, tú tài: 823. Trong số này, họ Hồ có số người đỗ đạt nhiều nhất với 560 người, họ Nguyễn: 117, họ Dương: 156, họ Phan: 84, họ Hoàng: 39… Thời này có thể kể đến các tên tuổi như: Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Dương, Phạm Đình Toái, Hồ Phi Tích, Văn Đức Giai, Dương Quế Phổ, Hồ Văn Trung, Hồ Bá Ôn, Dương Thúc Hạp, Dương Quế Phổ, Nguyễn Quý Yêm, Phan Đình Phát…

Tính từ khi bỏ thi chữ Hán đến nay, Quỳnh Đôi có gần 100 người có trình độ trên đại học, trên 800 người trình độ đại học… Có thể kể đến các tiến sĩ như: Nguyễn Xuân Dũng, Phan Tam Đồng, Phan Cự Tiến, Hồ Đức Việt… Các giáo sư và phó Giáo sư: Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Văn Như Cương, Hồ Sĩ Giao, Hoàng Văn Lân, Dương Như Xuyên… Các nhà văn, nhà thơ như: Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương…; Hoàng Trung Thông, Hồ Phi Phục, Hồ Anh Thái… Quỳnh Đôi cũng là quê hương của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Đức Mậu, Anh hùng Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Xinh…

Có thể nói, trong khuôn khổ một bài viết nhỏ không thể kể ra hết những người con ưu tú đất Quỳnh Đôi, mà chỉ có thể nói như chính người Thổ Đôi trang ví von: “Làng ta khoa bảng thật nhiều/Như cây trên núi như diều trên không”.

Đến thăm nhà thờ “Hồ đại tộc”, tôi được ông Hồ Đình Hợi, người trông coi nhà thờ, giới thiệu khá kỹ về dòng họ “danh gia vọng tộc” này. Tại khuôn viên nhà thờ hiện có 3 bức tượng được dựng lên, đó là Hồ Quý Ly, “bộ óc siêu phàm vượt trước thời đại”, thiên tài quân sự Hồ Thơm – Nguyễn Huệ, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đứng trong không gian mênh mông của đồng đất Quỳnh Đôi, dưới tượng Bà Chúa thơ Nôm, ông Hợi ngâm ngợi: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”.

Ông Hợi cho hay, phụ nữ làng Quỳnh Đôi quê ông, nếu không trở thành những người nổi danh như Hồ Xuân Hương cũng trở thành những người mẹ, người vợ chắp cánh cho những trai tài đất này. Ông Hợi kể cho tôi nghe sự thú vị về 2 cây đa trồng hai bên phía trước nhà thờ. Một cây tách ra 5 nhánh, tượng trưng cho 5 chi họ Hồ Quỳnh Đôi. Cây còn lại khi trồng chỉ có một gốc duy nhất, thân nhỏ, nhưng vì trồng sát mép ruộng nên người đi bừa đất làm đồng đã bừa phải. Tưởng cây chết, nhưng khi đem trồng lại thì cây tách làm 2 nhánh như tượng trưng cho 2 người con của ông Hồ Kha khi ông đến đây tìm đất lập nghiệp vào năm 1378. Ông cho người con cả là Hồ Hồng ở lại đất này, còn người con thứ Hồ Cao về lại đất Yên Thành.

Tại thượng điện của nhà thờ vẫn còn đôi câu đối sơn son thể hiện tinh thần của dòng họ “danh gia vọng tộc” này. “Cổ Nguyệt môn cao hệ xuất thần minh Ngu đế trụ/Bảng Sơn địa thắng thế truyền thi lễ Khổng sư tôn” (Họ Hồ cửa cao, sản sinh ra nhiều bầy tôi sáng, con cháu của vua Thuấn/Núi Bảng đất trời, đời đời thi lễ, tôn vinh Đức Khổng Tử). Vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, con cháu họ Hồ từ khắp nơi lại trở về đây chiêm bái tổ tiên, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Duy Cường
(Theo SGGP online)

 

ÔNG BỤT CỦA BỆNH NHÂN NGHÈO

Thầy tên Đỗ Quang Hạnh – một thầy giáo THCS đã nghỉ hưu ở xứ dừa Bến Tre. Cuộc sống khó khăn của một ông giáo già chẳng phải là trở ngại trên con đường hành thiện. Thầy bảo: “Mình nghèo thì có uy tín và tình thương giúp chữa lành phần nào nỗi đau trên da thịt và tâm hồn con người”.

TT – Cứ mươi phút, điện thoại di động trên tay thầy lại rung lên bởi cuộc gọi từ các số máy lạ. Người nhờ thầy chỉ dẫn thủ tục xin miễn giảm viện phí, người thông báo rằng mình sắp được phẫu thuật…
Thầy Hạnh thăm hỏi một người bệnh – Ảnh: MỄ THUẬNThầy tên Đỗ Quang Hạnh – một thầy giáo THCS đã nghỉ hưu ở xứ dừa Bến Tre. Cuộc sống khó khăn của một ông giáo già chẳng phải là trở ngại trên con đường hành thiện. Thầy bảo: “Mình nghèo thì có uy tín và tình thương giúp chữa lành phần nào nỗi đau trên da thịt và tâm hồn con người”.

Quan niệm này đã giúp thầy sau 18 năm hành thiện có thể cứu giúp cho hơn 600 bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim, môi, mắt… miễn phí hoặc được giảm 50% chi phí.

“Thầy Hạnh ơi, nhà tôi nghèo thật”

Đó là nội dung mấu chốt của không biết bao nhiêu cuộc gọi từ các số lạ gọi vào điện thoại di động của thầy Hạnh từ nhiều năm qua. Người gọi thường là thân nhân của những bệnh nhân đang lâm vào thế hiểm nghèo: nhà quá khó lại phải đối mặt với những căn bệnh cần chữa trị bằng những ca phẫu thuật tốn kém vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng.

Sau khi người gọi đã bình tĩnh là lúc thầy sẻ chia thông tin, chỉ dẫn sơ bộ các thủ tục giấy tờ cần thiết để được xin miễn giảm chi phí chữa trị tại các bệnh viện. Cuối cùng xin địa chỉ bệnh nhân để rồi đích thân thầy đến tận nơi cư ngụ của họ làm công việc xác minh tình trạng khốn khó thực tế của người bệnh.

Kết quả xác minh được thầy gửi đến các bệnh viện, từ đó thông qua uy tín của cá nhân thầy, các bệnh viện chấp nhận đơn xin miễn giảm viện phí ở những mức độ hợp lý nhất cho từng hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân. Thậm chí có nhiều trường hợp bệnh nhân đã được chính quyền địa phương xác nhận trên giấy là diện hộ nghèo khó thì vẫn có bệnh viện muốn nhờ thầy xác nhận lại cho chắc.

Không dừng lại, thầy Hạnh còn muốn mọi người quanh mình cùng làm từ thiện khi chủ trương mở nhà ăn tình thương An Lạc tại TP Bến Tre để giúp bữa ăn trưa mỗi ngày cho gần 500 đối tượng nghèo khó, cơ nhỡ xung quanh mình.

“Nhà ăn là nơi mọi người thay phiên nhau đến làm công việc đi chợ, nấu nướng, đóng gói và giao cơm đến tận các địa chỉ cần cứu giúp… nên ai cũng có thể làm việc tốt bằng khả năng góp sức của mình” – thầy Hạnh nói.

Trong một giấy chứng thực tình trạng khó khăn của một bệnh nhi gửi Viện Tim TP.HCM ghi ngày 7-6-2010, thầy Hạnh viết: “Cha Đoàn Thanh Tuấn, sinh năm 1981, quê An Giang. Kiếm sống tại một lò đúc gang ở Sài Gòn. Lương là 1.600.000 đồng/tháng, không được mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế gì cả. Mẹ là Phan Thị Kiều Oanh, sinh năm 1986, quê Đồng Tháp. Từ lúc sinh con là nghỉ lao động luôn, ở nhà chăm con”.

Nếu không nhiệt tâm trong công việc xác thực hoàn cảnh của bệnh nhi mới 22 tháng tuổi này thì trong phần tiếp theo thầy Hạnh khó có thể viết chi tiết đến thế: “Sinh hoạt của cả nhà một tháng cho tiền ăn, ở, điện nước và thuê phòng trọ (ở Bình Chánh, TP.HCM) là khoảng 1.950.000 đồng. Ông bà nội và chú bác cùng ở chung nhà trọ này để đi làm công lặt vặt kiếm sống. Ông bà ngoại có chín con, ở Đồng Tháp, cũng rất nghèo…”.

Từ tất cả thực tế đó, thầy thiết tha đề nghị Viện Tim: “Ngoài quyền lợi bảo hiểm y tế trẻ em bệnh nhân được hưởng, xin Viện Tim giúp đỡ miễn 100% chi phí mổ và viện phí cho bệnh nhi Nhiên. Hiện tại mẹ cứ ôm con mà khóc suốt, rất thương tâm”.

Cô Trinh Ngọc Mai  – phòng trợ giúp xã hội Viện Tim – nhận định: “Chính sự tận tình đi thực tế, thậm chí có lúc thầy hết xăng phải lấy tiền vợ hoặc  mượn bạn bè để có xăng đi – như thầy kể, đã làm nên uy tín của thầy với bản thân tôi và bác sĩ của các bệnh viện khác kể từ khi thầy còn công tác ở Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bến Tre từ 20 năm trước”.

Với các bệnh viện như Viện Tim, Bệnh viện Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chợ Rẫy… thầy Hạnh giờ đây đã là một nguồn tin đáng tin cậy để họ quyết định mức độ miễn giảm chi phí phẫu thuật, viện phí cho các bệnh nhân nghèo.

“Thầy Hạnh như cha mẹ sinh ra tôi lần thứ hai”

Nguyễn Thị Thảo – làm nghề uốn tóc, 31 tuổi, ở xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre – nói như thế về thầy Hạnh. Với Thảo, thầy là người hoàn toàn xa lạ. Nhưng từ khi biết hoàn cảnh khốn khó của gia đình Thảo, thầy đã bằng mọi cách giúp để Thảo được phẫu thuật tim mà chỉ tốn 18 triệu đồng.

Lục lại hồ sơ bệnh án, Thảo được Viện Tim TP.HCM xác định bệnh hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ… phải mổ với chi phí khoảng 80 triệu đồng. Thảo nói: “Lúc nghe bệnh và chi phí chữa trị, tui vô cùng tuyệt vọng. Bởi con còn quá nhỏ, chồng chỉ làm mướn qua ngày nên tiền đâu mà mổ!”. Vậy là Thảo cứ âm thầm mang bệnh suốt ba năm ròng rã. Cho tới khi được giới thiệu thầy Hạnh thì tình trạng bệnh của Thảo đã trầm trọng.

“Tôi đã phải xốc tinh thần con bé dậy. Mình không quyết tâm thì con bé sẽ chết” – thầy Hạnh nhớ lại.

Vì nghèo mà ngâm bệnh chờ… chết như Thảo, trớ trêu thay là hoàn cảnh rất thật của không ít bệnh nhân nghèo ở khắp các nơi mà thầy Hạnh đặt chân đến. Trong số những ca đó, có ca như chị Trần Thị Hồng Em – 47 tuổi, xã Thuận Điền, Giồng Trôm, Bến Tre – chấp nhận sống chung với bệnh hơn 10 năm cho tới khi gặp được thầy Hạnh.

Lúc gặp thầy, chị Hồng Em gầy rộc, nước da đã tái mét. Với các ca bệnh tim, thầy Hạnh cho biết việc can thiệp càng sớm chừng nào càng hiệu quả chừng ấy. Chính vì thế mà ngay sau hôm tiếp xúc với chị Hồng Em, trong ngày 9-6-2010 thầy Hạnh đã làm xong thủ tục cho chị nhập Viện Tim.

Để rồi chỉ trong vòng một tháng sau, ca phẫu thuật tim cho chị Hồng Em chỉ tốn 20 triệu thay vì 70 triệu đồng, đã có được kết quả mỹ mãn.

MỄ THUẬN

 

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 2 : VÀNG VÀ TÌNH

Hai người sống với nhau như vợ chồng được ba năm. Ông có thiện chí tặng cô 10 lượng vàng ròng, cái để làm vốn, cái để đeo chơi cho cuộc sống lóng lánh thêm một chút. Vàng của bổn hiệu được đóng dấu riêng hẳn hòi, đúng 9,8 tuổi, phân lượng đầy đủ. Quả là một thứ vàng danh trấn giang hồ.

TT – Một ông chủ tiệm vàng có tiếng ở thành phố C dù lớn tuổi nhưng vẫn yêu đời, ham chơi một cách chăm chỉ. Ông quen biết một cô gái có hoàn cảnh éo le, gay cấn, tình duyên dang dở.

>> Kỳ 1: Hai cái sự rơi

Hai người sống với nhau như vợ chồng được ba năm. Ông có thiện chí tặng cô 10 lượng vàng ròng, cái để làm vốn, cái để đeo chơi cho cuộc sống lóng lánh thêm một chút. Vàng của bổn hiệu được đóng dấu riêng hẳn hòi, đúng 9,8 tuổi, phân lượng đầy đủ. Quả là một thứ vàng danh trấn giang hồ.

Vàng lên tiếng

Ba năm sau, cô gái quen biết và chung sống như vợ chồng với một thanh niên khác. Ông chủ tiệm vàng và cô gái lặng lẽ chia tay. Trong buổi đầu xây dựng tổ ấm, cô gái chợt muốn mua cái tivi. Cô đưa cho anh thanh niên một lượng vàng bảo đi bán lấy tiền, bởi có tiền mới có tivi. Sách vở dạy vậy.

Chàng thanh niên cầm lượng vàng, xem địa chỉ bổn hiệu thấy cũng gần nhà bèn đến đó bán cho chắc ăn. Người đứng sau quầy phụ trách mua bán vàng là cô con gái út của ông chủ tiệm. Cô gái út xem lượng vàng, chê: “Vàng này non, không đủ tuổi”.

Anh thanh niên nói: “Cái gì? Cô nói làm sao vậy? Vàng này đóng hiệu của tiệm cô mà không đủ tuổi hả? Ở nhà còn có bảy, tám lượng vậy nữa đó”.

Thiệt là một tiết lộ trật bàn đạp! Cô gái út bắt đầu điều tra: “Anh mua làm của hay sao mà nhiều vậy?”. Anh thanh niên: “Tôi đâu có mua. Của người ta cho em gái tôi mấy năm vừa rồi đó”.

Việc mua bán vàng xong, khách ra đi. Cô gái út giở sổ sách mua bán năm ngoái năm xưa ra xem, thấy chẳng có ai mua của tiệm vàng nhà mình cả chục lượng. Và cô chợt hiểu ông già tía đã lấy vàng “kính tặng” cô gái nào đó!

Cô đem phát hiện rùng rợn ấy thỏ thẻ với mẹ. Bà già nổi xung thiên, thủ sẵn một con dao yếm bén ngót. Điều may mắn là sáng đó ông chủ tiệm vàng đi nhậu bên một thị trấn khác, không về ăn trưa.

Chiều ấy, ông về. Hơi men chếnh choáng khiến ông vừa cởi chiếc quần tây vừa cao hứng ca hát râm ran: “Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt, lá vàng nhè nhẹ rơi, mỗi mùa tiễn đưa một người”. Nghe tiếng ca, bà nhìn từ nhà bếp ra. Thấy chồng về, lại nghe mỗi mùa tiễn đưa một người thì nhiều quá nên cơn giận của bà bùng lên.

Bà cầm con dao yếm lướt tới định… tiền trảm hậu tấu. Cô gái út hoảng quá la lên: “Tía ơi, má chém tía đó!”.

Tuy chưa hiểu lý do gì nhưng ông vẫn nhận ra rằng vợ mình cầm con dao lướt tới không được thân thiết và dịu dàng cho lắm. Ngặt một nỗi lúc mới vào nhà, theo quán tính ông lại đóng cổng. Mà đưa tay mở cổng thì không đủ thì giờ tránh chiêu đao pháp “thương tùng nghinh khách” của bà vợ.

Bức tường rào nhà ông kiên cố, xây cao một thước rưỡi. Lần đầu tiên, một số bà con ở đường X, thành phố C được chứng kiến hình ảnh một người nghiệp dư trên 60 tuổi, nặng khoảng sáu mươi mấy ký, cái bụng không thể gọi là thon thả, nhảy một cái ào qua khỏi tường rào nhà mình như một vận động viên nhảy cao chuyên nghiệp.

Bà già không rượt chém được chồng đành đứng trong sân mở hết công suất phóng thanh, chửi mấy tràng ngôn ngữ Việt – Hán lộn xộn.

Đây nói về ông. Nhảy ra khỏi nhà ông đành đi lang thang qua những đường phố với mình trần, chân đất. Có tiếng xe rà một bên, tưởng xe ôm ông không thèm quay nhìn. “Trời ơi, tía đi đâu vậy?”. Ông ngẩng lên. Hóa ra là người con trai lớn. Ông đáp: “Đi đâu thì kệ tao. Mầy hỏi làm giống gì?”. Người con: “Thôi, tía về đi. Lên đây con chở tía về”. Ông chủ: “Về sao được. Má mầy rượt chém tao. Ngu sao về, mầy?”. Nói xong ông đi thẳng.

Chuyện vỡ lở khi bà làm đơn thưa lên công an phường. Thiếu tá trưởng công an phường lắc đầu: “Vụ việc này thuộc gia đình, cơ quan công an không can thiệp được. Ông nhà cho thì cô ấy nhận vậy thôi. Cổ không phạm tội gì hết”. Bà thở một cái khì, bèn lui ra.

Hai cục vàng khò

Ngày 1-1-2002 trong đời ông L.T.Đ., chủ một tiệm vàng ở thị xã Rạch Giá (Kiên Giang), là một ngày xúi quẩy hết biết. Ông cưỡi chiếc xe Suzuki mang theo hai cục vàng khò (vàng chưa tinh chế) cả thảy 46 lượng bảy chỉ, đến thành phố Long Xuyên (An Giang).

Hai cục vàng khò được gói trong giấy báo, để trong túi vải, phía ngoài có bọc nilông. Ông Đ. lên Long Xuyên đổi số vàng này ra nữ trang, bán trong dịp tết 2002. Thế nhưng, khi đến khu vực ấp Hòa Tây B (xã Phú Hòa, Thoại Sơn, An Giang), ông Đ. không nỡ… xa nơi này.

Ông ghé vào quán của K.T. uống nước. Khu vực này nằm trên đoạn 10 cây số vui vẻ, yến hót oanh ca, lơ thơ tơ liễu. Nhiều động mại dâm bình dân hoạt động thường xuyên, thường được gọi là xóm Liều.

Thôi thì cũng nên vui vẻ tí chút. Từ đây qua Long Xuyên chỉ có vài chục cây số, vội vàng chi khách đa tình ơi! Ông Đ. bèn gửi chiếc xe cho chủ quán nước KT rồi tìm đến một động cách đó khoảng 50m để… giải sầu.

Rủi sao hôm ấy Công an xã Phú Hòa ra quân chống mại dâm. Các anh truy quét xóm Liều. Ông chủ Đ. bị bắt quả tang đang làm việc “xóa đói giảm nghèo” cho em út, bị đưa về trụ sở công an xã làm việc.

Đây nói về chủ quán KT. Thấy ông Đ. bị bắt, K.T. bèn đem bọc nilông (có đựng 46,7 lượng vàng) của ông để trên bộ ván ngựa nhà mình. K.T. lại nhờ bà N. dẫn xe của ông Đ. gửi qua nhà hàng xóm. Làm xong các việc, K.T. lên trụ sở công an xã nghe ngóng tình hình, xem họ xử lý ông Đ. ra sao. Riêng bà N. gửi xe xong, quay trở về thì gặp bà T., hai bà thấy bọc đồ để trên bộ ván ngựa (của nhà K.T.) thì tò mò mở ra coi.

Họ tá hỏa tam tinh khi thấy hai cục vàng khò to tổ nái. Phen này thì đại phát tài. Họ bèn tranh nhau chiếm giữ. Bà N. nói dõng dạc: “Tao nhìn thấy trước nên tao có quyền mang hai cục vàng về nhà cất”.

Chiều đó, K.T. về mới biết tin bà N. và bà T. tìm thấy vàng trong bọc đồ của ông Đ.. Ức lòng, bà chủ quán K.T. liền đến nhà bà N. yêu cầu chia cho một cục (không rõ trọng lượng). Bà N. còn lấy dao chặt vàng chia cho bà T. một miếng.

Sáng hôm sau, bà T. mang miếng vàng đi cân được 1,4 lượng. Bà N. mang cục vàng đi cân được 17,3 lượng, đổi ra vàng nữ trang chia thêm cho bà T. ba lượng. Nói chung, nhờ của chùa nên ai cũng phát tài, có phần.

Bị tạm giữ một đêm, sau khi nộp phạt hành chính xong, ông Đ. trở lại nhà K.T. lấy xe thì thấy mất bọc vàng bèn đi báo công an. Cả ba người đàn bà đều bỏ trốn. Được sự động viên của công an, họ ra trình diện, giao nộp nhiều lần tổng cộng được 38,2 lượng vàng và 4,5 triệu đồng.

Phần còn lại là 7,588 lượng vàng chưa thu hồi được.

Trong phiên xử vụ trộm vàng, ba lần tòa hỏi ông Đ. muốn giải quyết thế nào về số vàng bị thất thoát, ông Đ. vẫn không yêu cầu các bị cáo trả lại số vàng ấy.

Ông nói: “Thưa quý tòa, tôi hổng dám kêu nài thêm. Coi như là tôi bị xui. Xin cảm ơn quý tòa, bảy lượng rưỡi đó coi như… thí cô hồn”. Vì vậy, tòa không đề cập đến trách nhiệm dân sự (bồi thường) của các bị cáo.

Hú hồn hú vía ông Đ.!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(theo tuoi tre online)

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 4: VỤ ÁN TỀ THIÊN BAY

TT – Tháng 11-2002 Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa dân sự phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn N.V.T. đối với bị đơn H.V.L. liên quan tới một tấm vé số kiến thiết may mắn trúng giải độc đắc. Hai nhân chứng Huỳnh Văn Hải, đạp xe lôi và Trần Ngọc Dũng, bán vé số, được gọi ra làm chứng cùng có mặt tại tòa.

TT – Tháng 11-2002 Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa dân sự phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn N.V.T. đối với bị đơn H.V.L. liên quan tới một tấm vé số kiến thiết may mắn trúng giải độc đắc. Hai nhân chứng Huỳnh Văn Hải, đạp xe lôi và Trần Ngọc Dũng, bán vé số, được gọi ra làm chứng cùng có mặt tại tòa.

Tề Thiên bay là con… 72!

Nguyên đơn T. khai: sáng 14-5-2001, ông có mua của anh Trần Ngọc Dũng một tờ vé số do Công ty Xổ số tỉnh Cà Mau phát hành, mang số 89372. Hôm sau, thấy đại lý vé số dựng bảng ghi kết quả xổ số Cà Mau, ông lấy vé ra dò. Chưa kịp dò thì có khách gọi ông chở đi. Ông đưa tờ vé số nhờ anh L., một bạn đạp xe lôi, dò giùm. Phần ông, ông đi chở khách.

Khi trở lại, ông không thấy anh L. đâu cả. Gần trưa hôm ấy, giới xe lôi đồn rùm ông T. trúng được một tờ độc đắc 50 triệu đồng bởi anh Dũng bán vé số cho biết như vậy. Hoảng hồn, ông T. đi tìm anh L. hỏi tấm vé của mình nhờ dò giùm đâu. Anh L. trả lời: tấm vé ấy trật lất, đã xé bỏ; còn tấm vé của anh L. mua từ một người ở Bạc Liêu lên bán mới trúng giải đặc biệt!

Ông T. đưa bằng cứ trước phiên phúc thẩm, chứng minh tờ vé số trúng là của ông mua. Sáng 14-5, khi ngồi uống cà phê với anh Huỳnh Văn Hải, cũng là dân đạp xe lôi, ông có kể với anh Hải chuyện đêm qua ông nằm mơ thấy một con khỉ bay qua bay lại. Cả hai người cùng nhất trí cao rằng con khỉ ấy là ông… Tề Thiên đại thánh!

Anh Hải bàn: “Sách vở nói rằng Tề Thiên đại thánh có 72 phép biến hóa thần thông. Ông nằm mơ thấy Tề Thiên đại thánh bay qua bay lại thì nên mua một tờ vé số có số đuôi 72, biết đâu được đại thánh chiếu cố đến cảnh nghèo của ông”. Vừa lúc đó, anh Dũng xuất hiện, cầm một xấp vé số Cà Mau mời ông T. mua. Liếc thấy tấm vé mang số 89372, ông T. lấy ngay một tờ.

Ba người tiếp tục bàn chuyện… Tề Thiên bay. Người ta thường nói là “bay lượn” mà. Lượn tức là… lộn nhào! Cho nên theo ba người, hễ có bay phải có… lộn nhào. Như vậy con 72 có thể lộn nhào ra thành con… 27! Ông T. cũng có ý định mua thêm một vé có số đuôi 27 nhưng tiếc là không ai có. Thôi thì ông khiêm tốn ôm một “ông” 72 vậy, biết đâu… con khỉ ốm nhách đó thương ông.

Trong phiên xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Thạnh Trị bác yêu cầu đòi lại tấm vé số của ông T. vì tòa cho rằng không có căn cứ. Tòa sơ thẩm tuyên bố tấm vé số trúng là của anh L., buộc ông T .đóng án phí dân sự 2.250.000 đồng. Ức lòng ông T. kháng án, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng buộc anh L. hoàn trả ông số tiền trúng giải đặc biệt mà anh L. đã lãnh.

“Tề Thiên bay” thuộc ai?

Tại phiên xử phúc thẩm, bị đơn L. tiếp tục khiếu nại chính anh là người mua tờ vé số Cà Mau mang số 89372 của một người không rõ tên từ Bạc Liêu lên bán. Sáng hôm sau, anh đến chỗ dò vé số, thấy ông T. cũng đang dò vé số. Sau đó ông T. vo tròn tờ vé số và liệng xuống đất rồi đạp xe đi.

Riêng tấm vé số Cà Mau của anh, anh dò và trúng được giải độc đắc 50 triệu đồng. Anh mang tấm vé số trúng xuống Bạc Liêu bán cho đại lý, lấy được số tiền 44,5 triệu đồng. Tiền đó là của anh trúng số, anh không đồng ý trả lại cho ông T.. Anh phủ nhận chuyện ông T. đưa tấm vé số nhờ anh dò giùm.

Qua nghiên cứu hồ sơ, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng nhận thấy trong ba biên bản lấy lời khai và ngay trong phiên xử sơ thẩm, nhân chứng Trần Ngọc Dũng bán vé số xác nhận bốn lần rằng anh có bán cho ông T. một tờ vé số Cà Mau mang số 89372. Trước tòa phúc thẩm, anh Dũng khai chính anh đã cùng ngồi với ông T. và ông Hải bàn việc thấy Tề Thiên bay cứ đánh số 72. Anh Dũng cho biết anh nhận từ đại lý cả thảy 25 tờ vé số mang số 89372, bán cho một người ở Thạnh Trị ba tờ, bán cho ông T. một tờ; 21 tờ còn lại anh trả về cho đại lý vì bán không được.

Tòa xác minh việc bị đơn L. khai mua tờ vé số của một người từ Bạc Liêu lên bán là không có cơ sở. Công văn của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau gửi Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xác nhận kỳ mở thưởng ngày 14-5-2001, giải đặc biệt chỉ trả thưởng bốn vé.

Ngoài ba vé được một người ở Thạnh Trị lãnh, một vé còn lại là do một đại lý ở Bạc Liêu đi đổi. Tờ vé này chính là tờ mà anh L. nhờ người đi bán giùm. Anh L. không trực tiếp đi bán tờ vé số vì sợ lộ bí mật!

Những chứng cứ mà tòa phúc thẩm điều tra, xác minh được hoàn toàn phù hợp với các lời khai của ông T. và hai nhân chứng Dũng vé số, Hải xe lôi. Trong khi đó, anh L. không chứng minh được anh là người mua tấm vé số 89372 của anh Dũng hoặc của một ai khác bán cho. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng cho rằng lời khai của anh L. là không có cơ sở để tin cậy.

Từ đó, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng tuyên buộc anh L. phải hoàn trả cho ông T., người đã mua… ông Tề Thiên bay, trị giá tờ vé số trúng đặc biệt số tiền 44,5 triệu đồng. Anh L. còn phải đóng 2.250.000 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bản án chung thẩm có hiệu lực thi hành.

Bà con đi dự vụ xử án này có người cười ngất bàn rằng: Ông Tề Thiên cuối cùng đã ủng hộ người ngay gặp nạn vậy!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Theo tuoitre online)

 

CHỢ BẾN THÀNH 100 TUỔI

TT – Lễ kỷ niệm chợ Bến Thành tròn 100 tuổi vừa diễn ra đêm 26-4 do UBND quận 1, TP.HCM tổ chức như một dấu mốc để người dân Sài Gòn và du khách ôn lại hành trình trăm năm của ngôi chợ đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn – TP.HCM.

 

Vị trí hiện nay với bốn cửa đông tây nam bắc của chợ Bến Thành là địa điểm cuối cùng kể từ 100 năm trước, khi người Pháp quyết định chuyển địa điểm từ gần sông Bến Nghé đến gần ga xe lửa đi Mỹ Tho nhân dịp xây mới vì ngôi chợ trước đó đã cũ sập. Từ đó, chợ Bến Thành vừa là chứng nhân cho biết bao sự kiện lịch sử, cả những biến động thăng trầm của nhiều lớp cư dân trên mảnh đất Sài Gòn.

Điểm tập trung

Chợ Bến Thành tại địa điểm ngày nay xây dựng từ năm 1912 đến 1914 thì hoàn tất. Chợ hiện nay có tổng diện tích 13.056m², tập trung khoảng 3.000 hộ kinh doanh nhiều mặt hàng trong và ngoài nước, trung bình mỗi ngày chợ đón 15.000 lượt khách. Cuối tháng 1-2012, chợ Bến Thành được tạp chí ẩm thực Food and Wine chọn là 1 trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.

Khi hình ảnh mặt tiền cửa nam của chợ Bến Thành xuất hiện trên các bưu thiếp (post card) của người Pháp, trên tem bưu chính và trên nhiều ấn phẩm đại chúng, trong tâm trí người Sài Gòn và người dân cả nước gần như mặc định đây là một biểu tượng xứng đáng cho thành phố này. Nhà nghiên cứu Lý Lược Tam cho biết vào thời kỳ đầu cho mãi đến những năm 1940, chợ Bến Thành là điểm đến của một loạt bến xe: hai bên hông chợ là bến xe đò đi về các tỉnh, bến xe ngựa ở trước chợ, chếch về phía đầu đường Hàm Nghi hiện nay, còn đối diện cửa nam là ga xe lửa. “Sau này nghĩ lại mới thấy đây quả là ý hay của người Pháp. Họ tổ chức rất nhiều tuyến đường đi đến chợ Bến Thành, từ miền Đông như Lộc Ninh, Hớn Quản đi bằng xe lửa, Mỹ Tho cũng có xe lửa, các tỉnh thì đi xe đò, và ngoại thành như Bà Điểm, Hóc Môn bấy giờ đi về Bến Thành đều có tuyến xe ngựa. Do vậy mà nhiều người đến, nhiều người biết, hình ảnh ngôi chợ từ đó mà nhanh chóng quen thuộc với nhiều người nhiều miền”.

 

Tự hào mình chỉ thua chợ Bến Thành có… 16 tuổi, ông Lý Lược Tam năm nay 84 tuổi vẫn nhớ ngày xưa theo cha đi xe đò từ Lái Thiêu xuống chợ Bến Thành. “Lúc đó tôi mới 7-8 tuổi, nhớ nhất là chợ có rất nhiều người Ấn, người Hoa, bán rất nhiều hàng hóa, người Việt bán hàng ăn ở khu giữa chợ”. Thời bấy giờ những ai có tiền đi chợ Bến Thành ắt phải là nhà khá giả, do vậy chợ Bến Thành ngay từ khi ra đời ở vị trí trung tâm Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự văn minh thị dân nơi vùng đất “trăm sông họp chợ” này.

Chợ Bến Thành đã có trước khi người Pháp chiếm Gia Định nằm bên bờ sông Bến Nghé

 

  Chợ Bến Thành năm 1860

Chợ Bến Thành thập niên 1920 có thêm bùng binh Cuniac (là tên luật sư có công nhất trong việc phát triển đô thị Sài Gòn)  Nguồn: Công an TP.HCM – Ảnh: Nguyễn Đình

Công trường Diễn Hồng trước cổng chính chợ Bến Thành trước năm 1975, nay là công trường Quách Thị Trang Ảnh sưu tầm của Phạm Công Luận

Chợ Bến Thành 1921

Đẳng cấp sang cả

Thông tin “chợ Bến Thành kỷ niệm 100 năm” đem lại cho ông Nguyễn Anh Kiệt (Q.1, TP.HCM) một chút trầm mặc. Với ông, hay đúng hơn là với dòng họ ông, ngôi chợ này có một phần “dính dáng” không nhỏ. Năm nay tròn 60 tuổi, ông Kiệt vẫn phải dẫn lời những bậc cha ông trong dòng họ để nhắc lại khu vực chợ Bến Thành ngày nay lúc trước là ruộng rau muống, mà ông cố ngoại nhà ông có phần lớn trong đó. “Cho nên khi thành lập chợ, gia đình ông ngoại tôi được ưu tiên có rất nhiều sạp trong chợ Bến Thành. Mấy chị em bà ngoại tôi buôn bán ở đây từ năm 1914. Bán cho đến năm 1944 khi Nhật bỏ bom chợ Bến Thành thì mọi người sợ quá, nhà ngoại tôi đi tản cư hai hướng, về Phú Nhuận và về tận Bến Tre”.

Trong ký ức của ông Kiệt và theo lời kể của những người trong họ, chợ Bến Thành khi xưa tập trung bán đồ cao cấp, là nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn của người Ấn, người Pháp. “Bán được lắm, bà ngoại tôi một năm chỉ bán sáu tháng nắng, nghỉ sáu tháng mưa, vậy mà bán từ năm 1914 đến năm 1923 đã đủ làm giàu, tích lũy được nhiều vàng. Thời đó, tính riêng thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng cà ri Ấn Độ, mỗi ngày bà ngoại tôi bán hàng thiên (nghìn trái) dừa khô, bí đỏ chất trong nhà vài tấn là chuyện thường” – ông Kiệt kể. Và cũng theo ông, từ thời bà ngoại của ông còn bán ở chợ Bến Thành thì khách của nơi này đã là khách hạng sang: “Dân mình lúc đó còn nghèo, mua cây trái rau củ thường mua hàng dạt, chứ người bình dân mấy ai vào chợ Bến Thành mua thực phẩm hằng ngày”.

Các phù điêu bằng gốm gắn trên bốn cổng Đông-Tây -Nam -Bắc biểu tượng cho các mặt hàng  bán ở chợ do nhà giáo, nhà điêu khắc Lê Văn Mậu (người đeo kính bên trái) thiết kế năm ???? Tư liệu của Nguyễn Minh Anh

Ảnh: Nguyễn Đình

 

Chợ Bến Thành ngày nay  Nguồn: Công an TP.HCM – Ảnh: Nguyễn Đình

 

Chợ Bến Thành sau khi khánh thành 4 năm (1918)

 

Tranh bút sắt của Phạm Công Tâm vẽ theo ảnh chợ Bến Thành thời kỳ trước năm 1952

Chứng nhân và bước ngoặt

Tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập chợ Bến Thành, ban quản lý chợ cho biết sẽ thành lập website mang tên chợ Bến Thành và lắp WiFi cho toàn khu chợ. Đây xem như là nét mới nhất của ngôi chợ này trong thời hội nhập, khi hoạt động giao thương được khai thác cả kênh trực tuyến. Thật ra, giao thương quốc tế vốn là lợi thế của Bến Thành từ những ngày đầu, là nơi nổi bật trong cả nước với khả năng thu hút một lượng lớn khách “nhiều màu da, đa quốc tịch” đến mỗi ngày.

Và những công dân cố cựu của Sài Gòn vẫn nhớ ngôi chợ này từng là chứng nhân cho nhiều sự kiện lịch sử. Từ những cuộc xuống đường với tinh thần nữ sinh Quách Thị Trang đến nay đã là biểu tượng gắn liền với hình ảnh ngôi chợ, đến những tháng ngày khi đất nước thống nhất, Bến Thành là nơi tập trung hàng hóa cho khách mua đem về Bắc làm kỷ niệm. Một nhà sưu tập tại Sài Gòn nhớ lại những ngày tháng 5, tháng 6-1975, rất nhiều bộ đội trước khi về quê đã ghé chợ Bến Thành mua cau khô, vải quần tây, võng, và một chiếc đồng hồ để làm quà miền Nam trong không khí tưng bừng mừng đất nước thống nhất.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Kiệt, chính sự ra đời của chợ Bến Thành đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng nông thôn ở khu vực này, bởi trước đó nơi đây vẫn còn ruộng, người dân mỗi khi trời mưa còn xách cần đi câu cá. Hồi đó không mấy người dùng cụm từ “đô thị hóa”, nhưng nhà nghiên cứu Lý Lược Tam cho rằng ngôi chợ Bến Thành ghi dấu quan trọng cho bước ngoặt đô thị hóa để nơi này trở thành trung tâm của trung tâm TP.HCM hiện đại hôm nay.

LAM ĐIỀN

* KTS NGUYỄN MINH TIẾN:

Từ năm 1912-1914, thị trưởng Eugène Cuniac cho lấp ao Boresse và xây lên chợ Mới Sài Gòn. Hai bên hông chợ cho đến năm 1940 còn là bến xe miền Đông và miền Tây. Từ năm 1985 có sự sửa chữa lớn, tuy nhiên cấu trúc cũ vẫn giữ nguyên. Nó được xem như một biểu tượng về mặt văn hóa và kinh tế thương mại không chỉ của Sài Gòn mà của cả miền Nam qua sự kết hợp với các tuyến kênh rạch Tàu Hủ, Lò Gốm kề bên với vựa tôm cá, lúa gạo miền Tây ngày xưa. Ưu điểm của chợ là một kiến trúc mở rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới, là một bài học tiêu biểu về mặt kết cấu bêtông cốt thép nhịp lớn.

Dù hiện tại đã bị “đóng” bớt bởi các kiôt mặt tiền, nhưng cho đến nay chợ Bến Thành không chỉ được xem là một di sản kiến trúc không thể thay thế về mặt vật chất với các hoạt động buôn bán sầm uất mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần rất lớn. Khách du lịch có thể không thích thú với các cao ốc thương mại có máy điều hòa không khí nhưng sẽ thích đến đây mua vài món đồ kỷ niệm, khám phá tìm hiểu một đời sống rất thực của người dân Sài Gòn. Có thể nói, giá trị về mặt văn hóa, nhân văn cũng như ấn tượng của ngôi chợ lưu lại trong mỗi người con xa xứ hay khách du lịch là không thể thay thế và hơn lúc nào hết nó rất cần được gìn giữ, bảo tồn.

* PHẠM HỮU MINH (hướng dẫn viên Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ):

Có lẽ không chỉ tôi mà bất cứ người làm du lịch nào cũng muốn đưa du khách nước ngoài đến chợ Bến Thành chứ không phải một ngôi chợ nào khác, bởi đây là ngôi chợ gắn liền với hình ảnh Sài Gòn xưa. Với khách du lịch, đó còn là một ngôi chợ dân dã, truyền thống nổi bật ở tính phân bổ các ngành hàng, buôn có bạn bán có phường và mang tính giao tiếp bản địa sống động. Không lạ khi rất nhiều du khách đều tỏ ra thích thú với khu vực cửa bắc, bởi ở đó vẫn lưu giữ hình ảnh các quầy hàng thô sơ bày bán cá tươi sống hay đánh giá cao khả năng trưng bày sản phẩm trái cây, hoa tươi…

HOÀI TRANG ghi

Nguồn: tuoitre.vn